Nếu cứ stress, bạn lại tìm đến thuốc lá, thì khi không có thuốc lá, stress sẽ lại đến tìm bạn.
Khi bị rơi vào trạng thái stress, bạn sẽ cảm thấy căng thẳng, tim đập nhanh hơn, những cơn đau đầu xuất hiện. Càng suy nghĩ về nguyên nhân gây stress cho mình, tình hình của bạn càng trở nên tồi tệ. Và khi nỗi lo ấy cứ lớn dần, bạn sẽ muốn tìm cách thoát khỏi nó. Đó chính là lúc bạn tìm đến thuốc lá.
Nếu cứ stress, bạn lại tìm đến thuốc lá, thì khi không có thuốc lá, stress sẽ lại đến tìm bạn.
Stress có thể đến với bạn bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình đang phải chịu những áp lực tinh thần. Tại công sở, có hàng tá nguyên nhân có thể khiến bạn bị stress.
Ví dụ: bạn đang bận bịu với bản báo cáo phải nộp vào sáng mai, nhưng cô bạn kế bên cứ thao thao bất tuyệt về chiếc túi xách mới sắm; mới bắt đầu buổi làm việc mà sếp đã đặt ra cả núi công việc cần hoàn thành.
Dần dần, bạn khó có thể tập trung làm việc vì những “ức chế” về thời gian và công việc cứ luẩn quẩn trong đầu. Bạn rơi vào trạng thái stress, và khi đó, cách nhanh nhất bạn nghĩ đến là điếu thuốc lá.
Chỉ cần vài giây sau khi rít một hơi thuốc vào phổi, bạn sẽ cảm nhận được sự kích thích của chất nicotine có trong thuốc lá, nó đem đến cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Sau một lúc, bạn hoàn toàn cảm thấy bình tĩnh, bớt lo âu và tự tin hơn để quay trở lại với công việc.
Đó gần như là nguyên nhân dẫn đến con số 43,4% nhân viên hút thuốc tại phòng làm việc, ngay cả khi có biển báo cấm hút thuốc (theo số liệu của Hội Y tế công cộng Việt Nam, tháng10/2009).
Nhưng có vẻ như bạn đã bị nhầm khi giải cứu bản thân khỏi stress nhờ điếu thuốc lá. Đó là giải pháp nhanh nhất và cũng là giải pháp gây hại nhiều nhất.
Sau một điếu thuốc, bạn có thể cảm thấy đầu óc thông suốt, minh mẫn trở lại nhưng cảm giác đó không kéo dài. Stress sẽ sớm quay trở lại với bạn và mở đường cho điếu thuốc thứ hai, thứ ba,… Khói thuốc chỉ giúp bạn trốn tránh vấn đề bạn đang gặp phải trong một khoảng thời gian ngắn chứ không giúp bạn giải quyết nó. Nếu cứ stress, bạn lại tìm đến thuốc lá, thì khi không có thuốc lá, stress sẽ lại đến tìm bạn.
Công việc có thể gây stress cho bạn nhưng stress không gây hại đến sức khỏe và tinh thần của bạn như thuốc lá. Không chỉ có thế, khi bạn hút thuốc để xả stress tại nơi làm việc, những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng không ít khi hít phải khói thuốc lá.
Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Cambrigde (Anh), nếu một người hít phải khói thuốc của đồng nghiệp cùng phòng thì ngày hôm đó anh ta đã hút 5 điếu thuốc!
Hút thuốc lá có thể khiến người ta cảm thấy như mình đã thoát khỏi stress và hoàn toàn có thể quay trở lại làm việc. Nhưng trên thực tế, càng hút nhiều, cơ thể bị kích thích sẽ tiết ra các chất nội tiết tố liên tục cho đến khi các chất này cạn kiệt. Đến lúc đó, thay vì có cảm giác sảng khoái, bạn lại thấy mệt mỏi hơn, khó tập trung tư tưởng, trở nên cáu gắt và tinh thần bị suy sụp nhanh chóng.
Tuy nhiên, những người hút thuốc lại không nhận ra nguy cơ này, nên nếu một điếu thuốc không đủ thỏa mãn họ thì họ sẽ tăng liều lên cho đến khi đạt được cảm giác sảng khoái. Vô hình chung, những người hút thuốc đã “dọn đường” cho bệnh tật xâm chiếm cơ thể.
Bạn hoàn toàn có thể giảm stress ở công sở cho bản thân mà không cần viện đến điếu thuốc lá độc hại đó. Khi bạn bị giao một núi công việc, hãy sắp xếp lại công việc một cách khoa học, việc quan trọng làm trước và không nên giải quyết những vấn đề quan trọng vào giờ mà bạn hay buồn ngủ.
Nếu cảm thấy bị stress khi đang làm việc, hãy dừng lại một chút và làm một số việc khác để thư giãn, âm nhạc là một gợi ý tuyệt vời cho những lúc như thế này, ngay cả một động tác hít thở sâu cũng sẽ giúp bạn lấy lại cân bằng. Nói chuyện với người khác cũng là một cách hữu hiệu để giảm stress, bạn nhấc máy lên và gọi điện cho con gái, chắc hẳn chỉ nghe giọng cô bé cũng đủ khiến bạn mỉm cười.
Bạn nên nhớ, thuốc lá và stress có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau nhưng không phải là giải pháp cho nhau. Hãy đưa ra lựa chọn khôn ngoan để bảo vệ sức khỏe cho mình cũng như những người xung quanh.
Kim Anh / Gia Đình
Bình luận (0)