Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sách ngôn tình, nỗi lo không của riêng ai!: Giúp học sinh chọn sách

Tạp Chí Giáo Dục

Nghe trống, tôi xách cặp lên lớp. Vừa bước vào lớp tôi đã nghe:  “Cô ơi! Bạn K. cứ nhìn chằm chằm em, còn bỏ tay lên đùi em nữa! Bạn ấy sỗ sàng lắm cô!”.

Tôi nghe giọng lơi lới ẻo ẻo nhưng vẫn biết là một đứa con trai hạch tội một đứa con trai, có điều không đoán được em nào, giọng các em hôm nay lạ quá. Tôi đưa mắt nhìn xuống lớp, hướng về phía phát ra âm thanh nheo nhéo và nhão nhoẹt ấy thì nghe “Bạn K. là pê đê đó cô!”. Bạn vừa dứt câu, K. nói to: “Ai nói pê đê, tao mạnh lắm đó nha!”. Tôi đứng trân trên bục giảng trong giây lát, tiếc là không thể bụm miệng em được. Tôi nghiêm mặt, phát tín hiệu không cho các em đùa giỡn nữa. Tiết học bắt đầu.

Tôi kiểm tra bài cũ, gọi K. lên bảng. Ôi trời, nghe gọi tên K., cả lớp cười khúc khích. Nhìn cái bộ dạng em bước lên bảng kìa, õng a õng ẹo cứ y như một cô thiếu nữ, đôi mắt chớp chớp nữa chớ, chỉ thiếu đôi má không hồng hồng mà thôi. Tôi đặt câu hỏi, em yểu điệu khoanh tay, nghiêng người nhìn vào tôi: “Em xin lỗi cô, đêm hôm em đau bụng nên không học bài được ạ!”. Giọng K. nhão nhè, nhìn cái nhún người điệu đà của em, cả lớp cười ồ, có em bên dưới rướn người lên nói to, cũng cố chế cho giống giọng con gái: “Cho nó ăn trứng ngỗng đi cô. Nó láo đó, đêm hôm nó thức đọc truyện 18 cộng!”. Một em học sinh giọng lơ lớ đã mệt rồi, giờ lại thêm một em nữa. Tôi nghiêm mặt lại, nhìn một lượt xuống lớp và nói: “Chuyện giới tính, chuyện những người ở “thế giới thứ ba” thường rất nhạy cảm nên trên lớp, có lẽ vấn đề này chưa được nói công khai. Nhưng hôm nay, cô sẽ dành một ít phút để nói về vấn đề này. Các em biết không? Thực tình, con người ta sinh ra đã không có quyền chọn cho mình giới tính. Và theo cô nghĩ, dù là giới tính nào thì đó cũng đều là con người nên họ cần được tôn trọng”.

Học sinh tìm hiểu nội dung sách trước khi mua.  Ảnh: Yên Hà

Tôi cũng có đứa cháu đang học lớp 11 nên ngôn ngữ xì-tin của các em tôi kịp hiểu. Tôi nói các em nghe những tác hại của việc chọn không đúng sách. Đầu tiên tôi có lời khen khi các em chịu đọc sách trong thời đại mà văn hóa nghe nhìn đang lấn lướt. Nhưng điều quan trọng là mình nên đọc gì và đọc như thế nào. Những quyển sách kích dục không có giá trị gì ngoài việc làm người đọc mụ mị đầu óc, mất thời gian, tốn tiền, tốn sức và nguy hiểm nhất là nguy cơ tinh thần bị đầu độc. Tôi cũng định hướng các em tiêu chí chọn sách cho mình để hỗ trợ cho việc học, việc mở mang tri kiến.

Sau buổi học hôm ấy, tôi xin nhà trường phát động những cuộc thi viết cấp trường với những chủ đề cho trước. Giải thưởng cho những bài viết hay là đọc trong tiết sinh hoạt dưới cờ và tác giả được tặng sách. Đó có thể là những tờ báo tuổi teen hoặc sách Hạt giống tâm hồn, Một vạn câu hỏi… Tôi mong rằng những việc làm như thế sẽ giúp các em trong việc chọn sách.

Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên)

Cha mẹ hỗ trợ con chọn sách

Ngay từ khi con gái còn nhỏ, tôi đã rất chú trọng đến việc đọc sách của con. Cụ thể như việc con đọc sách gì, nội dung ra sao, của nhà xuất bản nào… Bởi tôi biết, những thông tin trên sẽ giúp tôi hiểu được con mình đang ở trong giai đoạn nào và con mong muốn điều gì trong cuộc sống. Tuy nhiên tôi không hề ép buộc con phải đọc những sách tôi thích hay để cho con đọc bất cứ thứ sách gì con muốn. Giữa chúng tôi có sự thỏa thuận – chúng tôi sẽ giới thiệu cho nhau loại sách mà mình sẽ, đang đọc để tự lựa chọn.

Khi sách ngôn tình dần dần tràn vào thị trường sách Việt Nam, tôi có tìm đọc và cũng khá lo lắng cho con gái. Bởi cháu đang ở độ tuổi dậy thì, tâm lý dễ bị tác động nên nếu lựa chọn không khéo trong việc đọc sách, cháu sẽ bị cuốn vào những thế giới không có thực xuất hiện nhan nhản trong sách ngôn tình. Chính vì vậy, tôi quyết định vào cuộc bằng cách tìm hiểu nội dung tất cả những cuốn sách mà con mua hoặc mượn để đọc. Dĩ nhiên, tôi làm việc này một cách bí mật. Sau một thời gian, tôi nhận thấy không phải tất cả các sách ngôn tình đều xấu, có những cuốn còn mang ý nghĩa giáo dục cách sống giữa người với người.

Thay vì cấm đoán con, tôi đang cố gắng cùng con tìm những cuốn sách hay, đáng đọc. Chỉ khi làm vậy thì tôi mới có thể hỗ trợ con mình không bị ảnh hưởng xấu giữa thế giới tiểu thuyết ngôn tình tràn lan như hiện nay.

Hứa Ngọc Lan (Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP.HCM)

 

Bình luận (0)