Đây là nguyên nhân khiến khu vực Đông Nam Hoa Kỳ dù không nằm trên ranh giới của các mảng kiến tạo (như Nhật Bản) nhưng vẫn phải hứng chịu một vài trận động đất trong thời gian gần đây.
Hầu hết mọi trận động đất tự nhiên đều xảy ra tại các đường ranh giới của các mảng kiến tạo trên thạch quyển Trái Đất. Khi các mảng kiến tạo này di chuyển và va vào nhau, năng lượng được giải phóng và sinh ra động đất. Do đó, tại các nước có diện tích nằm "lọt thỏm" trong một mảng kiến tạo thì hiện tượng động đất cũng hiếm khi xảy ra.
Thế nhưng, tại vùng Đông Nam Hoa Kỳ, nơi tưởng như ít khi xảy ra động đất thì thời gian gần đây lại thường xuyên phải hứng chịu nhiều trận động đất lớn nhỏ. Trong đó, đáng chú ý nhất là trận động đất 5,8 độ richter xảy ra năm 2011 làm rung chuyển thủ đô Washington D.C.
Hình ảnh cắt lớp của Trái đất.
Để tìm ra nguyên nhân của những trận động đất kì lạ này, Berk Biryol, một nhà địa chấn học tại UNC Chapel Hill, và các đồng nghiệp đã tạo ra hình ảnh 3D của phần trên cùng vỏ trái đất, hay nói cách khác là chụp cắt lớp mảng kiến tạo Bắc Mỹ.
Hình ảnh thu được cho thấy mảng kiến tạo ở vùng Đông Nam Hoa Kỳ có bề mặt dày mỏng không đồng đều, có những nơi tập trung dày đặc đất đá và có những nơi thì ngược lại. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do ngày càng có nhiều đất đá được bổ sung vào bề mặt các mảng kiến tạo. Cùng lúc đó, các mảng kiến tạo lại dịch chuyển tách xa nhau tạo nên sự dày mỏng không đều.
Những khu vực có độ dày lớn sẽ bị trọng lực kéo mạnh mẽ vào lõi trái đất. Và phần đáy của khu vực này sẽ bị "bong" ra, hòa lẫn vào phần quyển mềm.
Hiện tượng này sẽ khiến các khu vực mảng kiến tạo đó trở nên mỏng hơn, dễ bị trượt dọc theo đường đứt gãy gây động đất.
Nhà địa chấn học Berk Biryol ước tính hoạt động "bong tróc" lớp đáy mảng kiến tạo này đã xảy ra liên tục trong khoảng 65 triệu năm, hoặc hơn.
Tuy nhiên, trong tương lai gần sẽ không có nhiều thay đổi lớn xảy ra, bởi các thay đổi địa chất thường diễn ra từ từ trong khoảng thời gian rất dài, tới hàng triệu năm. Do vậy, những người dân Đông Nam Hoa Kỳ vẫn có thể yên tâm sống, ít nhất là đến đời cháu chắt.
TT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)