Cô trò Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) trao đổi về chương trình dạy học môn tiếng Việt lớp 4 hiện hành. Ảnh: N.Trinh |
Sáng 23-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mời lãnh đạo và các chuyên gia, nhà khoa học của Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (LHHKHKT VN); các nhà toán học, Hội Sinh học, Hội Địa lý, Hội Sử học, Hội Vật lý, Hội Hóa học… để nghe góp ý kiến về đổi mới giáo dục và thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK).
Bộ cần thể hiện tinh thần cầu thị
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, các bước thực hiện Đề án đổi mới CT-SGK theo nghị quyết của Quốc hội đang được thực hiện khẩn trương. Mặc dù tới nay kinh phí cho đề án còn chưa được cấp nhưng để đảm bảo tiến độ, Bộ GD-ĐT đã chủ động các hoạt động chuẩn bị. Trên tinh thần chú trọng phát huy sự đóng góp của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý… và toàn xã hội ngay trong quá trình xây dựng CT mới nên bộ đã sớm đưa dự thảo CT tổng thể ra để xin ý kiến rộng rãi.
Việc ban hành CT tổng thể, CT từng môn học thuộc thẩm quyền của bộ nhưng bộ sẽ luôn trân trọng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và sẽ chỉ ban hành sau khi Thủ tướng đã ban hành cơ cấu hệ thống, khung trình độ quốc gia. Trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng CT tổng thể chưa có sự tham gia chính thức của các hội khoa học nhưng các hội sẽ tham gia trực tiếp khi xây dựng CT môn học và tiếp đó là biên soạn SGK.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đổi mới giáo dục là việc rất hệ trọng, nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia, và đông đảo người dân cũng như toàn xã hội. Vì vậy việc xây dựng CT, biên soạn SGK mới cần phải tuân thủ theo đúng quy trình trước, sau rất bài bản, có thứ tự ưu tiên và cần được tuyên truyền giải thích, chuẩn bị kỹ lưỡng… tránh tạo cảm giác theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Lê Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam Nguyễn Đại Hưng, GS. Phan Huy Lê bên cạnh việc đánh giá cao những bước chuẩn bị chủ động, tích cực của Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh bộ cần thể hiện dân chủ, cầu thị hơn nữa trong tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản biện từ các nhà khoa học, chuyên gia. Các chuyên gia hoàn toàn tôn trọng chuyên môn về khoa học giáo dục và vai trò quản lý Nhà nước của bộ nhưng cũng rất muốn có nhiều dịp được trực tiếp trao đổi, tranh luận qua lại để đi tới đồng thuận.
GS. Nguyễn Minh Thuyết góp ý: “Vấn đề chủ yếu là cách làm, bên cạnh đó việc lấy ý kiến phải có cơ chế chính thức làm việc chuyên môn với các hội khoa học. Chúng ta cần những chuyên gia thực sự sâu sát để ngồi bàn về nội dung của CT-SGK mới. Bên cạnh những nhà sư phạm cần có những nhà khoa học đầu ngành, có sự kết hợp giữa khoa học giáo dục và khoa học chuyên ngành”.
Chủ tịch LHHKHKT VN GS. Đặng Vũ Minh đánh giá cao quá trình chuẩn bị, triển khai bước đầu nghị quyết TW, nghị quyết Quốc hội, CT hành động, các nghị quyết của Chính phủ về đổi mới GD-ĐT trong thời gian qua và khẳng định LHHKHKT nhận thức rõ trách nhiệm và sẵn sàng tham gia góp ý, phản biện về các nội dung, vấn đề. Giáo sư cũng đề nghị bộ và liên hiệp hội cần có thêm nhiều hoạt động phối hợp hơn nữa trong thời gian tới.
Cần cải tiến cách lấy ý kiến
Giờ học môn lịch sử theo chương trình hiện hành của một trường THPT ở TP.HCM. Ảnh: D.B |
Nhiều vấn đề cụ thể được các chuyên gia nêu ra và được trao đổi, giải đáp. Đại diện Bộ GD-ĐT cũng đã cung cấp thêm nhiều thông tin khá chi tiết, làm rõ một số vấn đề trong quá trình xây dựng CT tổng thể. Ngay khái niệm “tích hợp mức độ thấp” cũng được các chuyên gia và đại diện Bộ GD-ĐT làm rõ thực chất là tổ hợp nếu dịch đúng theo ngôn ngữ tiếng nước ngoài (tiếng Anh là combination), phân biệt với “tích hợp” theo đúng nghĩa.
“Trước đây mỗi môn xây dựng CT riêng nên không tận dụng được kiến thức liên môn thì nay với việc xây dựng CT mới chúng ta sẽ tận dụng được ưu thế này. Trong quá trình giảng dạy tổ hợp thì từng môn vẫn do từng giáo viên giảng dạy, còn phần chuyên đề chung sẽ sử dụng kiến thức liên môn, được phân công cụ thể cho mỗi giáo viên”, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT cho biết.
Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến giải trình của Bộ GD-ĐT trước nhiều vấn đề mà các chuyên gia đặt ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cám ơn các nhà khoa học, chuyên gia đã luôn tâm huyết, trí tuệ tham gia đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải có cơ chế thực chất, hiệu quả để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo… tham gia đóng góp cho đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. “Cần cải tiến cách lấy ý kiến, trong đó quan trọng là huy động các hội khoa học, các chuyên gia tham gia nghiên cứu, góp ý, phản biện thông qua các cơ chế có tính gắn kết trách nhiệm với đảm bảo điều kiện thực hiện. Đặc biệt cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất giải pháp đúng đắn, có lợi nhất”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng “đặt hàng” liên hiệp hội góp ý, tham gia vào Dự thảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia và khung trình độ quốc gia mà bộ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành. Phó Thủ tướng sẽ trực tiếp nghe, tiếp thu, trao đổi ý kiến với liên hiệp hội và đề nghị bộ cũng tăng cường nghe, trực tiếp trao đổi ý kiến với các hội về các vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ.
Đối với Đề án đổi mới CT-SGK, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT bàn thống nhất với liên hiệp hội nội dung và các điều kiện đảm bảo cần thiết để liên hiệp hội, hội khoa học tham gia ngay từ quá trình xây dựng CT tổng thể bên cạnh việc huy động, mời các nhà khoa học tham gia với tư cách chuyên gia như bộ đã dự kiến.
Nghiêm Huê (ghi)
Bình luận (0)