Trao đổi với PV về vấn đề lạm thu, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiến niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết:
Quốc hội đã có hẳn một nghị quyết chuẩn thuận Đề án đổi mới cơ chế tài chính. Cho đến nay, chưa có địa phương nào điều chỉnh học phí theo đề án này nhưng trên thực tế PHHS cứ bị “đè” ra để thu tiền ngoài quy định; số tiền lớn hơn học phí nhiều lần. Nếu cứ để tình trạng nhập nhằng như thế này thì không ổn.
|
GS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Hội phụ huynh không được thu tiền
Việc lạm thu năm nào cũng diễn ra, bao nhiêu năm nay không giải quyết được. Tôi không rõ Bộ GD-ĐT có tổ chức nghiên cứu vấn đề này hay không mà không đưa ra được giải pháp. Các đề tài nghiên cứu khoa học của Bộ GD-ĐT không thiếu. Nên tổ chức đề tài nghiên cứu để có giải pháp chấn chỉnh.
Theo tôi, nên phân biệt mấy khoản chi như sau để có cách giải quyết phù hợp: Thứ nhất là những khoản chi thuộc phạm vi nhiệm vụ ngân sách (bao gồm cả nguồn kinh phí từ học phí), ví dụ: tiền xây dựng trường, làm nhà vệ sinh, sơn sửa nhà cửa…
Khoản thứ hai là khoản huy động theo sáng kiến của một số PHHS có điều kiện kinh tế muốn nâng cấp cơ sở vật chất lớp học để con mình được học trong điều kiện lý tưởng (ví dụ, lớp học có máy điều hoà, máy chiếu, video,…).
Khoản thứ ba là khoản liên quan đến hoạt động của hội PHHS thì theo tôi hội chỉ được phép thu một khoản tiền rất nhỏ, khoảng vài ngàn đồng/tháng để duy trì hoạt động của hội. Không nên thu quỹ lớp để chi cho cô giáo, chi phần thưởng cho học trò… Các trường không được phép sử dụng hội PHHS và hội PHHS cũng không nên biến mình thành công cụ để lạm thu. Những chuyện này hoàn toàn có thể cấm được.
Khoản chi thứ tư của PHHS là chi trả một số dịch vụ không liên quan đến nhiệm vụ của ngân sách nhà nước thì ai sử dụng dịch vụ, người đó sẽ phải trả tiền. Ví dụ, chi tiền ăn trưa, tiền gửi xe… Vì ngân sách nhà nước có hạn nên không thể "bao" mỗi trường một đội phục vụ nhà ăn, một vài nhân viên trông xe nên chỗ này các trường có thể thuê người làm dịch vụ.
– Như ông phân tích thì có một số khoản thu trong nhà trường có thể xử lý được nhưng vấn đề lạm thu hiện không giảm và khâu quản lý gần như bó tay. Vì sao Bộ GD-ĐT lại lúng túng không tìm được hướng tháo gỡ vấn đề này, thưa ông?
Tôi cho rằng, trách nhiệm giải quyết vấn đề này là của Bộ GD-ĐT, đồng thời cũng là của Uỷ ban nhân dân các cấp. Bộ cần ra văn bản chỉ đạo cương quyết, cụ thể. Chính quyền địa phương cần tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý dứt điểm.
Hội đồng nhân dân các cấp cần giám sát thực tế và chất vấn những người có trách nhiệm về vấn đề này. Thậm chí, có thể cảnh báo trước là nếu sang năm việc lạm thu còn tái diễn thì sẽ yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người có trách nhiệm. Có làm thật quyết liệt thì mới chặn đứng được việc lạm thu. Chứ nếu chỉ nói chung chung "cấm lạm thu" mà không có biện pháp cụ thể thì không giải quyết được.
Chất lượng không thể giải quyết bằng lạm thu
– Cũng có ý kiến cho rằng, trường tư được thu học phí cao trong khi ngân sách nhà nước đầu tư cho trường công không đủ bù chi, vì vậy các trường công phải có một số khoản thu để "nâng cao chất lượng giáo dục". Lập luận này có hợp lý không, thưa ông?
Các trường công có ngân sách nhà nước đảm bảo. Cụ thể là cơ sở vật chất, lương giáo viên và nhiều khoản chi khác đều do nhà nước lo… Mặt khác, trường công phục vụ đối tượng “đại trà” thì chi tiêu cũng trong khả năng cho phép thôi.
Còn trường tư không có những khoản tài trợ của nhà nước như trường công. Sự đóng góp của người học là theo thoả thuận giữa nhà trường với gia đình người học.
Dĩ nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục thì tất cả các khoản đóng góp này phải tính vào học phí, chứ không thể bày thêm các khoản ngoài học phí.
– Tuy nhiên, sau khi Ban Dân nguyện đưa ra bảng thống kê 33 khoản thu ngoài học phí thì không ít lãnh đạo các trường thừa nhận, nếu không có những khoản thu đó thì hoạt động của các trường khó đảm bảo chất lượng. Ông có chia sẻ gì với các nhà quản lý trường học?
Dĩ nhiên chúng ta đang gặp nhiều khó khăn vì kinh phí nhà nước có hạn, học phí cũng không thể thu cao được. Những khó khăn đó liên quan đến chuyện lớn mà chắc phải Nhà nước mới giải quyết được.
Ví dụ, hiện nay phần lớn trường học ở đô thị chật chội, thiếu lớp nên học sinh phải ngồi học quá đông, thường gấp đôi chuẩn (Sĩ số/lớp thường 50-60, trong khi chuẩn chỉ cho phép đến 35). Việc này không thể giải quyết bằng cách thu tiền của PHHS mà phải dựa vào ngân sách nhà nước. Còn những việc khác không ảnh hưởng lắm đến chất lượng giáo dục.
Nếu lãnh đạo trường nào cho rằng không có những khoản thu ngoài học phí sẽ không đảm bảo được chất lượng giáo dục thì tốt nhất nên nhường cho người khác lãnh đạo. Ai thấy với kinh phí nhà nước đầu tư và khoản thu từ học phí mà duy trì được hoạt động của nhà trường thì làm, còn ai không làm được thì nên từ chức.
Thu nhập trên triệu/ tháng góp thế nào?
– Theo ông, Hội (Ban) phụ huynh nên hoạt động như thế nào để ý kiến của họ đưa ra là đại diện của số đông chứ không mang tính chất áp đặt núp dưới hình thức tự nguyện như hiện nay khiến nhiều phụ huynh bức xúc?
Hội phụ huynh đúng nghĩa là "sợi dây" liên lạc giữa nhà trường với gia đình để phối hợp giáo dục con em. Hội không có trách nhiệm đứng ra giải quyết những công việc của nhà trường.
– Nói như vậy thì việc ngăn chặn lạm thu trong trường học không phải hết cách. Tình trạng này tái diễn trong nhiều năm nay ông có cho rằng có sự "làm ngơ" của các cơ quan quản lý?
Nếu không có sự nể nang, nương nhẹ thì việc lạm thu này chắc đã được giải quyết dứt điểm từ lâu rồi. Tôi đồng ý là các trường có khó khăn về kinh phí thật. Nhưng đây là khó khăn chung của cả nước, của nhiều ngành. Nhà giáo không thể giải quyết khó khăn của mình bằng cách đẩy khó khăn cho người khác. Các trường lạm thu như hiện nay thì những công nhận chỉ thu nhập trên triệu/tháng sẽ đóng góp cho con thế nào?
Để giải quyết những khó khăn về kinh phí giáo dục, Bộ GD-ĐT đã thay mặt Chính phủ trình trước Quốc hội Đề án đổi mới cơ chế tài chính, trong đó quy định rõ lộ trình tăng học phí đến 2015. Quốc hội đã có hẳn một nghị quyết chuẩn thuận đề án này. Cho đến nay, chưa có địa phương nào điều chỉnh học phí theo đề án này nhưng trên thực tế PHHS cứ bị “đè” ra để thu tiền ngoài quy định; số tiền lớn hơn học phí nhiều lần. Nếu cứ để tình trạng nhập nhằng như thế này thì không ổn.
Theo tôi, Hội đồng nhân dân các địa phương, trước hết là ở một số đô thị có chuyện lạm thu cần sớm quyết định chuyện học phí cho rành mạch, rõ ràng. Cảm ơn ông!
Theo Kiều Oanh
(VietNamNet)
Bình luận (0)