Đó là một trong những nội dung của Dự thảo về “Quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài” mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.
Dự thảo nêu rõ sau khi tốt nghiệp, lưu học sinh được ở lại nước sở tại làm cộng tác viên khoa học hoặc hợp đồng sản xuất, thời gian ở lại không quá 3 năm kể từ khi tốt nghiệp.
Lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài
Theo dự thảo lưu học sinh được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, được bảo vệ quyền lợi chính đáng trong thời gian học tập ở nước ngoài, được hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định hiện hành và được Nhà nước Việt Nam giúp đỡ, tạo điều kiện trong việc tuyển dụng hoặc giới thiệu tuyển dụng sau khi tốt nghiệp về nước.
Lưu HS được quyền học chuyển tiếp lên trình độ cao hơn theo diện cấp học bổng sau khi tốt nghiệp khóa học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Với người đi thực tập khoa học, thực tập sinh được học tập chương trình sau đại học theo quy định của nước sở tại, khi về nước, được Bộ GD&ĐT xem xét, công nhận văn bằng theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Lưu học sinh cũng được nhận học bổng, phần thưởng về thành tích học tập, nghiên cứu khoa học, phụ cấp ngành nghề và các chế độ bảo hiểm từ phía cơ sở đào tạo, các tổ chức cấp học bổng theo quy định của các hiệp định, thoả thuận hợp tác, phù hợp với quy định của nước sở tại và của Việt Nam…
Dự thảo cũng nêu rõ quy định nghĩa vụ của lưu học sinh, trong đó có việc không được thành lập hoặc tham gia hoạt động của các hội hoặc tổ chức chính trị, các hoạt động khác làm phương hại đến lợi ích của Việt Nam và nước sở tại…
Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày hết thời gian học tập ghi trong quyết định, lưu học sinh có quyền đề nghị Bộ GD&ĐT hoặc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của lưu học sinh trong thời gian học tập ở nước ngoài như truy lĩnh tiền vé máy bay, sinh hoạt phí hoặc những vấn đề liên quan khác (nếu có).
Sau khi về nước, lưu học sinh được cấp học bổng phải chấp hành sự điều động làm việc có thời hạn của Nhà nước theo quy định hiện hành. Nếu không chấp hành sự điều động sẽ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định.
Lưu học sinh chưa tốt nghiệp về nước thuộc diện phải bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định hiện hành, sau khi hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí cho Nhà nước, sẽ được giới thiệu về cơ quan cử đi đào tạo, về địa phương hoặc đi học tiếp ở trong nước hoặc nước ngoài.
Ngoài ra, lưu học sinh chưa tốt nghiệp về nước sau khi đã hoàn thành được tối thiểu 1/3 khoá học tại cơ sở đào tạo ở nước ngoài vì lý do sức khoẻ và những lý do chính đáng khác, có xác nhận của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nếu có nhu cầu sẽ được các cơ sở giáo dục xem xét và tiếp nhận học tiếp.
Trường hợp lưu học sinh được cấp học bổng tự ý kéo dài thời gian học tập, nghiên cứu, không được Bộ GD&ĐT cho phép phải tự giải quyết các khoản chi phí tài chính phát sinh do kéo dài thời hạn học tập, nghiên cứu và chịu hình thức xử lý vi phạm theo quy định hiện hành. Lưu học sinh không hoàn thành nhiệm vụ học tập ở mức đình chỉ học tập cho về nước, phải thực hiện chế độ bồi hoàn theo quy định hiện hành.
Hồng Hạnh/Dan tri
Bình luận (0)