Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Anh: Dạy học thông qua các trang mạng xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Wikipedia, một trong những trang mạng xã hội rất phổ biến. Ảnh: I.T

Ngày nay Internet không còn xa lạ với mỗi người, trong ngành giáo dục, nó được vận dụng một cách có hiệu quả. Ở Anh, thời gian tới Facebook, Twitter và các trang mạng xã hội khác sẽ trở thành một phần trong chương trình giảng dạy tại nhà trường theo kế hoạch cho chương trình tiếng Anh THPT mới.
Từ những cảnh báo
Theo một quan chức chính phủ Anh, 12% trẻ em Anh thường xuyên truy cập vào các trang “web đen” trên Internet. Tin cho hay, học sinh Anh thường xuyên làm bài tập về nhà và đó là một lý do yêu cầu buộc các em phải sử dụng Internet. Nhưng theo cuộc điều tra của tổ chức nghiên cứu giáo dục NFER, khoảng 12% độ tuổi từ 13 đến 18 tuổi được phỏng vấn nói rằng, những trang “web đen” mới thực sự là một trong những lý do chính khiến các em ham muốn truy cập Internet. Tổ chức nghiên cứu giáo dục NFER, đại diện cho Bộ GD-ĐT Anh tiến hành cuộc điều tra này, cho biết 52% học sinh dùng Internet để check mail và 36% mua hàng trên mạng. Khoảng 18% tìm kiếm tin tức và các cơ hội việc làm. Còn 9% vào các forum tranh luận với nhau. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, 67% học sinh không quan tâm đến chính trị. Chính phủ Anh cũng lên tiếng cảnh báo: “Hãy giáo dục tư cách đạo đức của học sinh khi có quá nhiều em say các trang “web đen”, lơ là học tập”.
Vẫn khuyến khích học sinh dùng Google, Yahoo!
Mới đây, Ofqual – một trong những cơ quan chính thức chịu trách nhiệm tổ chức thi cử và cấp bằng ở Anh, đã có lời khuyên rằng, học sinh nên dùng Google và Yahoo để phục vụ học tập. Người phát ngôn của tổ chức Ofqual cho rằng, đánh từ khóa lên những trang tìm kiếm trên mạng như Google, Yahoo!, giúp học sinh tìm được tài liệu tham khảo cho bài kiểm tra, tiểu luận. Nhưng, những nhà giáo dục Anh khuyến cáo, các em nên thận trọng nếu sử dụng thông tin của trang web Wikipedia. Theo tổ chức Ofqual: “Wikipedia như cuốn từ điển bách khoa trực tuyến, do độc giả đóng góp, tạo nên, không có căn cứ chính xác tuyệt đối, trong một số trường hợp có thể hoàn toàn sai sự thật”. Họ cho biết thêm: “Trẻ em nên làm bài thường xuyên và không nên sao chép hoàn toàn những tài liệu lấy được trên mạng hoặc của học sinh khóa trước”. Các em chỉ nên tham khảo tài liệu trên mạng, lấy nguồn tin ở những trang đáng tin cậy. Bậc phụ huynh cũng được khuyến cáo chỉ nên hướng dẫn cách làm chứ không nên tham gia quá sâu vào bài tập của trẻ.
Và đưa Facebook, Twitter vào chương trình phổ thông 
Facebook, Twitter và các trang mạng xã hội khác sẽ trở thành một phần trong chương trình giảng dạy tại nhà trường theo kế hoạch cho chương trình tiếng Anh THPT mới. Chứng chỉ giao tiếp số (trong môn nghiên cứu tiếng Anh) sẽ là môn học bắt buộc, nhằm giúp học sinh hiểu những trích dẫn, dẫn chứng giáo viên đưa ra để phục vụ học tập. Học sinh có thể hoàn thành môn này như một môn học độc lập hoặc học song song cùng ngôn ngữ tiếng Anh truyền thống và văn học THPT. Ofqual đang xem xét nội dung cụ thể của môn học, và Edexcel – Hội đồng khảo thí quốc gia Anh lên kế hoạch chính thức đưa môn học này vào chương trình trong năm tới. Những người phối hợp thực hiện chương trình này cho biết, học sinh phải có khả năng đọc, phân tích, bình luận những dạng văn bản khác nhau về quảng cáo, website, trang mạng xã hội, wiki và blog. Theo Edexcel, môn học này sẽ bổ sung cho chương trình tiếng Anh THPT. Đại diện phát ngôn của Edexcel trả lời phỏng vấn Daily Mail: “Thông qua môn học, học sinh sẽ hứng thú với các dạng văn bản số và dễ theo dõi bài giảng, sự chỉ dẫn của giáo viên. Chương trình này phản ánh việc cần phải thay đổi nhu cầu và hứng thú học tập của học sinh”.
Theo BBC, AP, Telegraph
Thảo Nguyên

Bình luận (0)