Chiếc máy thái rau tự chế giúp anh nông dân Nguyễn Văn Tiền thu nhập mỗi năm 1,1 tỷ đồng. Còn chiếc máy ép bún bằng mắt quang học của anh Huỳnh Nguyễn Ngọc Thanh giúp bà con cả làng bún truyền thống số 8 ở Hoài Nhơn, Bình Định sống khỏe.
Thoát nghèo từ máy thái rau tự chế
Quê ở Trà Vinh, 10 năm trước anh Nguyễn Văn Tiền (36 tuổi) cùng vợ về quê vợ ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) lập nghiệp. Vợ chồng tay trắng, nghề thợ xây của anh không thể giúp thoát nghèo.
Vợ chồng quyết định chuyển sang chăn nuôi với vốn liếng là 2 con lợn nái và 20 con lợn thịt, 50 con vịt xiêm thả nuôi. Chăn nuôi số lượng ít, vốn ít, anh dùng thức ăn công nghiệp độn với rau, bèo. Mỗi ngày, hai vợ chồng mất hơn 3 giờ đồng hồ thái rau, trộn thức ăn…
Nhìn vợ mỗi ngày “oằn” lưng thái rau, lại thêm ý định phát triển đàn, anh Tiền nghĩ đến việc sử dụng máy. Tuy nhiên, lúc đó máy thái rau có giá thấp nhất 8 triệu đồng/máy. Không đủ tiền, anh mày mò, tận dụng lại những thiết bị có sẵn trong nhà như mô tơ máy bơm nước, thùng phuy cũ, tấm tôn…
Cuối cùng chiếc máy thái rau tự chế của anh Tiền cũng ra đời, gồm một chân máy gắn mô tơ cố định, 3 lưỡi cắt hàn hình cánh quạt, dùng để cắt và xay nhuyễn rau, tôn dùng làm thùng chứa rau… Máy có thể hoạt động với công suất của máy 150kg thành phẩm/giờ.
“Người dân làng nghề muốn giữ nghề truyền thống thường làm việc rất vất vả. Máy móc có thể hỗ trợ được phần công sức, công đoạn nào đó cũng như một cái lực để người làm nghề giữ nghề được bền bỉ hơn”.
Thợ cơ khí Huỳnh Nguyễn Ngọc Thanh (Bình Định) |
Có máy thái rau, anh tiếp tục nới rộng chuồng, tăng số lượng chăn nuôi. Nuôi 100 con heo thịt, 20 heo nái và 350 vịt xiêm bây giờ, vợ chồng anh chỉ mất 1 tiếng mỗi ngày để thái rau và trộn thức ăn. Chăn nuôi lớn, người ta dùng thức ăn công nghiệp, cứ 3 tháng xuất một lứa heo. Còn anh Tiền vẫn chọn cách nuôi truyền thống, thời gian lâu hơn nhưng vẫn có lãi mà không hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Máy thái rau tự chế của anh Tiền đã được cấp chứng nhận “Sáng tạo nhà nông” của tỉnh Bình Định năm 2014. Thấy máy phát huy hiệu quả, khách hàng khắp nơi tìm đến mua với giá 2,5 triệu đồng/ máy. Từ năm 2013 đến nay anh Tiền đã bán 40 máy cho khách hàng tại Bình Định, Gia Lai, Kon Tum. “Có máy móc sẵn rồi, công việc chăn nuôi hầu như để vợ cáng đáng, tôi chạy xe kiếm thêm thu nhập, có ai đặt hàng lại ngồi chế máy”, anh Tiền vui vẻ nói.
Máy ép bún giúp cả làng đỡ cực
Làng nghề làm bún truyền thống số 8 thôn Cửu Lợi Tây, xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), gần đây các hộ dân chuyển qua sử dụng máy ép bún số 8 bằng mắt quang. Ai cũng nói: Có máy khỏe ghê, đưa vỉ vào là cắt, kéo vỉ ra là ngưng.
Người sáng chế ra “công nghệ” mới cho dân làng là anh Huỳnh Nguyễn Ngọc Thanh (38 tuổi), thợ cơ khí tại thôn Cửu Lợi Tây. Trước, anh Thanh ở Sài Gòn theo nghề cơ khí rồi vê quê lập nghiệp nhận làm dây giáp (một loại dây kéo câu dùng cho tàu câu cá ngừ đại dương). Mấy năm nay, ngư dân dùng câu đèn nên công việc ít lại, anh có thời giản rảnh mày mò làm máy ép bún số 8. Anh kể, sản phẩm máy ép bún số 8 được anh mày mò từ nhiều năm trước, thành phẩm ban đầu chỉ bán được vài máy.
“Ban đầu, máy hoạt động bằng điều khiển, khi ép bún phải cần tới hai người vừa bấm máy cắt bún, vừa kéo vỉ. Hết một vỉ bún lại ngắt phắt công tắc. Tốn thời gian, bất tiện nên sản phẩm không tìm được đầu ra”, anh Thanh nói.
Thấy sản phẩm của mình hoạt động còn rườm rà, anh Thanh nghĩ đến chuyện cải tiến sản phẩm thực sự làm hài lòng bà con. Sau hàng tháng ròng mất ngủ, năm 2013, máy ép bún số 8 bằng mắt quang học ra đời, hoạt động bằng bơm thủy lực và được điều khiển bằng con mắt quang học.
Máy tự động điều chỉnh bơm thủy lực của cảm ứng vật cảm của mắt quang học, ép bún, vỉ bún rút ra mắt quang tự nhận biết điều chỉnh bơm thủy lực ngưng ép. Mắt quang học được lắp vào phía dưới máy, nơi vỉ phơi đi qua. Mắt quang học cảm ứng vật cản sẽ tiến hành ép bún, khi rút vỉ hoặc chưa cho vỉ mới vào bộ phận mắt quang học tự động nhận biết và ngắt bơm dầu qua ty thủy lực, máy sẽ ngừng ép bún, nhưng động cơ vẫn hoạt động trong khi chờ tiếp theo mà không cần phải ngắt máy như trước đây.
Máy gọn, nhẹ, dễ điều khiển nên ai cũng thích thú, tìm đặt mua. Cũng với sáng chế này, năm 2014 anh Thanh đoạt giải nhất trong cuộc thi “Sáng chế nhà nông” của tỉnh Bình Định.
Theo TPO
Bình luận (0)