Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

8X, 9X và “cạm bẫy” thuốc lá

Tạp Chí Giáo Dục

Lý do đầu tiên khiến giới trẻ hút thuốc lá chính là sự đua đòi, bắt chước.
Trong gia đình, ông bà, cha mẹ, anh chị… hút thuốc, nêu gương xấu cho trẻ nhỏ, tác động tiêu cực vào nhận thức. Người lớn hút thuốc trước mặt trẻ em, đẩy trẻ em vào môi trường thuốc lá độc hại ngay từ khi còn bé.
Trong quan hệ bạn bè, lớp trẻ đến với thuốc lá cũng mang tính chất đua đòi lẫn nhau. Không còn quá lạ với cảnh những thanh thiếu niên phì phèo điếu thuốc ở các vũ trường, quán bar, ở các địa điểm công cộng, và xuất hiện không ít ở các trường học.
Các nam thanh và thậm chí cả các nữ tú có thể công khai hút thuốc ở các hành lang hay lén lút ở khu WC… Dù tồn tại ở hình thức nào thì mức độ rủ rê, lôi kéo nhau là rất lớn! Một người hút, rồi rủ thêm một người, rồi người này lôi kéo người kia. Một nhóm hút rồi tạo “ tầm ảnh hưởng” tới những những nhóm khác…
Bên cạnh đó còn là những lời thách đố của bạn bè nếu bạn không hút thuốc. Họ sẽ nói bạn không có bản lĩnh, không có khí chất nam nhi, càng không phải là X-Men chính hiệu… “Mưa dầm thấm lâu”, cộng với bản tính muốn và thích khẳng định bản thân của tuổi mới lớn, con đường đến với thuốc lá của giới trẻ chỉ trong gang tấc. Với một số trường hợp, dường như điếu thuốc trở thành biểu tượng của khí chất và sức mạnh nam nhi thời hiện đại, mà không phải là trí tuệ hay sự cần mẫn, biết học hỏi và vươn lên…
Có nhiều bạn trẻ tâm sự rằng: “Thời kì phải gấp rút hoàn thành đồ án tốt nghiệp, mình đốt thuốc liên miên, không ngừng nghỉ. Lí do các bạn ấy đưa ra là thức ngày thức đêm không dám nghỉ ngơi, phải làm việc với cường độ cao và sự tập trung. Thuốc lá là hiệu quả nhất!” Họ cũng biết hút thuốc lá là đốt phổi nhưng không thể có sự lựa chọn thứ hai.
Một bạn khác chia sẻ, 1 lần mình “đốt” tới 6-7 cây thuốc, tới lúc xong xuôi công việc, nhìn lại mình thấy hoảng hồn. Đầu tóc bù xù, mặt mũi lấm lem, người khét lẹt mùi thuốc lá. Ấy là chưa kể tới những trường hợp bị gục ngay sau thời kì  hút thuốc và thức trắng đêm, máu mũi chảy dài. Lí do: trong người chứa quá nhiều chất kích thích!”
Còn vô vàn các lý do khác nhau như khi đang hút mà bỏ thì ngay lập tức rơi vào tình trạng tăng cân vì thế lại phải… hút thuốc trở lại… Tuy nhiên, những lý do kiểu này chỉ là “ngụy biện” vì đây chỉ là thay đổi tạm thời sau khi bỏ thuốc. Bạn sẽ trở lại trạng thái bình thường nếu có chế độ ăn uống hợp lí và tập luyện đều đặn. Hãy đi bộ vào buổi sáng và chọn một môn thể thao ưa thích để tập luyện, bạn sẽ quên thuốc lá và không tăng cân.
Sức khỏe là của bạn, tương lai và sự sống nằm trong tầm tay của bạn, biết lựa chọn điều gì và bỏ qua điều gì, đó là quyền của mỗi người, nhưng cũng là hạnh phúc của những người xung quanh.
Hãy sáng suốt và tỉnh táo khi đem cuộc đời mình phó thác cho từng điếu thuốc lá, vì thực sự chúng chẳng đem lại lợi ích gì. Nhìn lại đi, và bạn sẽ hiểu những điều tôi nói…
Những sự thật giật mình
Trong số hơn 6 tỉ người trên thế giới hiện nay, ước tính có 1,3 tỉ người lớn (>15tuổi) nghiện thuốc (theo Guindon & Boisclair, 2003). Nếu mức độ sử dụng thuốc lá vẫn tiếp tục tăng như hiện nay, con số người nghiện thuốc sẽ tăng lên 1,7 tỉ người trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2050.
Kết quả điều tra sức khỏe quốc gia năm 2002 do Bộ y tế tiến hành cho thấy ở Việt Nam, tỉ lệ hút thuốc ở nam giới là 56,1% và ở nữ giới là 1,8%. Đối với những người ở lứa tuổi từ 25 đến 34 thì tỉ lệ hút thuốc ở nam giới là 69,6% và nữ giới là 0,7%.
Mỗi năm trên thế giới có tới 5,4 triệu người chết vì các bệnh liên quan tới thuốc lá, con số này sẽ tăng lên 8,3 triệu vào 2030.
Khổng Thị Chiêm / Gia Đình

Bình luận (0)