Ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp (GCNNN); giấy này là minh chứng một người đủ điều kiện hành nghề dạy học.
Theo tác giả, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo là bước đi tất yếu, nhất thiết phải tiến hành vì nó mang tính cấp tiến, phù hợp với hiện thực giáo dục… (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Họ phân biệt rõ rằng, bằng tốt nghiệp sư phạm chỉ xác nhận một giáo sinh đã trải qua quá trình đào tạo trong trường sư phạm, với thời gian kiến tập, thực tập. Trong lúc GCNNN nhà giáo nhằm đảm bảo rằng giáo viên ngoài đã đáp ứng các tiêu chí GD-ĐT cụ thể từ trường sư phạm, còn chứng tỏ họ có khả năng giảng dạy và quản lý lớp học. Giấy chứng nhận này phản ánh trình độ học vấn, kinh nghiệm thực hành giảng dạy lẫn năng lực chuyên môn theo từng vị trí chức danh nghề dạy học. Như vậy, giáo viên thủ đắc bằng tốt nghiệp trường sư phạm chưa đủ. Một giáo sinh đã được đào tạo qua trường sư phạm, muốn được xác định có đủ năng lực, kiến thức, kinh nghiệm để hành nghề dạy học hay không, thì cần có thêm một giấy phép khác, đó chính là giấy chứng nhận dạy học.
Từ trước đến nay, nước ta chưa thực hiện việc cấp loại giấy này; trong lúc tại nhiều quốc gia trên thế giới thì việc cấp GCNNN cho giáo viên là việc làm đương nhiên, cần thiết, bình đẳng với các ngành nghề khác – có liên quan đến con người – trong xã hội. Vì ở nước ta, việc cấp GCNNN cho giáo viên quá mới mẻ như vậy, nên thời gian gần đây, trên lộ trình đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo – sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024) – khi nội dung cấp GCNNN cho giáo viên được Bộ GD-ĐT đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến rộng rãi, đã nhận được nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi.
Còn nhiều băn khoăn
Các ý kiến không đồng tình việc cấp GCNNN cho nhà giáo xuất phát từ những lý do khác nhau. Có ý kiến cho rằng, việc cấp GCNNN này là không cần thiết, dễ dẫn đến tiêu cực. Vì tất cả giáo viên đều đã có bằng cấp sư phạm và các loại chứng chỉ, bây giờ lại cấp thêm GCNNN là thừa. Có người lo ngại rằng, việc cấp GCNNN sẽ lãng phí thời gian, tiền bạc, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, nguy cơ dẫn đến nhũng nhiễu tiêu cực xin – cho. Nhiều người cho rằng đây chắc cũng chỉ là một kiểu “giấy phép con” mà thôi. Và hệ lụy của việc cấp GCNNN cho gần 1,6 triệu nhà giáo hiện nay trên cả nước sẽ dẫn đến việc tốn kém chi phí của giáo viên, của cơ quan quản lý giáo dục, của xã hội một cách vô ích, gây lãng phí lớn không chỉ tiền bạc, mà cả thời gian, công sức. Ngoài ra, một trong những điều băn khoăn nhất của giáo viên, đó là cách tổ chức, quản lý việc cấp GCNNN này sẽ như thế nào cho hiệu quả, giáo viên có bị buộc phải qua sát hạch phức tạp, rắc rối trước khi cấp giấy chứng nhận hay không, trong lúc giá trị, tác dụng của giấy chứng nhận này còn mơ hồ, chưa được rõ ràng. Cũng có ý kiến chỉ đơn thuần cho rằng: bao nhiêu năm mọi thứ vẫn ổn định, tại sao bây giờ lại cần thay đổi? Liệu việc cấp GCNNN có gây phiền hà cho nhà giáo? Và có chắc rằng, giáo viên có giấy chứng nhận này đảm bảo rằng mình đủ chuẩn nghề nghiệp?
Tựu trung lại, những băn khoăn, thắc mắc không phải không có lý trên đây đều bắt nguồn từ sự tiếp nhận thông tin chưa cặn kẽ, thấu đáo về GCNNN; hoặc từ những thông tin phong thanh, mơ hồ dẫn đến việc giáo viên ngộ nhận, đánh đồng GCNNN với một số giấy tờ, chứng chỉ nhiêu khê, phức tạp khác mà giáo viên đã từng bị buộc phải có trước đây.
Sự cần thiết của giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo
Theo Bộ GD-ĐT, cần phải có GCNNN nhà giáo trong việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, bởi hiện nay có khá nhiều quy định về chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên/giảng viên. GCNNN nhà giáo ra đời sẽ thay thế những quy định này với các tiêu chí cụ thể; đồng thời sẽ thay thế cho hai văn bản hành chính quan trọng khác: quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Đại diện Bộ GD-ĐT, ông Vũ Minh Đức (Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục) đã khẳng định: GCNNN nhà giáo không phải là một “giấy phép con”, cũng không hề làm phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, tốn kém, mà được cấp hoàn toàn miễn phí. Với những nhà giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, chỉ cần nhà trường lập danh sách và cơ quan quản lý cấp giấy chứng nhận, không cần qua sát hạch hoặc thêm thủ tục nào khác nữa. Việc cấp giấy chứng nhận này đảm bảo nguyên tắc đơn giản, miễn phí và sử dụng suốt đời. Giấy chứng nhận này giữ vai trò như giấy phép hành nghề; giáo viên đã được cấp giấy chứng nhận khi được tuyển dụng vào cơ sở giáo dục công lập, hoặc khi thuyên chuyển và ký hợp đồng tại cơ sở giáo dục khác, địa phương khác, thì không cần phải thực hiện chế độ tập sự trở lại.
Như vậy, việc nhà giáo phải có GCNNN là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều ngành nghề được xếp loại đặc thù hiện nay cũng yêu cầu phải có GCNNN, chứng nhận hành nghề như bác sĩ, kỹ sư, luật sư… Giấy chứng nhận này sẽ bị thu hồi khi nhà giáo bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục, hoặc vi phạm kỷ luật ở mức buộc thôi việc, sa thải.
Ai cũng biết, Luật Nhà giáo mà Bộ GD-ĐT đang tích cực xây dựng, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc để khẳng định vị thế của ngành, nâng cao vai trò, vị trí quan trọng của nhà giáo cả nước, phát triển đội ngũ nhà giáo; đồng thời, tạo cơ sở pháp luật chặt chẽ và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giáo viên. Trong lộ trình phát triển đó, GCNNN nhà giáo góp phần nâng cao chất lượng và chuẩn hóa năng lực nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên nước nhà. Dự kiến, GCNNN nhà giáo sẽ do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của địa phương, nhà trường (sở, phòng giáo dục, trường ĐH…) cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp. Người được cấp giấy chứng nhận gồm người hoàn thành tập sự và đạt chuẩn nghề nghiệp; người đang là nhà giáo; nhà giáo đã nghỉ hưu; nhà giáo nước ngoài đáp ứng điều kiện và có nhu cầu.
Như vậy, việc cấp GCNNN cho nhà giáo là bước đi tất yếu, nhất thiết phải tiến hành vì nó mang tính cấp tiến, phù hợp với hiện thực giáo dục và chính sách đổi mới giáo dục mà đất nước ta đang triển khai. Nó tạo sự đồng bộ với nhiều ngành nghề khác trong xã hội liên quan đến con người, mà các ngành nghề ấy hiện cũng đã có chứng nhận nghề nghiệp, giấy phép hành nghề. Giấy GCNNN với những tiêu chuẩn xét duyệt sẽ phản ánh toàn diện, bao quát được trình độ, khả năng, kỹ năng của nhà giáo, đồng thời nâng cao uy tín nghề nghiệp dạy học.
Về mặt kỹ thuật, để tiện dụng, có lẽ GCNNN nhà giáo cũng cần thiết kế theo dạng thẻ PET có gắn chip, lưu trữ, mã hóa dữ liệu thông tin cá nhân (được bảo mật) về quá trình đào tạo, trình độ năng lực chuyên môn, kỹ năng dạy học, các lớp bồi dưỡng đã trải qua, các loại chứng chỉ khác đã được cấp của bản thân nhà giáo, và giấy chứng nhận này có thể tích hợp vào ứng dụng VNeID. Vấn đề còn lại hiện nay là: giá trị GCNNN của giáo viên, sự cần thiết, ý nghĩa, mục đích, lộ trình của việc cấp GCNNN cho nhà giáo cần được Bộ GD-ĐT cùng các cấp quản lý giáo dục thông tin, phổ biến rõ ràng, sâu rộng, nhanh chóng hơn nữa, đến mọi tầng lớp nhân dân; trong đó, đặc biệt người trong cuộc là đội ngũ nhà giáo cần phải được cung cấp thông tin chuẩn xác, cặn kẽ để thông hiểu, nắm rõ. Tránh tình trạng giáo viên tiếp cận các luồng dư luận không chính thống, từ đó tiếp nhận các thông tin mơ hồ, phiến diện, dẫn đến sự ngộ nhận và những định kiến trái chiều thiếu căn cứ về GCNNN của nhà giáo.
Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)