Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những kẻ gây rối sức khỏe

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc sống hiện nay có quá nhiều yếu tố gây nguy hại cho cơ thể, như: thực phẩm không tốt, áp lực công việc, thói quen ăn uống và không có thời gian cho thể dục thể thao… Dưới đây là một số nguy cơ cần tránh.

1. Rối loạn mỡ máu: Tăng hàm lượng các chất mỡ trong máu (cholesterol và triglyceride), rất thường gặp. Nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu cao là yếu tố dự báo hàng đầu về nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ. Nồng độ cholesterol toàn phần trong máu dưới 5,2mmol/dl được coi là bình thường. Cholesterol tăng cao dẫn tới nguy cơ đột quỵ tăng cao theo tuyến tính.

Cholesterol toàn phần bao gồm nhiều dạng cholesterol, trong đó được nghiên cứu nhiều nhất là cholesterol trọng lượng phân tử cao (HDL-C) và cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL-C). Nồng độ LDL-C trên 3,0mmol/dl là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Ngược lại, HDL-C được xem là có vai trò bảo vệ cơ thể bạn. Hàm lượng HDL-C trong máu càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng thấp (tối thiểu cũng phải cao hơn 1,0mmol/dl).

2. Hút thuốc lá: 30 – 40% trong số khoảng 500.000 trường hợp chết vì bệnh mạch vành hằng năm có nguyên nhân từ thuốc lá. Các kết quả từ nghiên cứu Framingham đã chứng minh, nguy cơ đột tử cao hơn 10 lần ở nam và 5 lần ở nữ giới có hút thuốc. Thuốc lá là yếu tố nguy cơ số 1 đối với đột tử và bệnh mạch ngoại vi. Nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm ngay sau khi từ bỏ thuốc lá.
3. Béo phì: Trong một nghiên cứu gần đây trên 100.000 phụ nữ tuổi từ 30 – 55, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 3 lần ở nhóm béo nhất so với nhóm có cân nặng thấp nhất. Có hai dạng béo phì, ở dạng thứ nhất, mỡ thừa thường tập trung tại vùng bụng và thường gặp ở nam giới (gọi là “bụng bia” hay người hình quả táo); còn dạng thứ hai, mỡ tích lũy nhiều ở vùng mông và đùi, thường gặp ở phụ nữ (người hình quả lê).
Dạng béo bụng có liên quan với sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành và đột quỵ. Các nhà khoa học khuyến cáo, với nam giới, tốt nhất không nên để vòng bụng vượt quá 90cm; còn nữ giới hãy cố gắng duy trì vòng bụng dưới 80cm.
4. Đái tháo đường và kháng insulin: Tỷ lệ mới mắc bệnh mạch vành và đột quỵ ở những người có bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường xuất hiện sau 40 tuổi (tiểu đường týp II), cao hơn người bình thường. Bệnh cảnh kháng insulin trong máu có thể gây tăng huyết áp và tăng lắng đọng cholesterol vào mảng vữa xơ động mạch. Hậu quả là quá trình xơ vữa diễn ra nhanh hơn, theo sau là các biến chứng của nó.
5. Lười vận động hay không tập thể dục: sẽ dẫn đến các nguy cơ tim mạch, thoái hóa cột sống, sạn thận… Nguy cơ bệnh tim mạch sẽ giảm rõ rệt nếu hằng ngày cố gắng vận động ít nhất 45 phút.
6. Rượu: Nếu uống không quá 1 – 2 ly rượu vang, hoặc 1 chai bia mỗi ngày, thì có thể giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. Uống quá nhiều rượu (nhiều hơn 60ml rượu vang, 300ml bia, hoặc 30ml rượu nặng) mỗi ngày sẽ làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ tổn thương gan và biến chứng thần kinh trung ương cũng như rất nhiều rối loạn khác.
7. Độc tố aflatoxin của nấm mốc (AF): Aflatoxin B1, là sản phẩm của nấm Aspergillus và A.parasiyicus (ở gạo, đậu phộng, ngũ cốc bảo quản kém, bị ẩm, sinh nấm mốc), từ lâu đã được chứng minh là có thể gây ung thư gan thực nghiệm. Đó là một chất gây ung thư tương tác với vi-rút viêm gan B. Con người có thể bị nhiễm AF do ăn phải ngũ cốc bị nhiễm aflatoxin, hoặc thịt động vật được nuôi bằng ngũ cốc nhiễm AF.
8. Những người có nguy cơ bị loãng xương và cần đo mật độ xương định kỳ gồm: Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh; mãn kinh sớm (nguyên nhân tự nhiên hay do cắt buồng trứng); uống nhiều Corticoides (điều trị hen suyễn, thấp khớp…); ăn uống thực phẩm chứa ít calcium; uống nhiều rượu, hút thuốc lá; ít vận động.
9. Nguy cơ ung thư cổ tử cung: Yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung gồm: Giao hợp sớm (trước 17 tuổi); quan hệ tình dục với nhiều người; sinh đẻ nhiều lần; viêm nhiễm bộ phận sinh dục do virus Herpès simplex II, HPV; các bệnh lây lan qua đường tình dục khác; suy giảm miễn nhiễm, yếu tố nội tiết; nghiện thuốc lá, ăn uống thực phẩm thiếu sinh tố A, acide folique…
10. Yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư vú: Đã bị ung thư một bên vú (nguy cơ tăng gấp 5 – 6 lần); trong gia đình có người bị ung thư vú, nhất là mẹ, chị, em gái (nguy cơ tăng gấp 3 – 5 lần); có tổn thương lành tính ở tuyến vú (nguy cơ tăng gấp 3 – 5 lần); không sinh đẻ, hoặc sinh lần đầu tiên ở tuổi trên 30 (nguy cơ tăng gấp 3 lần); không cho con bú (nguy cơ tăng gấp 2 lần); đời sống kinh tế, xã hội cao (nguy cơ tăng gấp 2 lần); thường xuyên bị stress (nguy cơ tăng gấp 2 lần); béo phì (nguy cơ tăng gấp 2 lần); có kinh lần đầu sớm và mãn kinh muộn (nguy cơ tăng gấp 1,5 lần); chu kỳ không rụng trứng.
11. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng: Ăn ít chất xơ, rau quả, ăn nhiều thịt, chất béo; không vận động, ngồi suốt ngày; bướu ruột (polype); viêm đường ruột như bệnh Crohn’s, viêm đại tràng có loét…; ung thư vú, ung thư tử cung; cha mẹ, anh chị em ruột bị ung thư đại tràng.

12. Yếu tố nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến: Lớn tuổi (tuổi càng cao càng dễ bị ung thư tiền liệt tuyến); có ông, cha, anh, em trai ruột bị ung thư tiền liệt tuyến; tiếp xúc nhiều với các chất phóng xạ; ăn nhiều thịt, mỡ động vật; chỉ số BMI cao, đã thắt ống dẫn tinh từ 20 năm trở lên, thiếu sinh tố D, phì đại tiền liệt tuyến, hoạt động tình dục nhiều.

Theo DNSG

Bình luận (0)