Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Quét rác “xuyên”… thời gian

Tạp Chí Giáo Dục

17 năm qua, ông Trần Văn Lợi vẫn cần mẫn quét dọn rác cho con hẻm

Ông Trần Văn Lợi (phường 2) và bà Nguyễn Thị Thẩm (phường 14, quận 4) được thành phố tuyên dương tại lễ tuyên dương “Người tốt việc tốt” mới đây. Nhờ có họ quét dọn rác mà trong suốt nhiều năm qua, ngày nào con hẻm 289 và hẻm 204 luôn sạch sẽ.
“Thấy hẻm dơ thì quét”
Ba giờ rưỡi sáng, khi màn đêm còn phủ quanh thành phố, nhiều người vẫn đang say giấc thì những người dân lao động khác đã phải thức dậy, đón bình minh của một ngày sớm hơn bình thường. Họ là những người bán báo, bán xôi, bánh mì hay những cô hàng rau, thịt cá… Tầm giờ đó, ông Lợi cũng thức dậy và bắt đầu công việc đầu tiên – quét sạch rác cho con hẻm 298 thuộc phường 2, quận 4. Hơn 17 năm qua, ngày nào ông cũng làm công việc như vậy. Thế mà khi hỏi lý do, ông chỉ cười hiền từ: “Có lý do gì đâu, thấy hẻm dơ quá thì mình quét!”.
Ngày trước, con hẻm nơi ông ở không được mỹ quan cho lắm, một phần do bộ phận người dân hơi thiếu ý thức xả rác lung tung; có người nhậu say, ói mửa, tiểu tiện đầy hẻm… Thấy người dân từ nơi khác đến hẻm tỏ thái độ khó chịu trước tình trạng này, ông Lợi cũng không vừa lòng. Mỗi ngày ông thức dậy thật sớm quét dọn để con hẻm trở nên sạch sẽ hơn. Nhiều nhà dân thấy ông quét rác vậy cứ xì xào: “Việc gì mà phải cất công đi làm công việc chẳng có lợi lộc gì cho mình vậy?”. Rồi cũng có người không đồng tình vì tiếng chổi ông quét xạc xào giữa đêm khuya “làm phiền” đến giấc ngủ của họ. Nhưng ông vẫn kiên trì, 17 năm qua, mỗi năm ông thay hai cây chổi, không kể nắng mưa, đau ốm… ngày qua ngày cứ cần mẫn quét rác. Ông phải tranh thủ quét sớm vậy vì sau giờ đó, ông còn phải phụ người con gái đẩy xe bánh mì đi bán. Ít ai tin được khi ở tuổi 75 mà ông lại đẩy nổi cả xe bánh mì – xôi rất nặng.
Người dân trong khu phố giờ rất đỗi tự hào vì mỗi ngày được đi trên con hẻm thoáng sạch. Mấy đứa trẻ thấy ông quét rác cực nhọc cũng tự bảo nhau giữ gìn vệ sinh chung. Chị Dương Thị Minh (hàng xóm) chia sẻ: “Những khi ông cụ đi đâu xa mấy ngày, bà con trong xóm ai cũng mong. Có ông là ngày nào con hẻm cũng sạch sẽ”. Anh Nguyễn Văn Kim Chi (Tổ trưởng tổ dân phố) tâm sự: “Người dân khu phố ai cũng quý mến ông Lợi vì việc ông làm có ý nghĩa thiết thực, mang lại bộ mặt sạch đẹp cho khu phố. Những người còn trẻ chúng tôi phải nể phục ông vì chính chúng tôi nhiều khi cũng không làm được như vậy”.
Vừa quét rác vừa bắt trộm

Bà Thẩm cũng đã quét rác suốt gần 10 năm qua

Bà Nguyễn Thị Thẩm (204 Đoàn Văn Bơ, phường 14, quận 4) cũng là người có thâm niên cả chục năm quét rác. Hồi trước con hẻm này rác nhiều vô kể. Chính vì vậy, trước khi bà Thẩm quét, thì vợ chồng chị Lê Kim Yến (con gái bà) ngày nào cũng đã phải dọn rác. Chị Yến nhớ lại: “Hồi trước, rác trong hẻm này ngày nào cũng chất thành đống. Để vậy thấy khó chịu quá vợ chồng tôi tự bỏ công ra quét dọn. Rác gom lại mỗi ngày nhiều đến nỗi xe rác cũng ngại lấy, vợ chồng tôi phải trả người ta 20 ngàn đồng/ngày để họ chịu lấy rác”.
Bà Thẩm, hồi phục sau một cơn trọng bệnh tưởng không qua khỏi đã tự nguyện làm tiếp công việc này. Bà coi đó là cách vận động thể dục để tăng cường sức khỏe. Có hôm mưa gió, sợ bà bị bệnh, gia đình không cho quét. Nhưng mỗi lúc mưa, cống lại nghẹt nước do rác nên bà không thể yên tâm, vẫn cứ ra quét. Bà Thẩm cho biết, con hẻm giờ rác chỉ bằng 1/10 của lúc trước. Hồi đó, có khi vừa quét xong, quay lưng lại đã thấy rác. Có khi gặp phải miểng chai, kim tiêm… bà cẩn thận dùng cây sắt gắp chúng bỏ vào nhiều lớp bao để người khác không giẫm phải. Và giờ, người dân cũng ý thức hơn, ít quăng rác lung tung nữa.
Có lần bà còn phát hiện và giúp người dân bắt tên trộm vào nhà dân lấy máy hàn. Giữa khuya, khi phát hiện hai tên trộm đang vận chuyển máy hàn qua cửa sổ một nhà hàng xóm, bà đã la lên để nhiều người dân cùng đến chặn bắt chúng thu lại máy hàn. Bà vẫn hay dạy con cháu mình ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Cháu bà (em Trương Lê Hiếu Hạnh) chỉ mới 9 tuổi nhưng đã học hỏi bà ngay từ thói quen nhỏ nhất là không quăng rác bừa bãi. Em vừa đoạt giải khuyến khích hội thi “Nét vẽ xanh” do thành phố tổ chức. Căn bệnh đột quỵ bà mắc từ năm 73 tuổi đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất nhưng bà vẫn còn phải uống thuốc điều trị đến tận nay. Bà vẫn tràn đầy niềm tin: “Khi nào còn sức khỏe là tôi còn quét cho con hẻm thật sạch”.
Ông Trần Văn Lợi cũng vậy: “Tôi chỉ mong mình được xem thêm một mùa World Cup nữa. Tôi cũng mong mình khỏe để quét rác đến khi nào hết quét nổi nữa mới thôi”…
Rồi mỗi sớm mai, khi được đi trên con đường sạch mát, nhiều người bỗng thấy lòng tràn ngập niềm vui, thế nào họ cũng thầm nhớ đến công lao những người đã lặng thầm quét rác…
MÊ TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)