Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học phí với sinh viên sư phạm – Miễn hay thu?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau bài “Ngành sư phạm-Nỗi lo đầu vào” phản ánh về một thời đã xóa được nỗi ám ảnh “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ GD-ĐT đưa ra đề xuất thay “miễn học phí” của SV sư phạm bằng chính sách “hưởng tín dụng ưu đãi” – khiến nhiều người lo lắng nỗi ám ảnh sẽ trở lại..
Thà mất tiền tỷ nhưng được đầu vào
Theo dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm (SVSP) hiện nay sẽ được thay bằng chính sách tín dụng SV. Khi ra trường, SVSP nếu làm nhiệm vụ giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đủ thời hạn theo quy định thì không phải hoàn trả khoản tín dụng đã vay để đóng học phí.
Tuy nhiên, đề xuất này đang gây nhiều lo ngại. Vì nhiều ý kiến cho rằng, việc miễn học phí cho SVSP cần tiếp tục duy trì, nhằm làm tròn chức năng của nó: góp phần “cứu vớt” chất lượng đầu vào của ngành sư phạm.
Theo GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, “cú hích” miễn học phí cho SVSP được Chính phủ thực hiện từ năm 1997 đã góp phần tạo đột biến về chất lượng đầu vào của ngành sư phạm. Ngành đã có 5 – 6 năm “hoàng kim” với điểm chuẩn vào trường sư phạm cao ngất ngưởng.
Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng cho biết, những khóa SV được miễn học phí là những học sinh con nhà nghèo nhưng học rất giỏi, vì miễn học phí cho nên sẵn sàng vào sư phạm. “Sau khi những em đó ra trường, mặc dù bây giờ các em đó tuổi nghề chưa nhiều nhưng đều là những giáo viên giỏi, giúp cho đỡ hẫng hụt trong một vài năm dài không có giáo viên dạy giỏi ở trường phổ thông”, bà Nga chứng minh từ thực tế của Hà Nội.
Tuy nhiên, phải thừa nhận là những năm thực hiện miễn học phí cho SVSP có một mâu thuẫn là: có được SV giỏi, nhưng trường sư phạm thì lỗ, vì họ mất nguồn thu từ học phí. Đơn cử như trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 1997, nếu thu học phí trường sẽ có 11 tỷ đồng, nhưng vì phải miễn nên chỉ thu được 4 tỷ đồng từ nguồn bù của bộ. Trường Sư phạm Thái Nguyên cũng “lỗ “ 2 tỷ đồng.
Nhưng theo GS Đinh Quang Báo thì “Thà đổi 7 tỷ đó để có được đầu vào tốt thì vẫn thích, thậm chí có phải mất thêm nhiều tỷ nữa vẫn sẵn sàng. Vì có bao nhiêu tiền cũng không mua được đầu vào tốt. Có thể nói là vô giá”.
Có nên tính lỗ lãi khi đầu tư vào SVSP?
Sau gần 6 năm, vấn đề miễn hay không miễn học phí cho SVSP lại được đặt ra, trong khuôn khổ nội dung của Luật Giáo dục sửa đổi sẽ được trình Quốc hội trong thời gian tới. Lý do chính mà Bộ GD-ĐT đưa ra khi muốn thu học phí trở lại là có nhiều SVSP ra trường không làm nghề giáo viên. Sự “rẽ ngang” này đã gây lãng phí ngân sách, tạo ra sự không công bằng về chính sách học phí đối với người học.
“Chúng tôi biết Nhà nước muốn chắc ăn, nên đã muốn thu học phí sư phạm trở lại. Nếu Nhà nước miễn học phí cho 100 SV SP, 40 trong số đó làm nghề giáo thì đã là thắng lợi. Đừng nghĩ mất 60% đó là thiệt. Vì nghề giáo là nghề thiết kế tương lai”, GS Đinh Quang Báo đặt vấn đề.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước vẫn phải chấp nhận bỏ ra mức đầu tư lớn hơn cho SV các ngành khác mà không tránh khỏi SV đó làm trái nghề, vậy tại sao lại tính toán việc “lỗ lãi” khi đầu tư cho SVSP? Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Minh Hạc khẳng định, vào sư phạm phải đi dạy như thế nào là việc của Chính phủ phải quy định, nhưng để khuyến khích người giỏi, để có thầy giỏi thì không nên bỏ miễn học phí sư phạm.
Thống kê nhiều năm tại Trường ĐH Sư phạm cho thấy, có khoảng 90% số SV không phải là người thành phố, phần lớn ở nông thôn. Vì vậy, nhiều chuyên gia giáo dục dự báo, nếu trở lại thu học phí đối với SVSP thì không chỉ giảm số thí sinh giỏi mà chắc chắn sẽ giảm hẳn số SV xuất thân từ nông thôn, KV2, KV1 vào các trường sư phạm.
Rõ ràng, trước một chính sách sẽ có tác động lớn đến xã hội, đến tương lai, đến chất lượng giáo dục, ngành GD-ĐT cần phải tính toán kỹ lưỡng để tránh tái diễn tình cảnh “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Phan Thảo (SGGP)
ĐH Quốc gia Hà Nội kiến nghị: Được tự quyết học phí
(SGGP). – Đại học Quốc gia Hà Nội vừa có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, cho phép trường được thực hiện cơ chế tài chính đặc thù. Theo đó, cho phép trường được tự quyết định việc thu học phí phù hợp với chương trình và chất lượng đào tạo. Được quyền chủ động sử dụng các nguồn kinh phí, quyết định một số tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi mà hiện nay theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP các đơn vị sự nghiệp chưa được tự chủ, đồng thời tăng đầu tư kinh phí cho các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế.
Nh.Hà
 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)