Học sinh Đà Nẵng hào hứng tham gia trò chơi nhảy sạp trong một ngày hội
Trước thực trạng ngày càng ít học sinh biết và chơi các trò chơi dân gian (kéo co, nhảy bao bố, nhảy sạp, bài chòi…), đặc biệt trước những tác hại đáng báo động của trò chơi trực tuyến đối với học sinh, từ năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng đã xây dựng khung chương trình đưa trò chơi dân gian vào trường học. Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, trò chơi dân gian không chỉ bồi bổ tâm hồn học sinh, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương đất nước. Đến hè 2018, các trường học trên địa bàn TP bắt đầu xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tổ chức trò chơi dân gian trong trường, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng cần được tổ chức thường xuyên, liên tục. Tùy từng lứa tuổi học sinh mà giáo viên vận dụng để lựa chọn các trò chơi dân gian phù hợp. Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương (Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng) cho biết khi tổ chức các trò chơi dân gian là cách để kéo học sinh về với tuổi trẻ thực sự, tránh xa thế giới ảo. Để thực hiện tốt chủ trương đưa trò chơi dân gian vào trường học, chúng tôi đã triển khai gắn với thông điệp “Hãy ngăn chặn các trò chơi vô bổ bằng việc phát huy tốt trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian trong trường học”. Trước khi đưa vào dạy học sinh ở những tiết học kỹ năng thì Sở GD-ĐT đã tổ chức Ngày hội giao lưu trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian dành cho học sinh các trường THPT. Đó là cách để các em rời xa thế giới ảo, ngăn chặn các trò chơi vô bổ… Theo ông Vương, tổ chức tốt các trò chơi dân gian trong trường học sẽ tạo ra sân chơi bổ ích, qua đó rèn luyện thể chất, tài năng nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa Đà Nẵng nói riêng. Khi đưa trò chơi dân gian vào trường, các trường đều chọn lựa, cân nhắc, để tìm hoạt động phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Ở góc độ quản lý nhà trường, ông Trương Công Sơn (Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đại Nghĩa, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết nếu lựa chọn những trò chơi phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của trường thì cũng không quá tốn kém về kinh phí.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, chủ trương đưa trò chơi dân gian vào trường học ngoài việc mang lại cho học sinh niềm vui, giúp các em tiếp cận được những nét đẹp trong văn hóa dân tộc, còn là cách để rèn luyện cho các em kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ và yêu thương lẫn nhau. Qua đó giúp các em phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tâm hồn.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)