Hội nhậpGiáo dục phát triển

14 năm vượt rừng học chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Hồ Văn Long và các em trong mái ấm tình thương

Rừng núi thâm u bao bọc quanh bản Tà Ri 2- xã Húc- huyện Hướng Hóa – tỉnh Quảng Trị như cố ngăn cho đám trẻ dân tộc Vân Kiều lành lặn không đến được với trường với lớp. ấy thế mà chàng trai tật nguyền Hồ Văn Long đã làm cho thần núi, thần sông cũng phải bị khuất phục bởi lòng hiếu học và khát khao đến với con chữ…

Sinh năm 1984, bố mất sớm, ba mẹ con Long phải sống trong cảnh “nhà không có nóc”. Thương mẹ vất vả sớm hôm, giọt mồ hôi mẹ mặn chát thấm cả vào từng hạt lúa hạt ngô, Long cũng chỉ biết chiều chiều ngồi nơi bậc thềm đỏ mắt ngóng mẹ, với đôi chân teo tóp ngay từ khi lọt lòng, những việc mà con trai trong bản đều làm được với anh là điều không thể. ở bản, đến tuổi 13, 14 là trai gái cũng tự do yêu đương, Long mặc cảm mình là người khuyết tật nên ít tiếp xúc với ai, anh thấy mình lạc lõng giữa một nơi mà chỉ có vắt sức lực mới làm nên thóc lúa…Anh biết, mình cần phải đi học…

Núi cao, suối sâu… không ngăn được bước chân tật nguyền đến lớp

Năm 1994, tỉnh Quảng Trị có chương trình xoá mù cho đồng bào miền núi. Năm ấy, bản Tà Ri 2 rộn rã khi cả già trẻ trai gái trong bản đều được đến trường. Nhưng các thầy cô chỉ mang cái chữ ở dưới xuôi lên cho đồng bào chỉ vỏn vẹn một năm. Ngày thầy cô chia tay bản làng, Long tròn 13 tuổi chỉ vừa kịp ê a “O tròn như quả trứng gà…”, chỉ vừa kịp biết xoè bàn tay ra làm tính cộng…Bà Hồ Thị Tiên- mẹ Long- từ dạo ấy mỗi đêm đều nghe thấy tiếng thút thít dẫu đứa con trai úp mặt xuống sàn, bà ôm chặt lấy con mà nói: “Mẹ không cho con đi xuống dưới xã học đâu, ra khỏi ngôi nhà này lấy ai dõi theo những bước chân tập tễnh…”.

Biết mẹ còn nhiều nỗi lo, biết khoảng nương rẫy năm được năm mất và nhà còn bộn bề những khó khăn, nhưng cái cảm giác được ngồi vào bàn học cùng các bạn như “đốt cháy” cậu bé tuổi 13 lần đầu dám nói dối mẹ. Một đêm tháng 5 năm 1995, cầm trong tay vài ngàn bạc lẻ, mặc bộ quần áo tinh tươm nhất có thể, Long xách đòn ra đi và ngoái lại nói với mẹ : “Con xuống nhà cậu chơi ít bữa”. Một mình Long vượt mười mấy km đường rừng, qua 3 quả đồi, 2 con suối trong đêm chỉ bằng với một khát khao là được đi học. Chiếc đòn gỗ thân thuộc của Long trở thành người bạn duy nhất cho hành trình ấy. Biết bao lần anh trượt ngã, đụng vào thân cây chắn giữa đường, rồi nằm vật ra giữa đất nhìn cả một không gian rộng lớn đang bủa vây xung quanh. Long nhớ lại : “Lúc ấy tôi như không hề biết sợ, nhìn cái gì cũng đẹp… Trăng hôm ấy cũng sáng quá chừng!”. Lần mò đến hơn 12 giờ đêm, Long gõ cửa nhà cậu, ông cậu tí nữa té xỉu khi nhìn thấy đứa cháu ướt như chuột lột, lấm lem bùn đất…

Ngủ một đêm, Long tiếp tục hành trình thêm 3km đường bằng để tới với trường Nhô (Sau này có tên là trường cấp I, II xã Húc) – ngôi trường ọp ẹp dùng để thu gom tất cả những học sinh dân tộc về lập lớp. Bằng thứ tiếng người xuôi chữ được chữ mất, Long rụt rè xin thầy hiệu trưởng Trần Đức Vinh vào nhập học. Nhìn thấy cậu bé dân tộc đi bằng tay, hỏi han về điều kiện gia đình, không chỉ thầy mà mà toàn bộ giáo viên trong trường từ đó đều đặt cho anh biệt danh – cậu học sinh đặc biệt. Ngặt nỗi, Long quá lớn để vào học lớp 2, lại là trường hợp cá biệt, nhà trường cũng không biết phải xử lí ra sao. Thầy hiệu trưởng lại hỏi “Chừ em có ưng học lớp năm không?”. Thoạt đầu Long cũng sợ mình không theo kịp nhưng vì mục đích là miễn được đi học nên cậu gật đầu. Với cái gật đầu ấy, mà suốt 3 tháng hè tiếp theo cậu được đích thân thầy Đạt hiệu phó nhà trường bổ túc thêm kiến thức. Long được bố trí một phòng nhỏ ngay tại trường để “dùi mài kinh sử” học hết kiến thức 3 năm trong vòng 3 tháng! Sự học của cậu bé Vân Kiều khó xử lí đến mức, phòng giáo dục huyện Hướng Hoá năm ấy phải cử một đoàn lên để kiểm tra xem cậu có đủ trình độ học vượt ba lớp không. ấy thế mà điều kì diệu lại xảy ra với niềm hạnh phúc vỡ oà của chàng trai tật nguyền, của thầy cô trong trường…Long đã vượt qua kì sát hạch một cách xuất sắc.

Tiếp tục giấc mơ dài trong cuộc sống ngặt nghèo

Những tháng đầu tiên, mẹ Long vẫn đều đặn mang cơm, mang xôi cho đứa con trai bướng bỉnh, khát chữ hơn cả khát sữa mẹ. Nhưng đường sá xa xôi, đôi chân mẹ yếu qua con suối trơn cũng sợ trượt… mẹ ít ra hơn, mỗi tuần mẹ chỉ gửi cho 10 lon gạo. Long xin các thầy cô trong trường 3 cái xoong: 1 cái nấu cơm, 1 cái nấu đồ mặn, 1 cái nấu nước… Để đủ gạo ăn, mỗi ngày Long chỉ có thể dùng 1 lon rưỡi gạo, nếu sợ thiếu thì độn cả khoai sắn vào, việc ăn sáng với anh là điều xa xỉ. Long nói: “Cái ăn lúc ấy cốt sao cho no để đến lớp, chứ rau thì mình đi quanh quanh hái về, chỉ cần xin thêm chút mắm muối nữa là xong bữa…”. Thấy cảnh Long tật nguyền, một mình loay hoay nấu nướng, thầy cô bạn bè trong trường ai cũng chảy nước mắt nhưng thời ấy ai cũng khổ chỉ biết lấy nụ cười là niềm động viên…

Long nhớ lại khoảng thời gian cơ cực nhất là 2 năm cậu đang học lớp 7 và lớp 8. Năm ấy làng mất mùa, gạo mẹ lâu lâu mới gửi ra mà lúc nào cũng thiếu. Có hôm Long phải nhịn ăn đến 8 giờ đêm khi xin được một người tốt bụng 1 củ sắn về luộc ăn…

Nhân một lần “may mắn” được ra bệnh viện T.W Huế, thấy người tàn tật có sử dụng một vật có hình thù như thế, một người thợ khéo tay trong bản Tà Ri 2 đã đục đẽo cho Long một cái đòn gỗ. Gồm hai thanh gỗ để cầm tay và một cái đòn để đỡ phần thân, chiếc đòn gỗ là người bạn thân thiết nhất của Hồ Văn Long suốt từ thuở đó. Chúng đã giảm bớt khó khăn cho Long trong việc đi lại. Long đã dùng 6 cặp đòn gỗ, và cái hiện tại anh đã dùng từ năm học lớp 11.

Mất mùa, làng đói, mẹ phải cào cấu đất rừng sâu hơn để kiếm thêm nuôi Long và em nên đổ bệnh. Không muốn là người con bất hiếu, Long quyết định về bản ngay giữa mùa lũ. Con suối Húc chiều hôm ấy hung tợn đến lạ, Long liều mạng lao mình ra giữa dòng và chới với, bị cuốn trôi hơn 200 mét. May sao có một cây chuối trôi qua, anh vớ lấy và sang được bờ bên kia sau khi uống tròn một bụng nước. Anh nằm bất tỉnh ngay khi bước lên sàn nhà, khi tỉnh dậy đã thấy mẹ ở bên cầm tay, nước mắt giàn giụa…

Sau bao nhiêu khó khăn, sau bao nhiêu trải nghiệm cuộc sống ngặt nghèo, cuộc đời của Long như sang một trang mới khi anh nhận được lá thư của sơ Trần Thị Hiền- người nữ tu không sao quên hình ảnh cậu bé đi bằng tay đến lớp trong một lần tình cờ bắt gặp. Nhận sơ Hiền như người mẹ thứ hai, Long theo về giáo xứ Phước Tuyên (huyện Cam Lộ) và cũng phải van xin khắp nơi để được đi học lại lớp 9 bởi tuổi lớn và cũng chẳng ai tin một người như Long lại có thể theo đuổi sự học đến cùng.

Về với đồng bằng, Long lần lượt học lên cấp 3, làm quen dần với cuộc sống văn minh hơn và làm quen với cả chiếc máy vi tính. “Từ khi nhìn thấy nó là mình thích liền, vì dùng máy tính mình có thể ngồi một chỗ, không bị trở ngại trong việc đi lại…”- Long bộc bạch. Dẫu tiếng Anh không biết chữ nào, nhưng anh vẫn mày mò mua sách vở về đọc, dán mắt suốt ngày vào máy tính, năm lớp 10 cậu đã có trong tay chứng chỉ A, B tin học và rồi đỗ vào khoa công nghệ thông tin- Trường CĐSP Đông Hà như một lẽ tất nhiên…

Ước mơ trả chút ơn cho đời

Từ năm lớp 12, Long chuyển về sống tại nhà thờ thị xã Đông Hà và làm anh cả trong một tổ ấm mà phần đông các em cũng có nhưng hoàn cảnh ngặt nghèo như anh. Năm 2007, Long đã tốt nghiệp CĐ và hiện đang dạy tin học cho các em câm điếc tại làng trẻ Trên Hết. Đêm đêm, anh vẫn miệt mài theo học một lớp của trưởng CĐ Công nghiệp Huế (mở tại Đông Hà) với khát khao liên thông lên đại học. Long thật thà bảo : “Mình vừa nhận được tháng lương đầu tiên và sẽ dành dụm để trang trải học phí cho những năm học tiếp sau…”.Nói về quê hương bản Tà Ri 2 của mình, Long như trầm lại, anh giãi bày rằng dẫu rất muốn quay lại dạy chữ cho các em Vân Kiều nhưng địa hình trên đó không phù hợp với một con người tật nguyền như anh, có chăng anh chỉ có thể vận động một vài em đưa về đây để có điều kiện học hành…

Và ước mơ của Long có vẻ như còn lớn hơn thế. Luôn tâm niệm câu nhắn nhủ của sơ Hiền rằng: “Mong muốn Long hãy là cánh tay nối dài của mẹ, tiếp tục quay trở lại giúp các em bất hạnh” Long vẫn không ngừng phấn đấu để sau này khi mái ấm nho nhỏ này được mở rộng Long nguyện sẽ là người anh, người cha của các em trên chặng đường dài mà Long đã từng trải qua và Long đã quá hiểu cần những sự sẻ chia giúp đỡ như thế đến nhường nào…

Nguyễn Phúc – Nguyễn Khánh (GDTD)

Bình luận (0)