Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chảy máu mũi và cách xử trí

Tạp Chí Giáo Dục

Chảy máu mũi (chảy máu cam) là tình trạng chảy máu từ niêm mạc mũi ra mũi trước hoặc chảy ra mũi sau xuống cổ họng. Chảy máu mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em.
Tính trung bình, khoảng 60% người bị chảy máu mũi ít nhất 1 lần trong đời, đa số là tự cầm máu.
Nguyên nhân gây chảy máu mũi rất nhiều, mỗi lứa tuổi có những nguyên nhân đặc trưng khác nhau. Ở người trẻ tuổi, điểm chảy máu thường xuất phát từ phần trước của mũi, thường do chấn thương (do lấy tay ngoáy mũi) hoặc viêm đường hô hấp trên. Ở độ tuổi trên 40, điểm chảy máu lại xuất phát từ phần sau mũi, thường do các bệnh xơ cứng động mạch, cao huyết áp, u bướu…
Cho dù vì bất cứ nguyên nhân nào, xử trí đầu tiên là cầm máu, khi đã ổn định mới tìm hiểu nguyên nhân.
Các nguyên nhân gây chảy máu mũi
– Chảy máu mũi vô căn: là nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm trên 90%, lành tính, thường lặp đi lặp lại ở trẻ em, nên thường làm các bậc phụ huynh lo lắng.
– Dị vật mũi: thường kèm theo thối mũi và chảy mũi, nghẹt mũi một bên.
– Viêm mũi xoang.
– Một số bệnh lý huyết học: xuất huyết giảm tiểu cầu, suy tủy, bệnh thiếu các yếu tố đông máu.
– Cao huyết áp, xơ cứng động mạch… thường gặp ở người lớn tuổi.
– Các u bướu, hoặc dị dạng mạch máu vùng mũi.
Cách xử trí:
Điều cần làm đầu tiên là cầm máu, dùng ngón tay ấn chặt vào bên cánh mũi bị chảy máu trong vòng 10 phút và nghiêng đầu về phía trước.
Người bệnh cũng có thể dùng bông gạc cầm máu ấn vào nơi chảy máu.
Một cục nước đá đặt vào gốc mũi cũng có tác dụng làm cho máu ngừng chảy.
Nếu đã làm các động tác trên mà máu vẫn chảy, nhất thiết phải đến gặp bác sĩ.
Lưu ý không được để bệnh nhân nằm hoặc ngả đầu ra đằng sau. Trong tư thế này, máu sẽ chảy ngược vào trong họng, gây nôn mửa và không làm đông máu.
Cuối cùng, cần đưa người bệnh đến bệnh viện để bác sĩ  tìm hiểu nguyên nhân, và nếu cần thiết, phải điều trị tận gốc.
BS Quốc Trị / Phụ Nữ

Bình luận (0)