Để khởi nghiệp, Nguyễn Thuần Phác quyết định từ bỏ chức danh giám đốc công nghệ thông tin tại một tập đoàn với mức lương 3.000 USD/tháng.
Ý tưởng đến từ những đứa cháu
Nguyễn Thuần Phác (sinh năm 1981, nhà ở TP.HCM) từng là giám đốc công nghệ thông tin của tập đoàn đa quốc gia GroupM. Trong thời gian đảm nhận chức danh tương tự ở tập đoàn Phú Thái, Phác quyết định dừng công việc với mức lương 3.000 USD/tháng để bắt đầu với ứng dụng "vừa học vừa chơi" EKiD cho trẻ em.
Là một chuyên gia công nghệ thông tin nên Phác nhìn nhận rất rõ ràng việc ghiền smartphone và tablet ở trẻ em đã trở thành xu hướng. Điều này một phần do những tiện ích giải trí mà các thiết bị này mang lại quá phong phú, phần khác vì phụ huynh xem các thiết bị này như một trò chơi để dỗ dành trẻ. Và thế là những đứa trẻ mới 1-2 tuổi đã bắt đầu làm quen và thích thú với smartphone, tablet. Nhưng, điều khiến bọn trẻ thích thú nhất vẫn là game.
"Không ngẫu nhiên mà game nói riêng và các ứng dụng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi lại phát triển ngày càng mạnh. Trẻ em không phân biệt được đâu là trò chơi đơn thuần, đâu là các mẩu quảng cáo trong quá trình chơi game, vì vậy chúng thường xuyên click vào các mẩu quảng cáo bắt mắt. Trẻ em cũng là đối tượng dễ mua các gói bổ sung trong game để tiếp tục trò chơi. Những điều này giúp các nhà phát triển có doanh thu. Khi các nhà phát triển game càng chú trọng vào đối tượng trẻ em thì trẻ em càng có xu hướng nghiện game nhiều hơn", Phác nhận định.
Đặc biệt, gia đình Nguyễn Thuần Phác có 7 đứa cháu và cứ mỗi khi gia đình có việc thì y như rằng cả 7 đứa lại cùng nhau chúi đầu vào màn hình điện thoại để chơi game. "Lúc đầu thì mình thấy cũng ổn vì dù sao chúng cùng nhau chơi để người lớn nói chuyện thì cũng được. Nhưng, sau đó, khi nhìn thấy cảnh cô em mình phải dùng game để dụ đứa cháu ăn thì mình nghĩ lại", Phác chia sẻ.
Một thời gian dài, Nguyễn Thuần Phác suy tư rằng làm cách nào để những đứa cháu của mình không chơi game nữa. Nhưng, tất cả những ý nghĩ "cai nghiện" game cho những đứa trẻ đều bị chính anh phản biện lại vì với sự phát triển của các phương tiện giải trí hiện nay, có lẽ điều đó là không thể. "Vậy, sao không giúp chúng vừa chơi, vừa học", Phác nghĩ. Ngay sau đó, anh đã có ý tưởng cho một trò chơi/ứng dụng học tiếng Anh dành cho trẻ em trên thiết bị di động ra đời.
Sau hơn 5 tháng ròng rã, đến nay sản phẩm đã thành hình. EKiD hoạt động trên nền tảng iOS và Android. Ứng dụng này sử dụng công nghệ Augmented Reality (tạm dịch: tăng cường thực tế) khi kết hợp với một bộ 96 thẻ hình. Những hình ảnh cá voi, hươu cao cổ, khinh khí cầu, máy bay, tàu thủy… khi được đặt dưới camera trong ứng dụng EKiD sẽ cực kỳ sống động khi được hiển thị hình ảnh 3D.
Đồng thời, những tiếng động mô phỏng về đối tượng sẽ được phát ra kèm phát âm tiếng Anh và tiếng Việt tên chủ thể. Người dùng có thể chạm vào hình để tương tác với các đối tượng này. Ví dụ, khi chạm vào hình chú đại bàng, chú cất cánh bay lên, ra khỏi màn hình rồi bay về đáp xuống như ban đầu.
Khởi nghiệp khi chín muồi
Từng có nhiều ý tưởng khởi nghiệp nhưng chỉ mới dừng lại ở mức độ… ý tưởng. Với EKID là lần đầu tiên Nguyễn Thuần Phác quyết tâm biến ý tưởng thành sản phẩm.
Khi sản phẩm ra đời, những khách hàng đầu tiên của EKiD chính là những đứa cháu của Nguyễn Thuần Phác. "Thực sự là hạnh phúc khi nhìn những đứa cháu của mình say sưa với "đứa con tinh thần" của mình. Đương nhiên, chúng vừa chơi, vừa học", Phác chia sẻ.
Khi được hỏi, 36 tuổi, liệu khởi nghiệp ở độ tuổi này có muộn? Phác trầm tư: "Để khởi nghiệp tốt thì cái cần nhất là sự chín muồi. Sự chín muồi không quy định bằng độ tuổi của bạn, mà được quyết định bởi ý tưởng, sản phẩm, và thị trường. Nếu bạn có đầy đủ các yếu tố để làm tốt được ba điều này thì đó là lúc chín muồi để bạn khởi nghiệp!".
Mặc dù đã đảm nhận cương vị giám đốc ở nhiều tập đoàn lớn, nhưng khi tự mình khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất với Phác lại nằm ở khâu quản lý. Phác chia sẻ: "Trước đây mình chỉ quản lý chuyên môn, và về cơ bản là bộ máy công việc ở những tập đoàn đó đã vẫn hành có hệ thống từ lâu nay. Còn khi tự mình khởi nghiệp, làm sao để quản lý được nhân viên ở từng khâu từ ý tưởng, thiết kế, làm sản phẩm đến thị trường lại là một bài toán khó hơn rất nhiều".
Kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực công nghệ, cộng thêm sự chín muồi trong suy tính đã giúp sản phẩm của Nguyễn Thuần Phác dù chưa chính thức bán ra nhưng đã có nhiều đơn hàng từ khách hàng tiếp cận qua mạng. Điều đó, càng khiến Phác củng cố thêm niềm tin rằng EKiD với cách vừa chơi vừa học sẽ góp phần cùng các phụ huynh giải quyết được "vấn nạn" nghiện game ở trẻ em.
Linh San (TNO)
Bình luận (0)