Một tiết học của HS lớp 12 tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ
|
Lãnh đạo một số trường THPT ở Cần Thơ cho biết, trường không gặp khó khăn trong giảng dạy và chuẩn bị cho học sinh khối 12 tham dự kỳ thi THPT quốc gia sắp tới dù bộ không ra cấu trúc đề thi. Tuy nhiên, nhiều giáo viên bộ môn lại băn khoăn: Giáo viên rất khó định hướng ôn tập vì không biết hướng ra đề như thế nào?
Chủ động từ đầu năm học
Cô Lê Như Nguyện, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Ngọc Hiển (Q.Ninh Kiều), cho biết: “Dù Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi nhưng nhà trường sẽ không gặp nhiều khó khăn trong giảng dạy và chuẩn bị cho học sinh khối 12 (610 em) tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vì đầu năm học chúng tôi đã thông tin cho HS và phụ huynh về chủ trương đổi mới kỳ thi của Bộ GD-ĐT; qua đó khuyến khích HS ý thức học tập, rèn luyện tốt. Được biết, sau học kỳ I, Trường THPT Phan Ngọc Hiển đã lọc những HS có điểm trung bình dưới 5 rồi tổ chức phụ đạo những môn thi tốt nghiệp cho các em vào buổi chiều (có thông báo cho phụ huynh biết). Với những môn tự chọn nhưng điểm dưới 5, HS phải học phụ đạo. Cô Như Nguyện cho hay: “Trường quản lý những lớp này rất chặt. Mỗi buổi học, giáo viên điểm danh, vắng em nào là báo cho Ban Giám hiệu và thông tin cho phụ huynh. Từng buổi học, giáo viên ghi nhận xét về ý thức học tập của HS. Bộ GD-ĐT cho biết đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12 nên các tổ bộ môn đã bám sát chương trình để dạy và ôn luyện cho HS”. Cô Hà Thị Bích Thảo, Tổ trưởng Tổ hóa, chia sẻ: “Theo chỉ đạo của Ban Giám hiệu, tổ hóa thống nhất dạy đúng phân phối chương trình, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng. Mỗi chương, tổ soạn hệ thống bài tập trung, đi sâu vào kiến thức trọng tâm, giúp HS hệ thống kiến thức và giải các bài tập. Trường bố trí thêm 1 tiết/ tuần, giáo viên sẽ hướng dẫn HS làm bài tập và kỹ năng làm bài trắc nghiệm”. Trong khi đó, Tổ ngoại ngữ của trường tâm đắc với chủ trương có phần bài viết trong đề thi. Cô Lâm Huỳnh Thu Ngọc, giáo viên trong tổ, nói: “Theo tôi, cho thêm phần tự luận vào đề thi là hợp lý vì đánh giá đúng năng lực thí sinh hơn, không dựa vào may rủi như đề trắc nghiệm. Nếu được, Bộ GD-ĐT nên cho thi 4 kỹ năng thì sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy ngoại ngữ trong nhà trường. Trong giảng dạy, tổ tập trung hướng dẫn HS kỹ năng viết bài tự luận, cho các em trả lời những câu hỏi theo chủ đề từng bài, khuyến khích đọc sách song ngữ. Đặc biệt rèn cho HS sử dụng những câu văn đơn giản, dạng câu này tuy ý nghĩa không sâu nhưng ít sai và có điểm”…
Hướng ra đề như thế nào?
“Bộ GD-ĐT nói dạng đề giống năm rồi nhưng giống thế nào vì năm rồi có 2 kỳ thi với 2 mục đích. Không có cấu trúc đề thi người dạy gặp khó trong định hướng ôn tập”, thầy Phạm Thành Thủy, giáo viên môn toán Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, bức xúc.
|
Có không ít trường băn khoăn vì có nhiều HS rất yếu môn tiếng Anh, nhất là các trường ở khu vực ngoại thành, vùng sâu vùng xa. Nhiều năm nay đa số HS cho rằng ngoại ngữ là môn tự chọn trong thi tốt nghiệp nên không quan tâm bởi đa số các em thi tuyển sinh ĐH khối A, B. Mặt khác, không ít giáo viên ôn tập cho HS theo phương pháp trắc nghiệm, do vậy nhiều em rất bỡ ngỡ khi biết đề thi ngoại ngữ có phần tự luận, nhưng lại không biêt cấu trúc đề như thế nào? Cô Trương Thúy Ái, giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Trường Xuân (huyện Thới Lai), băn khoăn: “Do ở vùng sâu nên đa số HS trong trường rất yếu ngoại ngữ. Hiện nay ngoài việc tổ chức dạy phụ đạo buổi chiều các môn thi tốt nghiệp, trường cũng sàng lọc số HS yếu ngoại ngữ để dạy thêm buổi tối 2 tiết/tuần, giúp các em lấy lại kiến thức cơ bản, rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm và viết tự luận”. Cô Nguyễn Ngọc Bảo Trân, giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thủy) thì chia sẻ: “Đầu năm học nhiều HS khối 12 vẫn cho rằng ngoại ngữ là môn thi tự chọn và thi theo trắc nghiệm nên chỉ học cầm chừng. Bây giờ cấu trúc đề có phần tự luận, tổ ngoại ngữ tập trung rèn cho các em kỹ năng này kết hợp phần biến đổi câu nhưng phần lớn HS vẫn chưa an tâm”. Tương tự, cô Trương Thị Thu, giáo viên môn văn Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, lo âu: “Đến nay vẫn chưa biết thời lượng thi môn ngữ văn bao nhiêu? 180 hay 120 phút? Trước đây đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH có khoảng cách rất xa về kiến thức, bây giờ gộp chung kỳ thi thì hướng ra đề như thế nào? Nên cũng khó trong định hướng ôn tập. Hiện tôi tập trung dạy chuẩn kiến thức lớp 12 theo hướng tích hợp nhiều môn, hướng dẫn phương pháp làm bài nghị luận xã hội để các em đủ khả năng đáp ứng yêu cầu theo như đề thi năm rồi”. Trong khi đó, thầy Phạm Thành Thủy, giáo viên môn toán Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, bức xúc: “Bộ GD-ĐT nói dạng đề giống năm rồi nhưng giống thế nào vì năm rồi có 2 kỳ thi với 2 mục đích. Không có cấu trúc đề thi người dạy gặp khó trong định hướng ôn tập. Hiện nay tổ toán cố gắng dứt điểm chương trình lớp 12 sớm để sau đó trang bị lại một số kiến thức trọng tâm lớp 10 và 11 cho các em”.
Thầy Nguyễn Văn Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, kiến nghị: “Đây là năm đầu tiên đổi mới thi cử nên sẽ gặp không ít khó khăn dù trường đã chuẩn bị tâm lý cho HS và phụ huynh. Các thầy cô giáo thì chưa hình dung được đề thi và ôn tập theo những trọng tâm nào? Mong Bộ GD-ĐT giữ ổn định công tác tổ chức thi, và nếu thay đổi thì cần có lộ trình thích hợp”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình lớp 12
Thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai), chia sẻ: Trước đây Bộ GD-ĐT có ban hành cấu trúc đề thi giúp giáo viên định hướng trong ôn tập. Năm nay đến giờ chưa thấy công bố, tất nhiên sẽ khó khăn hơn nhưng thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, trường chúng tôi dạy HS theo chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình lớp 12. Phần ôn tập có một số trọng tâm của chương trình lớp 10 và 11. Đối với môn ngoại ngữ, nhiều năm nay trường đã dạy HS kỹ năng viết bài tự luận, đề thi học kỳ hàng năm của Sở GD-ĐT cũng có phần này nên chúng tôi cho rằng đa số HS của trường không gặp khó khi đề có phần tự luận.
|
Bình luận (0)