Em H. năm nay thi đại học nên rất căng thẳng. Mẹ em đã tìm mua rất nhiều loại thuốc bồi bổ sức khỏe và tăng cường trí nhớ cho em uống. Vậy mà em vẫn không ăn uống nổi, học xong là quên, không ngủ được và tâm trạng luôn bất an. Khi đưa em đi khám, mẹ H. mới biết nguyên nhân là do thuốc "bổ thần kinh gây ra".
Cần trọng khi mua, sử dụng thuốc bổ não Ảnh minh họa CAND
Cứ vào mùa thi (bắt đầu từ cuối tháng 4), số lượng học sinh, sinh viên bị rối loạn tâm thần lại tăng cao. Ngoài nguyên nhân do áp lực thi cử, học hành, nhiều trường hợp nhập viện do bố mẹ quá chăm sóc sức khỏe cho con, đi mua các loại thuốc bồi bổ não và hậu quả là con bị rối loạn tâm thần.
Nhập viện vì uống thuốc bổ não
Không chỉ tại TP HCM, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị rối loạn hành vi do uống thuốc bổ não như trường hợp N.H.A. (học sinh lớp 12). Em được mẹ đưa tới trong tình trạng hàng tuần không ăn cơm, hay giật mình ngơ ngác, lo lắng mơ hồ, đêm ngủ có nhiều hành động kỳ quặc: đang nằm bỗng choàng dậy rồi lại nằm xuống. Nguyên nhân là do bị điểm xấu, H.A. có uống một loại thuốc màu hồng để bổ thần kinh, tăng trí nhớ, tên thuốc: Amphetamine, hàng xách tay từ Mỹ. H.A. đã uống 2 viên và cho biết trong lớp có 5 bạn khác cùng uống thuốc này như mình.
Tại Hà Nội, cứ vào mùa thi và sau khi thi xong, số học sinh, sinh viên đến khám vì có biểu hiện rối loạn tâm thần đều tăng từ 1,5 – 2 lần so với bình thường. Em Nguyễn Thu H., năm nay phải thi đại học nên rất căng thẳng. Mẹ em đã tìm mua rất nhiều loại thuốc bồi bổ sức khỏe và tăng cường trí nhớ cho em uống. Vậy mà em vẫn không ăn uống nổi, học xong là quên, không ngủ được và tâm trạng luôn bất an. Khi đưa em đi khám, mẹ em mới biết nguyên nhân là do thuốc "bổ thần kinh gây ra".
Dạo quanh các hiệu thuốc trên đường Giảng Võ, Ngọc Khánh, Giải Phóng, Phương Mai (Hà Nội), những người bán hàng giới thiệu khá nhiều loại thuốc bồi bổ thần kinh cho học sinh ôn thi như: bên cạnh các thuốc B1, B6, ba B… nhiều người còn tìm đến các thuốc bổ thần kinh như: Giloba, Aulakan,Tanakan, Nootropil, Galantamine, Aricept… Họ cho biết, những loại thuốc này bình thường người mua chủ yếu là người già, nhưng những ngày gần đây rất nhiều phụ huynh học sinh, sinh viên tìm mua. Một số loại thuốc phải đặt mua mới có hàng. Đọc chỉ định trên vỏ thuốc thấy ghi: "Tăng khả năng nhận thức", "tăng hoạt năng trí tuệ"….
TS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, hầu hết các loại thuốc phụ huynh học sinh mua dùng để tăng cường trí nhớ, bổ não thực ra là các thuốc dành cho bệnh nhân "tâm thần", người già mất trí nhớ. Các loại thuốc này được chỉ định điều trị cho bệnh nhân có chứng gia tăng hành vi, rối loạn tập trung chú ý và điều trị hội chứng "ngủ rũ" nhưng phải cực kỳ cẩn trọng.
Các loại thuốc này giống như một loại ma tuý kích thích tổng hợp với tác hại trầm trọng đến hệ thần kinh trung ương và có thể dẫn tới tình trạng bệnh nhân bị đột tử. Khi mới uống thuốc, chẳng hạn uống Amphetamine, người uống cảm nhận mình bỗng có một năng lực dồi dào, làm việc say mê, có thiên hướng sáng tạo mạnh mẽ. Lúc đầu tạo cảm giác hưng phấn, nhưng thực chất bệnh nhân đã rơi vào rối loạn hưng phấn với tình trạng gia tăng hoạt động. Và hậu quả là rối loạn hành vi.
Thực tế nghiên cứu từ nước ngoài đã cho thấy: 66% những người lạm dụng Amphetamine đều có thể rơi phải chứng rối loạn tâm thần: mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, rối loạn tư duy…
Không có thuốc tăng trí nhớ
PGS.TS Lê Văn Thính, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, giải thích, trí nhớ của con người là cả một quá trình tiếp thu kiến thức, không thể ngày một ngày hai cải thiện được. Trí nhớ được quyết định bởi hai yếu tố bẩm sinh và rèn luyện. Hiện các loại thuốc tăng cường trí nhớ trên thị trường phần lớn dùng cho người mắc bệnh lý mà suy giảm trí nhớ tạm thời, chứ không phải dùng cho người bình thường muốn tăng cường trí nhớ.
Nếu sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài sẽ có nguy cơ mắc phải một số bệnh do tác dụng phụ của thuốc. Bởi các loại thuốc kích thích thần kinh kéo dài sẽ làm cho thần kinh luôn luôn bị hưng phấn và ức chế quá mức, lâu ngày có thể gây ra rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí gây ra tai biến và tử vong. Ngay cả các loại thuốc bổ tâm thần cao cấp nếu dùng cho người khỏe mạnh thì cũng không có tác dụng, bị cơ thể đào thải hết, gây lãng phí và rất có thể có cả tác dụng không mong muốn.
Các chuyên gia khẳng định, cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc tăng trí nhớ thần kỳ nào. Vì vậy, các chuyên gia đều khuyến cáo, nếu trẻ có vấn đề về trí nhớ, tốt nhất nên đưa con đến khám bác sĩ thay vì mắng mỏ, áp đặt hay mua thuốc bổ não cho trẻ.
Còn để con ôn thi hiệu quả, tốt nhất không nên gây áp lực, cho các em ăn uống đủ chất và đặc biệt, để có trí nhớ tốt, còn phải lưu ý đến ngủ, nghỉ ngơi đầy đủ, xen kẽ với vận động thể lực tốt và có phương pháp học tập, tư duy hợp lý. Tránh học dồn, đợi gần đến kỳ thi mới thức khuya học, hoặc lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc; có kế hoạch học tập và nghỉ ngơi điều độ
Còn để con ôn thi hiệu quả, tốt nhất không nên gây áp lực, cho các em ăn uống đủ chất và đặc biệt, để có trí nhớ tốt, còn phải lưu ý đến ngủ, nghỉ ngơi đầy đủ, xen kẽ với vận động thể lực tốt và có phương pháp học tập, tư duy hợp lý. Tránh học dồn, đợi gần đến kỳ thi mới thức khuya học, hoặc lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc; có kế hoạch học tập và nghỉ ngơi điều độ
Theo Hà Tường
CAND
CAND
Bình luận (0)