Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sách lậu bán trên vỉa hè

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc chiến chống sách lậu, sách giả đã được các ngành liên quan tích cực triển khai, tuy nhiên với công nghệ ngày càng tinh vi, giá sách ngày càng đắt, sách lậu vẫn còn đất sống.

Sách lậu bán công khai

Dạo một vòng các quận nội thành TPHCM, dễ dàng tìm ra các điểm bán sách trên vỉa hè, với đủ loại sách. Tại các điểm trên đường Điện Biên Phủ (quận 3), Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1), Lê Văn Việt (quận 9)…, khách hàng có thể đặt mua các tựa sách khó tìm với giá luôn ở mức thấp hơn 20% – 40% so với giá bán ở các nhà sách. Do giá rẻ nên các điểm bán sách lậu luôn hút khách.

Điểm bán sách lậu trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Nguyễn Thị Minh Tâm (sinh viên Trường ĐH Văn hóa TPHCM) cho biết: “Phần lớn sách trong tủ sách của tôi là mua ngoài vỉa hè vì giá rẻ”. Không riêng gì Tâm, nhiều sinh viên khác cũng là khách hàng ruột của các điểm bán sách vỉa hè. Chị Vũ Thị Phượng (bán chổi dạo) ghé vào một điểm bán sách ở đường Điện Biên Phủ (quận 3) mắng vốn vì cuốn sách Toán nâng cao lớp 8 chị mới mua cho con bị mất chữ nên con chị không làm được bài. Thấy khách mắng vốn, người bán xin lỗi và dặn mai quay lại sẽ đổi cho cuốn sách mới. Chị Phượng cho biết, là khách quen nên đầu năm học vừa rồi, chị được giảm tới 40% khi mua sách giáo khoa và sách tham khảo tại đây. Khi chúng tôi thắc mắc rằng sách rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo, chị phân trần: “Nhiều lần tôi mua phải sách như vậy nhưng đều đổi được hết, mà giá rẻ hơn ngoài nhà sách nhiều”.

Chị Cẩm Tú, một người có thâm niên 8 năm bán sách lề đường, giải thích: “Sách của mình rẻ hơn rất nhiều so với nhà sách. Giá sách rẻ vì không phải thuê mặt bằng, không có hóa đơn, nên bán chiết khấu cao”. Chúng tôi tiếp tục hỏi về cách phân biệt sách giả và sách thật thì chị nói: “Tôi chỉ biết sơ sơ, bây giờ họ làm tinh vi quá. Tôi cũng không phải lo, vì với sách kém chất lượng hoặc không bán hết, mối giao hàng đều đồng ý nhận lại”.

Ngoài việc bán trên vỉa hè, sách lậu còn được bán qua mạng, đương nhiên là chất lượng không đảm bảo. Bạn đọc Nguyễn Thụy Khuê (ngụ ở đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TPHCM) gọi qua đường dây nóng Báo SGGP phản ánh: “Tháng trước, tôi đặt mua qua mạng cuốn sách Nâng cao tiếng Anh lớp 6 của Nhà xuất bản Đà Nẵng. Khi nhận sách, thấy giấy mỏng tang, in màu lem, tờ nọ dính vào tờ kia, chữ mất nét. Tôi gọi điện hỏi nơi bán thì họ khẳng định không phải sách giả, mà đó là kiểu in đặc trưng của NXB này. Họ nói vậy thì mình biết vậy, chứ có biết phân biệt thật giả thế nào. Thấy cháu không học được vì nhiều chữ bị mất nét, nên tôi phải bỏ cuốn đó đi, tìm mua cuốn khác cho cháu học”.

Ai quản lý?

Đơn vị nào quản lý các sạp sách vỉa hè, trang bán sách qua mạng? Để trả lời câu hỏi này, PV Báo SGGP đã gặp bà Nguyễn Thị Minh Phương, phụ trách Phòng Xuất bản – in – phát hành (Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM). Bà Phương cho biết: “Phòng đã tham mưu sở gửi văn bản cho UBND các quận, huyện đề nghị kiểm tra, giải quyết các điểm bán sách lậu trên vỉa hè. Riêng sở phối hợp trực tiếp với quận 1 kiểm tra các tuyến đường có bán sách trên vỉa hè để phát hiện các xuất bản phẩm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đối với các đối tượng kinh doanh xuất bản phẩm. Hàng năm, sở có xây dựng, thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực thi pháp luật về quyền tác giả, Luật Xuất bản cho Phòng Văn hóa Thông tin quận, huyện, để phối hợp kiểm tra, tuyên truyền cho các công ty in ấn, kinh doanh, phát hành sách. Phòng cũng theo dõi, thường xuyên nắm bắt tình hình mua bán sách trên mạng”.

Bà Phương thừa nhận việc phân biệt sách giả, sách thật đang là vấn đề nan giải, ngay cả một số nhà xuất bản cũng khó phân biệt được điều này, bởi hiện nay, công nghệ tinh vi, sách giả y như sách thật, thậm chí còn đẹp hơn sách thật, giá đắt hơn sách thật và cũng có tem chống giả. Tuy một số nhà xuất bản, công ty phát hành sách trên địa bàn TPHCM có tổ chức các cuộc triển lãm sách giả, sách thật và chủ động xây dựng quy chuẩn về khổ sách, trang sách, loại giấy và chính tả, nhưng chỉ mới nhận diện về màu sắc trên bìa, lỗi chính tả, dàn trang thì chưa giải quyết được căn cơ vấn đề.

THU HƯỜNG

(SGGP)

Bình luận (0)