Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Tiếng trống khuyến học

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

“Bây giờ đã đến giờ học tập của các cháu học sinh. Hội Khuyến học thôn Trác Bút yêu cầu các gia đình hãy vặn nhỏ đài,vô tuyến, đôn đốc con em ngồi vào bàn học tập. Tùng… Tùng… Tùng…”, tiếng loa truyền thanh vang lên. Cứ 7 giờ tối hằng ngày, sau hiệu lệnh đó là con em Trác Bút tự động ngồi vào bàn học tập. Chuyện tiếng trống khuyến học khởi đầu ở làng Trác Bút (thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh).

18 năm âm vang

Cứ 7 giờ tối hằng ngày, ông Nguyễn Văn Chung lại mở đài phát tiếng trống khuyến họcSau tiếng trống khuyến học, một đoàn kiểm tra gồm đại diện hội khuyến học thôn, các giáo viên trong làng đến từng nhà kiểm tra tình hình học tập của học sinh.

Đoàn vào nhà ông Nguyễn Văn Lương lúc 7 giờ 15. Con ông đang cặm cụi học. Góc học tập được bố trí gọn gàng, kín đáo, yên tĩnh. Ông Lương bảo: “Sau khi nghe tiếng trống khuyến học phát trên loa truyền thanh của thôn, tôi lập tức nhắc nhở con học bài, đồng thời vặn nhỏ âm thanh vô tuyến, nói chuyện đủ nghe để tạo sự yên tĩnh”.

Việc học sau khi có tiếng trống khuyến học đã trở thành nề nếp ở nhà ông Lương. Các con ông đều có thành tích học tập tốt cũng vì duy trì được thói quen này.

Sau nhà ông Lương, đoàn kiểm tra tiếp tục đến nhà ông Thanh. Ông Thanh cũng đang ngồi xem vô tuyến. Con ông Thanh đang chơi ngoài sân. “Nhà bác có chuyện gì mà cháu vẫn chưa ngồi học vậy?”, ông Nguyễn Văn Hiểu – Hội trưởng Hội Khuyến học thôn Trác Bút – cất tiếng hỏi. “Tôi quên khuấy đi mất, cháu vẫn còn mải chơi quá”, ông Thanh ngượng ngùng trả lời.

Đoàn kiểm tra khuyên nhủ, nếu hôm sau không có việc gì bận thì gia đình nên tạo điều kiện cho cháu học bài đúng giờ.

Đoàn kiểm tra tất cả các gia đình có con em đang đi học trong thôn. Kết quả cho thấy, sau tiếng trống khuyến học, đại đa số các học sinh đều tự giác học bài. Kết quả khảo sát được công bố rộng rãi trên hệ thống phát thanh của thôn. Ông Nguyễn Văn Hiểu lý giải: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức những đợt kiểm tra như vậy để nắm được tình hình học tập của học sinh. Nếu chỉ mở hiệu lệnh trống khuyến học mà không kiểm tra, kết quả sẽ không cao”.

Ý tưởng thành lập tiếng trống khuyến học là của cụ Nguyễn Văn Thúc, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Phong. Năm 1984, cụ Thúc nghỉ hưu. Về làng, cụ làm Trưởng ban Khuyến học thôn Trác Bút.

Trước đây, Trác Bút nổi danh bởi có nhiều người học hành đỗ đạt, làm quan to trong thời phong kiến. Tuy nhiên, thời sau, những người đỗ đạt ở Trác Bút ngày càng hiếm hoi. Thấy vậy, cụ Thúc quyết định đẩy mạnh phong trào học tập của thôn. Vậy là ý tưởng thành lập tiếng trống khuyến học hình thành và trở thành hiện thực.

Hiệu quả cao

Ông Nguyễn Văn Hiểu lúc đó cũng là thành viên Hội Khuyến học thôn Trác Bút nhớ lại: “Năm 1990, hội khuyến học thôn đề xuất, cứ 7 giờ tối hằng ngày sẽ có hiệu lệnh nhắc nhở học sinh học tập, sau hiệu lệnh là 3 hồi trống. Vì thế mới có tên là tiếng trống khuyến học. Để thực hiện được ý tưởng này, chính quyền thôn kết hợp với hội khuyến học đến nhà trường đề nghị giáo viên nhắc nhở học sinh học bài sau khi nghe tiếng trống khuyến học, đồng thời, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh hiểu biện pháp này. Việc làm ấy được mọi người hưởng ứng tích cực. Và tiếng trống khuyến học được duy trì 18 năm nay”.

Tiếng trống khuyến học được ghi âm thành băng, đĩa và đều đặn phát vào 7 giờ tối hằng ngày. Hiện nay, ông Nguyễn Văn Chung, 61 tuổi, con của cụ Nguyễn Văn Thúc, cũng là thành viên hội khuyến học thôn, đảm nhiệm.

“Tôi là người kế thừa truyền thống tiếng trống khuyến học mà cụ thân sinh để lại. Mỗi khi tiếng trống khuyến học vang lên, thấy học sinh tự giác ngồi học bài, tôi mừng lắm”, ông Chung tâm sự.

Hiệu quả của tiếng trống khuyến học thật bất ngờ. Cái dễ nhận thấy nhất là thôn đã duy trì được một thời điểm chung để con em học bài. Các gia đình tạo điều kiện tốt nhất cho con em được học trong môi trường thuận lợi, ý thức học tập của học sinh Trác Bút rất cao.

Cứ sau 7 giờ tối, đến nhà ai cũng thấy học sinh cần mẫn ngồi học. Theo thống kê của Hội Khuyến học Trác Bút, thành tích học tập của con em trong làng ngày càng cao, năm sau vượt năm trước.

“Trước đây, khi chưa có tiếng trống khuyến học, mỗi năm chúng tôi chỉ có 4 học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng. Số học sinh khá, giỏi ít. Nhưng này nay tình hình khác hẳn. Mỗi năm làng có hàng chục học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng. Đặc biệt đội ngũ giáo viên đang dạy học của làng có 36 người”, ông Hiểu cho biết .

Sau 18 năm duy trì, tiếng trống khuyến học đã đạt hiệu quả rõ rệt. Chính vì thế, năm 2006, UBND huyện Yên Phong đã quyết định nhân rộng mô hình này tới toàn bộ các xã khác trong huyện. Tiếng trống khuyến học giờ đây không chỉ có ở làng Trác Bút mà lan rộng tới nhiều nơi khác.

Hà Thanh (sggp)

 

Bình luận (0)