Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Săn” bọ gây mục ruỗng cơ thể ở VN

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam có loài bọ chét Xenopsylla cheopis ký sinh chủ yếu trên chuột, đẻ trứng trên cơ thể chuột sau đó trứng rơi xuống đất, cát. Loài này phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung – nơi khí hậu ấm quanh năm.
Đầu gối của một nạn nhân.
Gần đây, một căn bệnh lạ, có những biểu hiện và triệu chứng phát bệnh được miêu tả như trong phim kinh dị đang hoành hành ở Uganda, đã khiến ít nhất 20 người chết và hơn 20.000 người khác trong tình trạng bệnh tật chỉ trong vòng 2 tháng.
Loài bọ Jigger, một loại côn trùng nhỏ trông giống bọ chét chính là thủ phạm chính của đại dịch khiến cho cơ thể người bệnh bị mục rữa. Bọ này thường chui vào trong cơ thể qua bàn chân.
Một khi đã ở trong cơ thể, chúng sẽ hút máu nạn nhân, lớn lên và sinh sản thành hàng trăm nghìn con. Khi đó những phần cơ thể người như môi, mắt, mông,…đều bị mục ruỗng.
Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Châu, khoa Côn trùng – Viện Sốt rét ký sinh trùng TƯ, ông cho hay, đây là loài bọ chét Tunga penetrans (Linneus, 1758) thuộc họ Hectopsyllidae, bộ Siphonaptera, lớp côn trùng (Insecta), ngành chân đốt (Arthropoda), chúng ký sinh nội bào, tức bám chặt vào da bàn chân vật chủ (động vật máu nóng và người), đục thủng da, đầu chui sâu vào trong da hút máu, làm da sưng dày lên và xơ cứng, nứt nẻ, mất cảm giác, gây bệnh lở loét.
Loài này chỉ phân bố ở các nước như Mexico, Jamaica, Brazil… và một số nước vùng Tây Phi chứ ở Việt Nam thì không có.
Loài bọ chét này cả con đực và con cái đều hút máu. Con cái trong khi hút máu, trứng đồng thời phát triển, sau vài tuần hút no máu cùng vài chục trứng trong bụng, cơ thể nó phình rộng ra gần như hình cầu.
Sau đó chúng đẻ trứng, trứng rơi xuống đất sau 3 – 4 ngày thì nở ra con trưởng thành. Bọ chét mẹ đẻ hết trứng sẽ chết và bị bong ra cùng với da vật chủ.
Ở Việt Nam chưa thấy xuất hiện loài bọ chét này. Nhưng đúng là ở Việt Nam có loài bọ chét Xenopsylla cheopis ký sinh chủ yếu trên chuột, đẻ trứng trên cơ thể chuột sau đó trứng rơi xuống đất, cát.
Loài này phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung khí hậu ấm quanh năm. Bọ chét mới nở ra sống trên cát, đi tìm kiếm vật chủ, do vậy người dân thường gọi là bọ chét cát (sand flea) nhưng không gây bệnh như loài bọ chét ở châu Phi.
Loài Xenopsylla cheopis truyền bệnh dịch hạch chủ yếu ở Việt Nam từ năm 1990 trở về trước, nhưng hiện nay bệnh không còn trên người nữa. Loài bọ chét này đốt chủ yếu gây nổi mẩn nhẹ và ngứa ngáy một vài giờ
Côn trùng thường phân bố theo vùng địa lý rất chặt chẽ. Nên nếu có xâm nhập vào thì cũng không thể sống được ở vùng khí hậu này. Ngoài ra, chúng phải mất một quá trình rất lâu, khoảng hàng trăm, hàng nghìn năm mới thích nghi và tồn tại được tại một vùng mới. Vì thế, người dân nên bình tĩnh để biết lựa chọn thông tin đúng, không hoang mang.
Theo Bee.net.vn

Bình luận (0)