Qua những ngày khô hanh, mưa trút xuống, vạn vật như được tái sinh. Và sự tái sinh rõ rệt nhất trên mảnh đất Tây Nguyên là khoác trên mình tấm áo đa màu sắc, những sinh vật mới xuất hiện.
Nổi bật trong số đó là những chiếc dù xinh xinh của cây nấm mối. Từ lâu, nấm mối đã khẳng định vị thế của một loại đặc sản. Nấm mối cống hiến cho ẩm thực Việt nhiều món ngon như nấm xào, nướng, ăn lẩu… và không thể không kể đến cháo nấm mối.
Tháng đầu mùa mưa là thời điểm giã khát ở miền núi. Lúc này, nấm bắt đầu xuất hiện. Người đi bới nấm mối nhìn những ụ mối hay chỗ lân cận bán kính 4m là có thể tìm được nấm mối. Những cây nấm mập mạp, mũ nhỏ được lột bỏ lớp vỏ lụa trên ô, gọt bỏ phần gốc rồi rửa sạch. Sau đó, dùng tay xé nấm theo thớ dọc làm 4 hoặc 5 phần. Tiếp đến phi hành tím thật thơm, cho nấm vào xào, nêm muối, chút hạt nêm để tăng hương vị.
Gạo được nấu với tỷ lệ 3 phần gạo tẻ, 1 phần gạo nếp, thêm một chút đậu xanh cà vỏ. Trộn chung gạo và đậu rang sơ qua vài con lửa. Sau đó cho nước nấu cháo, bật lửa to tới khi sôi thì bớt lửa. Nấu cháo tới khi hạt gạo nở vừa, cho nấm xào vào nấu thêm 5 phút. Sau cùng nêm lại nồi cháo lần cuối. Cháo nấm mối được múc ra thêm hành ngò xắt nhỏ, có thể thêm chút tiêu cho cay nồng. Tô cháo múc ra khói nghi ngút, mùi thơm ngạt ngào. Dù không cần thêm nước xương, bột ngọt, hay đường mà ngọt thanh đến lạ lùng. Cháo nấm mối còn có giá trị dinh dưỡng cao, giúp thanh nhiệt, nhuận trường rất hiệu quả.
Mai Anh / TNO
Bình luận (0)