Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Để không trở thành nạn nhân của các vụ bắt cóc?

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh phải luôn để mắt tới con để tránh tai nạn bắt cóc

Báo Giáo dục TP.HCM số 1.745 (ra ngày 2-4) có đăng bài Bắt cóc học sinh: Đồn nhảm nhưng lo thật. Qua đó phản ánh thực trạng vẫn còn nhiều kẽ hở tại các trường cũng như từ phía phụ huynh dẫn đến nguy cơ học sinh, nhất là mầm non và tiểu học bị bắt cóc.

Để bảo đảm an toàn cho trẻ trong và ngoài cổng trường rất cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Nhưng trước hết chính các ông bố, bà mẹ hãy tự bảo vệ con em mình trước những nguy hiểm có thể xảy ra. Theo đó, trang bị những kỹ năng cơ bản cho phụ huynh cũng như cho trẻ là việc cần làm ngay, dù muộn. Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Hội quán Các bà mẹ đã có buổi gặp gỡ phụ huynh và học sinh, nhằm cung cấp, chia sẻ bí quyết làm thế nào để vượt qua nỗi lo ngoài cổng trường…

Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành đã xảy ra một số vụ bắt cóc và xâm hại trẻ em. Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, đó là những vụ bắt cóc bị động. Ngoài ra, còn xảy ra những trường hợp bắt cóc chủ động, nghĩa là bản thân nạn nhân tự nguyện để bị bắt cóc. Những nạn nhân tự giao mình cho người bắt cóc thường gặp ở lứa tuổi 12 đến 17, lứa tuổi đang tự khẳng định mình. Đó là trường hợp bỏ nhà đi bụi, sống ở nơi kín đáo với người khác giới hoặc cùng nhóm nam nữ. Nạn nhân của bắt cóc chủ động với nữ thì bị lạm dụng tình dục, nam giới thường là nạn nhân của sự lợi dụng, bóc lột sức lao động.

Dù bắt cóc bị động hay chủ động, thạc sĩ Thịnh khẳng định, nguyên nhân chính vẫn là do sự xao nhãng của người lớn trong việc trông coi con trẻ. Bên cạnh đó là sự thiếu chuẩn bị tâm lý ứng phó với tình huống thực tế của trẻ, việc tập luyện để đối phó với các tình huống xảy ra chưa được lặp đi lặp lại nhiều lần để trở thành thói quen. Theo đó, những thói quen cần tập cho trẻ là: không tiếp xúc quá gần với người lạ; không nhận quà tặng của người lạ khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ; không tự ý đi một mình vào vị trí vắng người; cảnh giác với những lời “nhờ giúp đỡ”; thực hành tiếng hét; luyện tập thói quen ứng xử đúng trong các tình thế…

Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh cũng khuyên các ông bố, bà mẹ hãy luôn để mắt đến mọi vấn đề của con. Đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất việc tiết lộ các thông tin cá nhân của con (tên con, tên bố mẹ, địa chỉ, trường lớp, buổi đi học…). Giữa cha mẹ và con cái cần có những quy ước bảo mật thống nhất như vị trí đón trẻ theo ngày, người sẽ đón, “mật ngữ” khi rơi vào tình huống nguy hiểm. Đặc biệt, cha mẹ cần chỉ cho con những người khả tin trong trường hợp cần sự giúp đỡ (công an giao thông, đồn công an, chùa, nhà thờ…); tuyệt đối không leo lên xe của ai đó nói sẽ giúp đỡ và nhờ người giúp đỡ gọi điện cho cha mẹ đến đón…

Một chia sẻ nhỏ gửi đến phụ huynh từ nhạc sĩ Tuấn Khanh tại buổi gặp gỡ này cũng là cẩm nang để người lớn chúng ta trang bị cho trẻ và cho chính mình. “Để tránh bị bắt cóc, bị xâm hại, chúng ta cần tạo ra những cộng đồng từ nhỏ đến lớn để bảo vệ nhau. Mỗi thành viên trong cộng đồng tự kiểm soát, thông tin nhau và có biện pháp bảo vệ phù hợp. Bên cạnh đó cần trang bị kỹ năng nhận biết đám đông an toàn khi bị bắt cóc và chọn cơ hội để thông tin với đám đông, tạo tình huống bất ngờ đối với người thực hiện hành vi bắt cóc”, nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ.

Bài, ảnh: T.Anh

Bình luận (0)