Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vụ bạo hành 23 năm: Có kêu cũng chẳng ích gì?

Tạp Chí Giáo Dục

 

Thạc sĩ Đinh Đoàn.Trước sự việc chị Trà bị bạo hành suốt 23 năm được báo chí phát hiện, mới đây, chính quyền địa phương đã triệu tập ông chồng vũ phu kia lên làm bản tường trình. Công an xã cũng khuyến cáo xử lý cách sống bê tha rượu chè của đối tượng này.
> Cam chịu bị bạo hành vì thương con
Để có cái nhìn bao quát và hiểu rõ hơn về sự việc, Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tư vấn tâm lý, Thạc sỹ Đinh Đoàn – Phó giám đốc Công ty Tư vấn – Đầu tư và Phát triển con người Nhật Minh xung quanh vấn đề này.

Không nên giữ một “tấm gương mờ”…

Xin ông cho biết cảm nhận của mình về sự việc chị Trà 23 năm bị chồng bạo hành?

Những nạn nhân bị bạo lực gia đình như chị Trà không hiếm. Tất nhiên, chị Trà là nạn nhân của thói vũ phu, của tệ gia trưởng, của những quan niệm xã hội lạc hậu, rất đáng thương cảm. Tuy nhiên, việc chị Trà cam chịu suốt chừng ấy năm trời với lý do muốn “con có bố”, để con chị có thể lấy vợ, lấy chồng… không thuyết phục. Đành rằng ai cũng mong con mình có cha, nhưng phải là người cha xứng đáng, chứ không phải người cha trên danh nghĩa, là “tấm gương mờ”. Chuyện chồng chị đối xử tệ bạc với vợ con cả làng, cả xã biết, chẳng vì chị không ly hôn mà gia đình trở nên “danh giá” hơn.

Là 1 chuyên gia tư vấn tâm lý, ông có thường xuyên gặp những trường hợp tương tự như thế không?

12 năm làm công tác tư vấn, tham gia nhiều dự án can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình, là cố vấn cho 2 câu lạc bộ phụ nữ bị bạo lực ở Long Biên và Ngọc Thuỵ (quận Long Biên), tôi gặp không ít phụ nữ bị bạo lực bởi người chồng. Không ít người đã dũng cảm giải thoát cho mình. Một nạn nhân bị bạo lực sinh hoạt ở CLB Cầu Giấy có lần nói: “Sau nhiều lần nấn ná, cuối cùng tôi đã quyết tâm dứt bỏ người chồng tệ bạc. Muốn ai cười thế nào thì mặc, nhưng tôi nghĩ tính mạng của mình là trên hết. Mình phải được an toàn, sống, làm việc để nuôi con…”. Theo tôi, người phụ nữ đó đã nghĩ và làm đúng!

Luật ra đời không phải để làm cảnh!

Theo ông, tại sao chị Trà có thể chịu đựng được suốt 23 năm trời mà không dám lên tiếng? Đó có phải do bản tính chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam hay vì một lý do nào khác?

Chị Trà bị ràng buộc bởi nhiều lý do. Trước tiên là tính chịu đựng quá mức cần thiết của người phụ nữ. Thứ hai, chính quan niệm cho rằng “ly hôn là xấu” khiến chị muốn cố chịu đựng để “giữ tiếng thơm gia đình” cho con cái. Chị cũng là nạn nhân của quan niệm cổ hủ từ phía gia đình, cho rằng đã là phụ nữ đi lấy chồng, sướng hay khổ là do cái số, cố mà chịu đựng. Giá gia đình chị cưu mang, hỗ trợ chị, không bắt chị phải trở lại với người chồng tệ bạc, có thể chị đã có cuộc sống khác hơn bây giờ.

Điều đáng nói là sự thờ ơ, tác trách, sự can thiệp không kịp thời và kém hiệu quả của cộng đồng nói chung và của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương nói riêng.

Người chồng có vai trò, trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này? Liệu anh ta có vấn đề gì về tâm lý không?

Người chồng có vấn đề gì về tâm lý hay không cần phải được khám xét và kết luận bởi các nhà chuyên môn. Còn việc anh ta vi phạm pháp luật là điều không cần bàn cãi. Ngay cả khi chưa có Luật Phòng chống bạo lực gia đình, thì Luật hình sự, Luật Hôn nhân Gia đình của chúng ta cũng đã đủ để xử lý người chồng bạo ngược này. Đến nay Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực, rất cần xử lý kịp thời, đúng luật “để làm gương”, để mọi người thấy Luật ra đời không phải chỉ để “làm cảnh”.

“Có kêu cũng chẳng ích gì”

Quan điểm ông về sự việc trên?

Cho đến giờ phút này, khi chị Trà còn nằm viện mà vẫn phải lo cho tính mạng, sức khoẻ của đứa con ở nhà, chứng tỏ mấy mẹ con chị đang trong tình trạng nguy hiểm tột độ. Con ở với cha mà còn sợ không an toàn thì người cha đó thật sự nguy hiểm. Vậy mà gia đình, xóm làng, chính quyền, đoàn thể của địa phương không có cách gì để bảo vệ đứa con, để xử lý người cha, để làm yên lòng người mẹ… chứng tỏ công tác phòng chống bạo lực gia đình của chúng ta quá yếu. Chẳng trách người phụ nữ phải cam chịu, chẳng biết kêu ai, bởi có kêu cũng chẳng… ích gì!

Làm thế nào để người phụ nữ có thể thoát khỏi nạn bạo hành?

Người phụ nữ phải được tuyên truyền để hiểu rằng không ai sinh ra để bị bạc đãi. Họ cũng cần được học tập để thay đổi nhận thức, phải hiểu rằng mọi người mong muốn lấy chồng là để có gia đình hạnh phúc. Khi mục tiêu này không đạt được sau nhiều cố gắng, không ai bắt họ phải duy trì cái “tổ lạnh” ấy bằng mọi giá.

Đặc biệt, chị em phụ nữ cũng phải nhận thức rằng “Không ai cứu mình tốt hơn chính mình”. Mọi sự can thiệp hỗ trợ của cộng đồng, xã hội chỉ có mức độ. Không anh công an, chị Hội phụ nữ, bác tổ dân phố, ông trưởng thôn nào có thời gian để ở cạnh người phụ nữ, chờ họ bị nạn để ra tay cứu giúp. Nếu người phụ nữ không lên tiếng, không dũng cảm đấu tranh, giải thoát cho mình thì các lực lượng hỗ trợ cũng bó tay.

Quốc Cường – Tiến Nguyên (thực hiện) – Theo dantri.com.vn

Bình luận (0)