Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Còn bất nhất về lời nhận xét của giáo viên!

Tạp Chí Giáo Dục

Từ một thực tế mà dư luận đã phản ảnh thời gian qua, đó là lời nhận xét của một số giáo viên (GV) với học sinh (HS) bậc tiểu học được cho là như “văn mẫu”, khô cứng, sáo rỗng. Nhìn rộng ra, đó là việc nhận xét của GV trong hoạt động giáo dục, như phê sổ liên lạc, học bạ, nhận xét bài kiểm tra ở nhà trường phổ thông hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất nhất, thiếu hợp lý, ít hiệu quả, cần phải điều chỉnh.

Dễ thấy nhất là trong sổ liên lạc. Nhiều GV chỉ chú trọng đến việc báo điểm, xếp loại học lực và hạnh kiểm chứ rất khiêm tốn về lời nhận xét. Vì thế, phụ huynh nào cần quan tâm kỹ hơn, thắc mắc đến điểm nào đó thì phải trao đổi riêng với GV. Đơn điệu nhất là lời phê của GV trong sổ học bạ. Nhiều nhận xét quá tiết kiệm lời, lặp đi lặp lại một số từ ngữ. Nên khi đọc, nó không phản ánh được lực học, phẩm chất đạo đức của người học, chẳng phân biệt được sự khác nhau giữa các HS. Thiếu tính ứng dụng cho việc nhiều trường ĐH, CĐ xét tuyển dựa vào học bạ như hiện nay.

Đáng bàn nhất là lời nhận xét của GV khi chấm bài kiểm tra. Nhiều HS khi chuẩn bị làm bài cứ vô tâm hỏi GV rằng có kẻ lời phê hay không. Điều này cho thấy rằng các em chưa ý thức hết tầm quan trọng của lời nhận xét. Mà nguyên nhân sâu xa là vì nhiều bài kiểm tra chẳng thấy có một lời nhận xét nào của GV, hoặc có nhưng còn đại khái, chưa có tác dụng. Có thể thấy rằng, việc nhận xét bài chấm của GV hiện nay nhìn chung còn sơ sài, đại khái, đơn điệu, chung chung, mang sắc màu cảm tính cá nhân…

Việc nhận xét bài làm của người học khi GV chấm là rất quan trọng. Nó vừa là thước đo lượng giá kiến thức, vừa giúp HS phát hiện điểm yếu để điều chỉnh. Lời nhận xét đúng, hay sẽ tạo được nguồn động viên, khích lệ nơi HS. Ngược lại, nhiều khi đẩy các em vào mặc cảm, thiếu hứng thú, thiếu cảm tình với GV, và thiếu nhiệt tình với môn học ấy.

Mặc dù quan trọng như thế nhưng điều này ít được bàn đến trong các hoạt động dạy học, trong các buổi họp chuyên môn. Trong lúc đó, Bộ GD-ĐT cũng có chỉ đạo cho GV rằng phải nhận xét bài làm của HS khi chấm. Nhưng cũng chưa có những yêu cầu cụ thể như thế nào. Vì vậy, việc nhận xét bài chấm của GV xem như thả nổi, mạnh ai nấy làm, mỗi nơi một vẻ, mỗi người một kiểu. Chứ chưa thật sát với đặc trưng bộ môn, cấp học và nhất là tâm lý lứa tuổi của người học.

Có một điều đáng suy nghĩ là từ trước đến nay, nhắc tới việc nhận xét bài làm cho HS, người ta thường nghĩ đó là trách nhiệm của GV dạy văn, chỉ môn văn mới có. Chứ ít chịu thấy rằng, đó là trách nhiệm chung của GV trong tất cả các môn học để giúp người học tiến bộ, nhất là về chính tả, chữ viết, kỹ năng trình bày văn bản… Đó là những điểm yếu của HS hiện nay.

T.N.T (TP.HCM)

Bình luận (0)