Tắm, một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, vừa giúp làm sạch cơ thể, vừa giúp thư giãn thoải mái. Vậy tắm sao cho đúng cách trong những ngày nóng?
Báo đài đã thông tin nhiều trường hợp bị đột quỵ dẫn đến tử vong trong lúc tắm, dù tuổi còn trẻ và trước đó sức khỏe vẫn tốt, không có dấu hiệu gì của những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân các biến cố mạch máu tim (nhồi máu cơ tim), mạch máu não (đột quỵ) được cho là do sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ cơ thể khi tắm gây ra sự sụt giảm nhanh chóng huyết áp.
Tắm không đúng cách còn có thể dẫn đến cảm lạnh, tiêu hóa kém, chóng mặt, các bệnh lý phụ khoa như viêm âm đạo kéo dài, nấm da, nấm tóc, tóc không bóng mượt, da khô, nứt, không mịn, viêm da, mụn nhọt…
Vậy tắm nước nhiệt độ nào là tốt nhất?
Nước ấm, khoảng gần nhiệt độ cơ thể hoặc hơi mát hơn, nhẹ nhàng thư giãn, cũng để kích thích sự thèm ăn cũng như hoạt động của các cơ quan tiêu hóa nếu được thực hiện trong khoảng một giờ trước khi ăn. Trên tất cả, nước ấm hài hòa và cân đối nhất. Nước ấm là tốt nhất cho mục đích tắm nói chung.
Nhật Bản đã chỉ ra rằng 10 phút trong bồn nước ấm cải thiện sức khỏe tim mạch ở người cao tuổi, giúp họ đương đầu tốt hơn trong các bài kiểm tra tập thể dục và giảm đau.
Một nghiên cứu được công bố trên New England Journal of Medicine ở Mỹ cho thấy bệnh nhân đái tháo đường dành nửa giờ trong bồn tắm ấm có thể làm giảm lượng đường trong máu khoảng 13%.
Một số chú ý khác để tránh biến cố bệnh lý khi tắm vào mùa nóng:
• Giữ chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong phòng tắm và bên ngoài phòng tắm không được quá cao, tối ưu nên dao động trong khoảng 2-3OC.
• Dù tắm bằng hình thức nào (vòi sen, bồn, tắm ngồi, tắm đứng…) cũng phải hạn chế việc thay đổi thân nhiệt trung tâm cơ thể đột ngột, bằng cách tiếp xúc dần từng bộ phận của cơ thể với nước, thường là chân đầu tiên, đến tay, đầu, thân người (lưng và ngực bụng) là sau cùng, rồi sau đó mới là toàn thân tiếp xúc hoàn toàn với nước.
• Sau khi tắm xong nên lau khô người, mặc áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi.
• Từ 11g khuya đến khoảng 3g sáng, về mặt y học cổ truyền, là lúc khí dương lui vào sâu trong cơ thể, sức chống đỡ bị suy giảm nhiều nhất, do vậy khi tắm vào thời gian này khí lạnh rất dễ xâm nhập cơ thể và gây cảm lạnh.
ThS.BS NGUYỄN VĂN ĐÀN/TTO
Bình luận (0)