Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh học đường: Dạy trẻ ứng phó với stress

Tạp Chí Giáo Dục

“Học tập căng thẳng, những sang chấn tâm lý do khủng hoảng gia đình, chơi game nhiều… đều có thể khiến các em bị stress. Để ứng phó, các em cần rèn luyện thể dục và ăn uống hợp lý”.

Bác sĩ Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa tâm lý, BV Nhi đồng 2, TP HCM khuyến cáo.

Tăng cường hoạt động ngoại khóa
Cũng theo BS Thanh Thủy, để đối phó với stress, cần giúp trẻ rèn luyện để có một cơ thể khỏe mạnh, đủ để làm chủ cảm xúc và vượt qua những căng thẳng. Trẻ thường không tự giác nên hàng ngày cần giám sát để trẻ được ngủ ngon giấc, ăn uống hợp lý, chơi thể thao vừa với sức lực, độ tuổi, thể trạng.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, ngoài tác động của yếu tố gia đình, hiện nhiều cha mẹ bắt con học quá nhiều, hết giờ học ở trường còn bắt các em học thêm khiến thời khóa biểu học tập không khoa học. Trẻ không có thời gian nghỉ ngơi nên căng thẳng, stress. Bởi vậy, cha mẹ cần cùng con nghiên cứu và tìm ra phương pháp để giảm áp lực bài vở. Nên thiết lập cho trẻ một góc học tập yên tĩnh và riêng tư, tránh nơi tiếng ồn và sắp xếp mọi thứ xung quanh ngăn nắp gọn gàng để tạo một không gian thoáng đãng cho trẻ. Ủng hộ và tạo hứng thú cho trẻ trong mọi hoạt động của trẻ. Cha mẹ cần cảm thông với trẻ bằng cách cố gắng trò chuyện và chia sẻ với trẻ về các mối quan hệ trong cuộc sống cũng như việc học hành của trẻ. 

Sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ sẽ giúp trẻ vượt qua
những căng thẳng. Ảnh: CH
Để trẻ biết cha mẹ tin tưởng và hài lòng với những gì chúng đã cố gắng hết mình, đôi khi cũng cần khen ngợi và tán dương trẻ để trẻ có động lực tiếp tục phấn đấu. Cha mẹ có thể kỳ vọng ở trẻ nhưng phải biết hài lòng với những cố gắng của chúng.
 Nên quy định cho trẻ thời gian biểu hàng ngày rõ ràng (giờ học, giờ ngủ, giờ chơi, giờ dành cho làm việc nhà và trò chuyện với mọi người… Hàng ngày nên giúp trẻ ngủ đúng giờ, ngủ đủ và ngon giấc. Cơ thể cần ngủ để tái tạo và hồi phục vì thế, tránh uống chất cồn, ăn nhiều vào buổi tối và ngủ trưa vừa phải (khoảng 1 giờ đồng hồ). Uống 1 ly sữa ấm trước khi ngủ sẽ giúp giấc ngủ đến dễ dàng hơn.
TS Tùng Lâm nhấn mạnh, bản thân trẻ cần tự biết kiểm soát chính mình. Khi cơ thể có những biểu hiện bất thường trẻ cần mạnh dạn nói với bố mẹ, thầy cô, không nên chịu đựng sẽ làm stress nặng hơn. Các em cũng cần tự rèn luyện tính tự giác trong học tập, tập luyện sức khỏe sẽ giúp các em kiểm soát được cảm xúc và vượt qua những căng thẳng trong cuộc sống. Tự giải tỏa stress bằng cách không tập trung vào một việc quá mức mà cần có thời gian thư giãn bằng thể dục giữa giờ, tự hít thở, yoga…
Giải tỏa stress bằng dinh dưỡng
TS.BS Nguyễn Thanh Danh – Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM khuyên rằng, học sinh nên ăn nhiều thực phẩm "lành mạnh", ăn đủ protein, nhất là protein động vật và các loại tinh bột của khoai, ngũ cốc. Tăng cường rau quả tươi có nhiều vitamin, khoáng chất. Thực phẩm làm giảm stress, chống mệt mỏi có trong sữa, trứng, thịt, cá, hào, sò, ốc, thịt bò, gan, đậu phộng, cá thu, mè, đậu hạt, đậu Hà Lan, rau, trái cây tươi. Thực phẩm chống trầm cảm, phục hồi màng tế bàp não như cá hồi, cá ngừ, cá basa, sữa.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu stress, không nên cho trẻ ăn các loại snack và thức ăn nhanh, lòng đỏ trứng, bơ, fromages, thịt, dầu dừa, hạt điều và các loại hạt tương tự. Không nên uống các nước có chứa sôcôla, soda, các loại nước ngọt có ga, đường, rượu, bia, trà, cà phê, cacao. Hạn chế tối đa việc cho trẻ sử dụng quá nhiều thịt chế biến sẵn, chất cà phê và đường.
Nên ăn nhiều loại ngũ cốc (gạo lứt, bắp, hạt kê) vì chất xơ trong ngũ cốc giúp chuyển hóa mỡ và điều tiết sự hấp thu chất đường – yếu tố quan trọng để điều hòa nội tiết, kiểm soát cảm xúc. Cho trẻ ăn nhiều loại đậu,  nhóm sinh tố B như B1, B3, B2, B6, B12… Tuổi học trò chớ nhịn ăn, bỏ bữa vì sẽ gây hạ đường huyết, trong khi glucose trong máu lại có tác dụng rất lớn đối với stress.
Một số hoa quả giúp xả stress như đu đủ chín (có vitamin C, magiê và kali ăn tươi hoặc dằm với đường, nước đá sẽ giảm mỏi mệt). Cam có nhiều vitamin C, rất mát và bổ dưỡng, ăn thường xuyên sẽ giúp chống lại stress. Rau xanh nên ăn nhiều, tốt nhất là luộc hay nấu canh, không nên ăn nhiều rau xào. Cần giảm lượng muối trong thức ăn vì ăn mặn lâu sẽ làm tăng huyết áp, không tốt cho tim, làm cơ thể mệt mỏi, không đủ sức chống chọi với stress.
Khi mệt mỏi nên uống liền một lúc 2 đến 3 cốc nước lọc sẽ giúp giảm nhiệt, đầu óc đỡ căng thẳng, mệt mỏi.
Nhận biết trẻ stress
Trẻ bị stress thường có biểu hiện bên ngoài thực thể là mệt mỏi và mất ngủ, đau mỏi các cơ, đau đầu, đau lưng, hay lo lắng, khả năng tập trung kém, mắc bệnh tiêu chảy, thiếu sự cảm thông với người khác, mất cảm hứng với mọi thứ. Trẻ cũng hay cáu giận, luôn thấy mệt mỏi cả tinh thần và thể xác, mất khả năng tự đánh giá mình. Hễ ngồi vào bàn học sẽ có triệu chứng đau đầu, bụng đau thắt, ra nhiều mồ hôi, hoa mắt. Chăm học nhưng mau quên, nặng hơn muốn tự tử, khóc cười vô cớ,  quậy phá…
(TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý  giáo dục Hà Nội)

Trà Giang – Hà My / Gia Đình

Bình luận (0)