Sau cuộc nhậu khoảng 3 ngày, anh T.X.T. (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) bị sốt, nhức đầu, ói mửa. Tưởng rằng là hậu quả của bia rượu, ai ngờ khi đến BV Bệnh nhiệt đới TPHCM xét nghiệm huyết thanh lại cho thấy anh T. dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn, có biểu hiện viêm màng não mủ.
Trước đó, trong cuộc nhậu, anh T. đã ăn hết một đĩa lớn dồi trường.
So với anh T., trường hợp ông K.V.T. (50 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) nặng hơn nhiều. Hiện đang được điều trị tại khoa Nhiễm C, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, toàn thân ông T. vẫn còn di chứng của nhiễm trùng máu, các ban xuất huyết còn lở loét. Trước đó, ông T. nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, suy đa cơ quan, viêm màng não và xuất huyết da. Qua xét nghiệm và chẩn đoán, ông T. bị nhiễm liên cầu lợn dẫn đến biến chứng nặng. Nhờ tích cực điều trị, hiện tình trạng ông T. đã qua cơn nguy kịch nhưng cần tiếp tục theo dõi, có nguy cơ bị biến chứng giảm thính lực… Ông T. không ngờ công việc chế biến thịt heo tại cửa hàng của mình lại đem lại hậu quả như vậy.
Tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TPHCM mới đây, BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cảnh báo bệnh liên cầu khuẩn lợn đang có xu hướng gia tăng. BS Giang cho biết trong 7 tháng đầu năm 2010, BV Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận 28 ca. Đặc biệt, trong tháng 8-2010, khi dịch heo tai xanh bùng phát, số ca mắc điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới đã tăng lên 6 ca và nửa đầu tháng 9 đã có 3 ca bệnh. Trong khi đó, qua thống kê của BV Bệnh nhiệt đới, bình quân từ năm 2001 đến 2009 chỉ khoảng 30-35 ca/năm và năm 2009 ghi nhận một ca tử vong do liên cầu khuẩn lợn. Trong khi từ năm 2001 trở về trước, số ca mắc liên cầu khuẩn lợn được phát hiện và điều trị rất ít, khoảng 5-7 ca/năm. Điều đó cho thấy, đang có xu hướng tăng các ca bệnh liên cầu khuẩn lợn.
Bác sĩ Nguyễn Hoàn Phú, Phó trưởng khoa Nhiễm Việt-Anh, BV Bệnh nhiệt đới, cho biết có một số nguyên nhân dẫn đến mắc liên cầu khuẩn lợn. Trong đó, nhiễm bệnh qua đường ăn uống rất đáng báo động. Theo BS Phú, ăn lòng lợn, tiết canh tràn lan mà chưa nấu chín kỹ có nguy cơ nhiễm bệnh cao. BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, giảng viên Bộ môn Nhiễm ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch băn khoăn vì ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao. Theo BS Nghĩa, liên cầu khuẩn lợn thường trú trong lợn nên khi tiếp xúc với lợn, chăn nuôi, giết mổ lợn mà tay, chân bị xước, đứt khiến vi khuẩn dễ xâm nhập. Đáng nói, qua nghiên cứu, BS Nghĩa ghi nhận hiện 60% bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn là qua đường ăn uống.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)