Gấc là loại quả đã được dùng từ lâu ở nước ta để chế biến thức ăn. Ngoài ra, dân gian còn dùng gấc làm thuốc chữa bệnh.
Dầu gấc được lấy từ màng bao hạt gấc (tức lớp cơm bao quanh hạt chứ không phải hạt), chứa nhiều bêta-caroten (tiền vitamin A) được một số công ty dược phẩm trong nước chế biến dùng làm thuốc. Riêng hạt gấc khi dùng làm thuốc, do có độc tính nên chủ yếu dùng ngoài như giã nhân hạt gấc hòa với rượu bôi lên chỗ sưng viêm, hoặc hòa với giấm thanh đắp vào hậu môn chữa trĩ…
Hạt gấc
Tuy chủ yếu dùng ngoài nhưng vẫn có trường hợp dùng nhân hạt gấc làm thuốc uống và được ghi nhận trong một số tài liệu: “Hạt gấc có thể dùng uống, mỗi ngày uống một nhân nướng chín”. Song khi dùng hạt gấc làm thuốc dùng trong (tức dùng uống), nhất thiết phải đánh giá độ an toàn của dược chất được chiết từ dược thảo này.
Một đề tài nghiên cứu về chế phẩm cao hạt gấc – trong đó có phần thử độc tính cấp – đã được thực hiện tại khoa dược Đại học Y dược TP.HCM và xin trích đăng kết quả thực nghiệm được ghi nhận.
Trong đề tài, hạt gấc sau khi chế biến bằng cách sao vàng trên chảo và hạ thổ, nghiền nhân hạt thành bột. Từ bột hạt gấc, hoạt chất được chiết với dung môi là cồn 70 độ để tạo cao lỏng hạt gấc. Cao lỏng được pha chế và cho 96 con chuột nhắt trắng uống với liều hoạt chất tăng dần để xác định độc tính cấp LD50 bằng phương pháp Behrens và Karber.
Xác định độc tính cấp LD50 có nghĩa xác định liều dùng của hạt gấc là bao nhiêu khi cho chuột uống sẽ làm 50% số chuột uống bị chết. Kết quả cho thấy dùng dưới liều 20g/kg không làm chuột chết, nhưng dùng trên 180g/kg tất cả chuột đều chết, và LD50 được tính bằng phương pháp Behrens và Karber là 92,27g bột hạt gấc/kg. Như vậy, nhân hạt gấc có độc tính chứ không vô hại, không phải muốn dùng bao nhiêu cũng được.
Trong thời gian chờ đợi thêm những kết quả nghiên cứu khoa học khác, người dân cần tránh sử dụng nhân hạt gấc làm thuốc dùng trong một cách bừa bãi vì có thể bị ngộ độc.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)