Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Dọn vườn” sách sử lớp 4: Quân ta đánh vào đồn nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Chi tiết: "Quân ta đánh mạnh vào đồn Đống Đa…", phải sửa thành "… Quân ta đánh mạnh vào đồn Loa Sơn (ngày nay là Đống Đa, Hà Nội). Bởi vì, thời Quang Trung chưa có địa danh Đống Đa. 
Đây là chi tiết mà độc giả Thanh Huyền – Văn Hiến cho rằng cần phải sửa trong sách Lịch sử và Địa lý 4. Theo các tác giả, sách này có ít nhất 15 lỗi phải chỉnh sửa.
Mốc thời gian, địa điểm lịch sử, cách viết hoa… còn nhiều sai lệch
Sách Lịch sử và Địa lý 4, tái bản lần thứ 3
Trang 12 – "… Giúp vua Hùng cai quản đất nước có các lạc hầu, lạc tướng… Dân thường thì gọi là lạc dân… nghề chính của lạc dân là trồng lúa") "phải chỉnh sửa để thống nhất với các cuốn sách giáo khoa khác. Ví dụ, trang 36, Lịch sử 6: "… Đặt tướng văn là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng…".
Trang 15: – "… Kinh đô được dời xuống vùng Cổ Loa" (Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Ý này sai lệch và phải chỉnh sửa theo Lịch sử 6, trang 41: An Dương Vương "đóng đô ở Phong Khê (nay là vùng Cổ Loa, huyện Đông Anh – Hà Nội"; hay: "… An Dương Vương cho xây dựng ở Phong Khê một thành đất lớn mà người sau gọi là Loa thành hay thành Cổ Loa – trang 43, Lịch sử 6.
Trang 19 – "… Mê Linh (Vùng đất nay thuộc Vĩnh Phúc và Hà Tây)" sửa thành "… Vùng đất nay thuộc Hà Nội".
Trang 21 – "… Mũi tiến công chính do Hoằng Tháo chỉ huy đã vượt biển, ngược sông Bạch Đằng (Quảng Ninh) tiến vào nước ta." Về vị trí sông Bạch Đằng, Ngữ văn 10  tập hai đã xác định sai và đã chỉnh sửa. Lịch sử 4 cũng phải sửa lại:  "… Mũi tiến công chính của giặc vượt sông Bạch Đằng (chảy giữa hai huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) và Thuỷ Nguyên (Hải Phòng)".
Trang 25: – :… Sử cũ gọi là "loạn 12 sứ quân", cách viết hoa sai lệch với Lịch sử  7 (trang 27) : …Sử cũ gọi là "Loạn 12 sứ quân" . Bên cạnh đó, ởtrang 69 cũng cần để: "loạn 12 sứ quân" trong dấu ngoặc kép.
Trang 26: – "Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang san, lên ngôi Hoàng đế…, đặt tên nước là Đại Cồ Việt…, niên hiệu là Thái Bình" sai lệch với Lịch sử 7, trang 28: "Mùa xuân năm 970, vua Đinh đặt niên hiệu là Thái Bình…".
Trang 27 – "Ngô Quyền mất, đất nước rơi vào cảnh loạn lạc… trong hơn hai mươi năm", cách viết mâu thuẫn với trang 26: "… Hai mươi năm liên tiếp loạn lạc, đất nước bị chia cắt….".
Trang 33 – "Nền chùa Giạm (Bắc Ninh) với di tích còn lại gồm 3 cấp, trải rộng trên một khu đất dài gần 120m, rộng gần 70m…". Tên chùa có sự sai lệch so với Lịch sử 10, trang 103 (chùa Dạm)
Trang 50 – "Thi Hội: kì thi do triều đình tổ chức ở kinh đô cho những người đỗ cao nhất ở kì thi Hương" là một chú thích sai.
Đời Lê Thánh Tông đã có thi Hương; không rõ thời này có bao nhiêu trường thi Hương. Đến thời Nguyễn cũng chỉ có chưa đến chục địa điểm thi (Nghệ An, Thanh Hoá, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Nam Định, Huế , Hà Nội…).
Như đã gới thiệu, đầu tháng 2/2009, nhà giáo Văn Hiến gửi tới VietNamNet loạt bài viết góp ý về sách giáo khoa (SGK) lịch sử.
Để giúp bạn đọc hình dung rõ hơn những góp ý mà ông đã "dọn vườn", chúng tôi đăng tải các góp ý này như một tài liệu tham khảo để rộng đường dư luận, theo tinh thần của tác giả "tôi xin điểm qua phần lịch sử Việt Nam của từng cuốn sách để bạn đọc xa gần tự lựa chọn câu trả lời".
Thời Hậu Lê, chắc số lượng trường thi Hương chưa nhiều. Đỗ cao nhất trong kì thi Hương gọi là Giải nguyên. Chọn "những người đỗ cao nhất trong kì thi Hương" đi thi Hội thì kì thi này chỉ có mấy người dự thi thôi ư?
Theo sử cũ, thi Hội còn được gọi là "Hội thi cử nhân" hoặc "Hội thi cống sĩ" (các cử nhân(cống sĩ) tức là người đã đỗ thi Hương ở các địa phương, tụ hội lại ở kinh đô để thi) do đó gọi là thi Hội.
Chú thích trên phải sửa lại "Thi Hội: kì thi do triều đình tổ chức ở kinh đô cho những người đỗ cử nhân (cống sĩ) trong kì thi Hương.
Ngoài ra, "Hình 2. Bia tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội)" không viết hoa chữ "Tiến", trong khi Lịch sử 6, trang 4 viết hoa chữ "Tiến": "Bia Tiến sĩ (Văn Miếu – Quốc Tử Giám) ".
Trang 51 – Viết: "… Hồng Đức Quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông" là sai tên tác giả. Phải chỉnh sửa thành "Hồng Đức Quốc âm thi tập" của các tác giả đời Lê Thánh Tông theo Ngữ văn 10, Nâng cao, tập một, trang 145, dòng 21; 22.
Trang 60 – Chi tiết: "… Trịnh Khải vội cởi áo chúa bỏ chạy, bị dân bắt trói nộp cho quân Tây Sơn" có sự sai lệch với Lịch sử 7, trang 126 : "… Chúa Trịnh bị dân bắt và nộp cho quân Tây Sơn". Đồng thời, cũng mâu thuẫn với tiểu thuyết lịch sử "Hoàng Lê nhất thống chí" : "… tuần huyện Trang (tức Nguyễn Trang) ở làng Hạ Lôi – học trò của Lí Trần Quán đã đem chúa nộp cho Tây Sơn. Vì vậy mà Lí Trần Quán đã tự tử để tỏ lòng trung…".
Trang  62 – Chi tiết: "… Quân ta đánh mạnh vào đồn Đống Đa…", phải sửa thành "… Quân ta đánh mạnh vào đồn Loa Sơn (ngày nay là Đống Đa, Hà Nội). Bởi vì, thời Quang Trung chưa có địa danh Đống Đa.
Trang 65 – Viết: "… Năm 1802, triều Tây Sơn bị lật đổ. Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế" là sai lệch với Lịch sử 7, trang 134, dòng 10 : "… Năm 1806, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế".
Trang 67 – Phải viết hoa thống nhất với các cuốn sách Lịch sử khác: "… triều đại Tây Sơn" nên viết "… Triều đại Tây Sơn"; "… kinh thành Huế" nên viết "… Kinh thành Huế"; "… điện Thái Hoà" nên viết "… Điện Thái Hoà"… Vì Lịch sử 12 viết "Dinh Độc Lập" thì tại sao không viết là Điện Thái Hoà…
Diễn đạt dài dòng, chưa chuẩn xác…
Cụ thể:
Trang 6 – Tiêu đề ở dòng đầu và cuối trùng nhau ("Bản đồ Địa lí tự nhiên Việt Nam" trùng với "Hình 3 – Bản đồ Địa lí tự nhiên Việt Nam") – có thể bỏ dòng 1.
Trang 9 –  Dòng đầu và cuối trùng nhau ("Bản đồ các sông chính Việt Nam" trùng với "Hình 5 – Bản đồ các sông chính Việt Nam" – có thể bỏ dòng 1.
Trang 11 – "Trên đất nước ta, từ xa xưa đã có người sinh sống. Khoảng 700 năm trước Công nguyên (TCN), trên địa phận Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay, nước Văn Lang đã ra đời." Câu văn trên mắc lỗi lặp ("trên", "đã" hai lần), cần sửa thành: "… Từ xa xưa, trên lãnh thổ nước ta, Người tối cổ đã sinh sống. Khoảng 700 năm trước Công nguyên (TCN), tại vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay, nước Văn Lang ra đời."
Trang 16 – Câu văn: "… Tương truyền rằng, biết không thể thắng nổi người Âu Lạc bằng sức mạnh quân sự, Triệu Đà đã hoãn binh, cho con là Trọng Thuỷ sang làm con rể An Dương Vương để điều tra cách bố trí lực lượng và chia rẽ nội bộ những người đứng đầu nhà nước Âu Lạc" mắc lỗi thừa từ, lặp ("con", "người") và không chính xác… Bởi đứng đầu nhà nước Âu Lạc chỉ có một người là An Dương Vương.
Xin sửa lại: "… Theo truyền thuyết, biết không thể thắng Âu Lạc bằng sức mạnh quân sự, Triệu Đà cầu hoà, cho con là Trọng Thủy sang làm rể An Dương Vương để điều tra cách bố trí lực lượng và chia rẽ nội bộ Âu Lạc…".
Trang 21 Cần phải khắc phục lỗi diễn đạt trong đoạn văn:  "Ngô Quyền quê ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Tây). Ông là người có tài, nên được Dương Đình Nghệ gả con gái cho. Được tin viên tướng Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đem quân đi đánh báo thù. Công Tiễn cho người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Nhân cớ đó, nhà Nam Hán đem quân sang đánh nước ta.
Biết tin, Ngô Quyền bắt  giết Kiều Công Tiễn và chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán.
Sang đánh nước ta lần này, quân Nam Hán đưa một đạo quân rất đông do Thái tử Hoằng Tháo chỉ huy."
"Viên tướng" là cách gọi trang trọng, không nên dành cho phản tướng Công Tiễn.
Có thể sửa lại: "Ngô Quyền quê ở làng Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội), là người có tài, được Dương Đình Nghệ gả con gái cho. Biết Kiều Công Tiễn nổi loạn, giết Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đem quân báo thù. Công Tiễn cho người sang cầu cứu Nam Hán. Nhân cớ đó, Nam Hán xâm lược nước ta.
… Trước tình hình trên, Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn và chuẩn bị lực lượng kháng chiến.
Sang chiếm nước ta lần này, nhà Hán đưa một đạo quân rất đông do Thái tử Hoằng Tháo chỉ huy".
Bên cạnh đó, bỏ câu: "… Khi Ngô Quyền mất, nhân dân đã xây lăng để tưởng nhớ ông", vì trùng với tiêu đề ảnh ngay sau đó "Lăng Ngô Quyền ở xã Đường Lâm…". Hơn nữa, câu văn này có thể làm cho học sinh lầm tưởng: Ngô Quyền vừa mất, nhân dân đã xây lăng; thực ra thì người đời sau xây lăng tưởng nhớ Ngô Quyền.
Trang 23: – Khắc phục lỗi diễn đạt trong đoạn văn: "Quân Nam Hán kéo sang đánh nước ta. Ngô Quyền chỉ huy quân dân ta, lợi dụng thủy triều lên xuống trên sông Bạch Đằng, nhử giặc vào bãi cọc rồi đánh tan quân xâm lược. Ngô Quyền lên ngôi vua đã kết thúc hoàn toàn thời kì đô hộ của phong kiến phương Bắc và mở đầu cho thời kì độc lập lâu dài của nước ta".
Bởi thuỷ triều xuống thì làm sao nhử giặc được…
Có thể sửa lại:
"Nam Hán xâm chiếm nước ta. Lợi dụng lúc thủy triều lên, Ngô Quyền nhử thuyền giặc vào bãi cọc nhọn đóng sẵn trên sông Bạch Đằng, rồi đánh tan quân xâm lược…
Việc Ngô Quyền lên ngôi vua đã chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở đầu thời kì độc lập lâu dài của dân tộc."
Trang 27 – "Trong tiếng tung hô "Vạn tuế" của quân sĩ, mẹ của vua Đinh Toàn là Thái hậu họ Dương bèn sai người lấy áo long cổn (áo thêu rồng dành cho nhà vua) trao cho Lê Hoàn và mời ông lên làm vua".
Nên sửa thành: "Trong tiếng quân sĩ tung hô "vạn tuế !", Thái hậu Dương Vân Nga đã trao áo long cổn của Đinh Tiên Hoàng cho Lê Hoàn và mời ông lên làm vua".
Trang 40 – Chi tiết: "… Vua Trần mời các bô lão cả nước về kinh đô Thăng Long" nên sửa thành: "… Vua Trần mời bô lão tiêu biểu của cả nước về kinh đô Thăng Long…". Vì Điện Diên Hồng lấy chỗ nào cho bô lão cả nước ngồi…!
– Chi tiết: "… Trần Hưng Đạo, người chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến", sửa thành:  "… Trần Hưng Đạo, người chỉ huy quân sự tối cao của cuộc kháng chiến". Bởi, chỉ huy tối cao phải là các vua Trần.
Trang 43 – "Chu Văn An dâng sớ xin chém 7 tên quan đã lấn át quyền vua, coi thường phép nước. Vua không nghe, ông xin từ quan" sửa thành "Chu Văn An dâng sớ đề nghị chém 7 gian thần. Vua không nghe, ông xin từ quan".
Trang 47 – Ở phần chú giải, trang 28, Lịch sử 4 viết "Nhà Tiền Lê: để phân biệt với nhà Hậu Lê do Lê Lợi lập ra sau khi đánh thắng quân Minh xâm lược".
Lâu nay, ai cũng hiểu, nhà Hậu Lê bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Lê Chiêu Thống. Tuy vậy, ở Bài 17 (nhà Hậu Lê và việc tổ chức quản lí đất nước), Bài 18 (Trường học thời Hậu Lê), Bài 19 (Văn học và khoa học thời Hậu Lê)… khái niệm Hậu Lê chỉ được nói đến trong những năm đầu của nhà Hậu Lê (thế kỉ XV). Vì vậy, phải bổ sung ý: "đầu thời Hậu Lê" vào tên các bài học.
Trang 50 – "Giáo dục thời Hậu Lê đã có nền nếp và quy củ" sửa thành "Giáo dục thời Hậu Lê đã có nền nếp và luật lệ".
Trang 54 – Dòng 3: "… Con Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ Thuận Hoá, Quảng Nam đã xây dựng lực lượng và chiến tranh giữa hai thế lực bùng nổ".
Cần sửa thành: "Để tránh nguy cơ bị sát hại và nhằm khôi phục cơ nghiệp của cha, con trai Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng "tự nguyện" xin vào trấn thủ vùng biên ải Thuận Hoá. Nguyễn Hoàng đã mở rộng lãnh thổ, xây dựng lực lượng và chiến tranh giữa hai thế lực Trịnh – Nguyễn bùng nổ".
Trang 56 – "Từ cuối thế kỉ XVI… Ruộng đất được khai phá…" cần sửa thành "Đất hoang được khai phá". Vì ruộng đất mà khai phá thì thành cái gì?
Trang  62 – "Xác giặc chất thành gò đống" là cách miêu tả sai, dễ dẫn đến hiểu lầm về địa danh Đống Đa.
Thực ra thì "sau khi chiến thắng…, vua Quang Trung cho thu nhặt xác quân lính nhà Thanh… xếp vào" những "cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp cao lên thành đống. Tổng cộng là 12 gò… Vùng này xưa kia… thường có nạn lụt", đa mọc khắp nơi; "trên các gò cao thì đa mọc um tùm"; do đó, người đời sau, gọi là Gò Đống Đa. (Theo tác giả Trần Huy Liệu, Lịch sử thủ đô Hà Nội, NXB Sử học, Hà Nội, 1960, trang 395).
Trang 63 – "Quân Thanh ở Thăng Long hoảng loạn bỏ chạy về nước" sửa thành "Quân Thanh hoảng loạn bỏ chạy về nước". Vì, bỏ chạy đâu chỉ có quân Thanh ở Thăng Long.
Trang 64 – "… Người đương thời cũng như người đời sau đều thương tiếc một ông vua tài năng và đức độ nhưng mất sớm" sửa thành "Nhiều người đương thời và đời sau đều thương tiếc một vị vua tài năng, đức độ nhưng mất sớm".
– "… nhà Nguyễn cho xây nhiều lăng tẩm. Đó là những khuôn viên rộng cây cối tươi xanh…". Viết thế học sinh có thể lầm "lăng tẩm" là "khuôn viên". Phải sửa theo hướng "… xây nhiều lăng tẩm. Đó cũng là những khuôn viên…".  
"Lăng tẩm: nơi chôn và thờ các vua đã mất" là một chú thích thiếu chính xác. Từ điển tiếng Việt (Văn Tân) giải thích "Lăng: công trình kiến trúc có kích thước rất lớn, xây trên nơi đặt di hài của một vĩ nhân hoặc của vua chúa".
Cần bổ sung nguồn gốc ảnh
Cụ thể:
Trang 22 – Bổ sung tác giả tranh "Trận Bạch Đằng năm 938".
Trang 23 – Bổ sung tác giả ảnh "Lăng Ngô Quyền"; đổi "thị xã Sơn Tây, Hà Tây" thành "thị xã Sơn Tây, Hà Nội".
Trang 15 Bổ sung tác giả ảnh "Đền thờ An Dương Vương".
Trang 26 – Bổ sung tác giả ảnh "Cảnh Hoa Lư ngày nay". Mặt khác, trong ảnh không rõ là cảnh cố đô hay cảnh huyện Hoa Lư ngày nay .
Trang 51 – Bổ sung nguồn gốc chân dung Nguyễn Trãi.
Trang 57– Bổ sung tác giả tranh cổ "Một góc Thăng Long ở thế kỉ XVI".
Trang 58– Bổ sung tác giả tranh cổ Hội An.
Trang 65 – Bổ sung nguồn gốc tranh cổ "Lính cận vệ thời Nguyễn".
Trang 66– Bổ sung nguồn gốc tranh cổ "Hình phạt đánh bằng roi".
Trang 68 – Bổ sung tác giả ảnh "Lăng Tự Đức". Tiêu đề "Một góc lăng Tự Đức (Huế)" nên đổi thành "Một góc lăng Tự Đức (thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế).

Thanh Huyền – Văn Hiến (Vietnamnet)

Bình luận (0)