Đội thi lớp 12 C7 trong phần thi tự luận môn toán
|
Gần tháng nay, thay vì phải vào lớp học và có những giờ truy bài căng thẳng thì học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh lại hồi hộp chờ đợi những tiết sinh hoạt ngoại khóa thú vị ở sân trường.
Giờ sinh hoạt ngoại khóa được thực hiện vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần và được “bày binh bố trận” như một trận đánh với tên gọi “Chiến dịch chiếm lĩnh kiến thức”. Mỗi tuần sẽ có 4-5 lớp được tham gia các “trận đánh” mang tên “thăm dò”, “nổi dậy”, “tấn công”. Theo đó, mỗi lớp sẽ chọn ra năm thành viên để đứng trên sân khấu và trả lời các câu hỏi do ban tổ chức (BTC) đặt ra. Nội dung các câu hỏi xoay quanh kiến thức các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011. Hình thức thi và ra đề được “sao chép” nguyên bản như một kỳ thi tốt nghiệp thu nhỏ, nghĩa là có cả hình thức thi trắc nghiệm và tự luận. Thí sinh được quyền mang theo giấy nháp, bút, máy tính và Atlat địa lý lớp 12 nhưng không được phép mang tài liệu vào “phòng thi”. Các cổ động viên ngồi bên dưới cũng không được nhắc bài cho những người dự thi. Đối với các môn thi trắc nghiệm (lý, tiếng Anh, sinh), HS sẽ trả lời các đáp án A, B, C, D bằng hình thức giơ bảng. Sau khi các đội đưa ra kết quả, ban giám khảo là những thầy cô trực tiếp giảng dạy các môn thi tốt nghiệp sẽ cho đáp án và giải thích cặn kẽ lời giải. Với môn toán, 5 đội dự thi sẽ được nhận cùng 1 bài toán và có 1 phút 30 giây để giải đề. Sau khi bài làm của các đội được nộp lại cho ban giám khảo, một giám khảo sẽ trực tiếp giải đề cho các đội và toàn HS khối 12 cùng nghe. Trong khi đó, bộ phận chấm bài cũng hoàn tất kết quả và công bố số điểm của các đội chơi. Ở môn địa, các đội chơi theo hình thức “hái hoa dân chủ”, nếu trả lời đúng sẽ được cộng điểm. Trong trường hợp trả lời sai hay thiếu ý, các đội còn lại sẽ được quyền nhấn chuông trả lời và nhận điểm thưởng đúng bằng điểm của câu đó. Riêng với môn văn, các đội sẽ chơi theo hình thức nhấn chuông, đội nào nhấn chuông nhanh và trả lời đúng sẽ được điểm tuyệt đối từ câu hỏi. Trong trường hợp trả lời sai, các đội còn lại được quyền nhấn chuông trả lời và điểm sẽ được cộng từ số điểm của đội đã trả lời sai. Ngoài ra, các đội cũng được quyền đặt “ngôi sao hi vọng” để nhân đôi số điểm của mình. Sau ba tuần thi, ban giám khảo sẽ chọn ra ba đội hạng nhất và một đội hạng nhì (có số điểm cao nhất trong các tuần thi) để vào vòng chung kết mang tên “Chiếm lĩnh”.
Sau mỗi câu hỏi được đặt ra, ban giám khảo sẽ giải thích cặn kẽ đáp án, hướng làm bài đồng thời cảnh báo những “cái bẫy”, những lỗi mà thí sinh hay mắc phải. Những lúc như vậy, sân trường bỗng trở thành một lớp học tập thể bởi tất cả các em đều chăm chú lắng nghe những lời dặn dò từ thầy cô của mình. Thầy Nguyễn Tỷ Chế Đạt, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là năm thứ sáu trường áp dụng hình thức này cho HS lớp 12 nhằm tạo cho các em một sân chơi thú vị, tránh được sự căng thẳng sau nhiều ngày ôn tập. “Mỗi tuần, chúng tôi sẽ cho HS trả lời những câu hỏi nằm trong trọng tâm ôn tập của từng tuần. Sau bốn tuần vừa học, vừa chơi, vừa củng cố kiến thức, tôi nghĩ các em đã tự trang bị, bổ sung cho mình một lượng kiến thức vững chắc để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT”, thầy Đạt nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Với thời gian 2 tiết học và 12 câu hỏi (mỗi môn 2 câu), tất cả HS lớp 12 của trường vừa có những phút giây hồi hộp theo dõi cuộc thi, vừa được bổ sung và củng cố kiến thức của mình.
|
Bình luận (0)