Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sài Gòn chìm trong sương mù, dân than trời vì bụi: Vì sao ô nhiễm không khí?

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Hồ Quốc Bằng cho biết, có thể kết luận 50% ô nhiễm không khí ở TP.HCM đến từ các hoạt động giao thông, 30% đến từ hoạt động nấu ăn của hộ gia đình và 20% đến từ công nghiệp.

Bầu trời TP.HCM chìm trong "sương mù". Ảnh: Phan Thị Khánh (Do Change Cung Cấp)

Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết trong 2 tháng đầu năm 2019, các chỉ số về môi trường ở TP.HCM đa số đều nằm trong giới hạn cho phép. Chỉ có bụi lơ lửng và tiếng ồn ở một số trạm quan trắc do ảnh hưởng của hoạt động giao thông thì vượt quy chuẩn.
Theo đó, tiếng ồn ở những nơi như Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ, Gò Vấp, An Sương, Cát Lái đều ở mức vượt chuẩn. Đây cũng là những điểm có nhiều phương tiện qua lại vào giờ cao điểm.
Riêng tháng 1.2019, chỉ số bụi lơ lửng ở khu vực Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh đạt ngưỡng 847µg/m3, trong khi quy chuẩn là 300µg/m3. Điểm Cát Lái, Gò Vấp vẫn nằm trong top những điểm có bụi nhiều nhất như PV đã từng phản ánh. Có một điểm lạ là bụi ở An Sương vào tháng 2.2019 vẫn nằm trong quy chuẩn cho phép, mặc dù người dân ở An Sương thì luôn than trời vì bụi, nhất là vào những ngày nắng nóng.

Nếu toàn bộ người dân ở TP.HCM đi bộ…

Tại Hội thảo về Biến đổi khí hậu và Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe diễn ra trong 2 ngày 16 và 17.4 ở trường Đại học Y dược TP.HCM, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí, thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết TP hiện có 3 nguồn phát thải lớn làm ô nhiễm không khí.
Thứ nhất là nguồn thải từ dân sinh: bao gồm việc các gia đình nấu ăn, các quán ăn nhà hàng dùng năng lượng hóa thạch nấu nướng. Thứ hai là nguồn thải từ các phương tiện giao thông, theo PGS.TS Bằng, TP có khoảng 8 triệu xe các loại, bến cảng, đường sắt… tất cả đều là các nguồn thải làm TP.HCM thêm ô nhiễm. Thứ ba là do hoạt động công nghiệp, theo đó, TP.HCM có 2.708 nhà máy có ống khói sinh ra khí thải và thải ra môi trường.

Người dân trở lại TP.HCM làm việc sau ngày nghỉ lễ phải lấy tay che mặt mũi vì đường đầy khói bụi. Ảnh: Trương Thanh Tùng (Do Change Cung Cấp)

Sau gần 2 năm thực hiện nghiên cứu về vấn đề các nguồn thải gây ô nhiễm không khí ở TP.HCM, PGS. TS Bằng cho biết, có thể kết luận 50% ô nhiễm không khí ở TP.HCM đến từ các hoạt động giao thông, 30% đến từ hoạt động nấu ăn của hộ gia đình và 20% đến từ công nghiệp.
TP.HCM bị ô nhiễm vượt quy chuẩn gấp 3 lần, vậy phải cắt giảm 60-70% lượng khí thải bây giờ may ra môi trường mới đạt quy chuẩn. Ví dụ giờ người dân TP có đi bộ hết hoàn toàn thì chúng ta chỉ giảm được gần 50% nguồn khí thải, chưa giải quyết được ô nhiễm, bụi ở TP.HCM. Cả giao thông và công nghiệp, cắt hết thì cũng không làm hết được ô nhiễm. Cũng cần nói thêm rằng các hoạt động xây dựng cũng làm bụi trong không khí gia tăng
PGS.TS Hồ Quốc Bằng

PGS.TS Bằng chia sẻ: “TP.HCM bị ô nhiễm vượt quy chuẩn gấp 3 lần, vậy phải cắt giảm 60-70% lượng khí thải bây giờ may ra môi trường mới đạt quy chuẩn. Ví dụ giờ người dân TP có đi bộ hết hoàn toàn thì chúng ta chỉ giảm được gần 50% nguồn khí thải, chưa giải quyết được ô nhiễm, bụi ở TP.HCM. Cả giao thông và công nghiệp, cắt hết thì cũng không làm hết được ô nhiễm. Cũng cần nói thêm rằng các hoạt động xây dựng cũng làm bụi trong không khí gia tăng”.

TS Trần Ngọc Đăng, Trường Đại học Y dược TP.HCM cũng cho biết, hiện nay dù dự báo nhiệt độ ở mức 35-37oC nhưng người dân lại có cảm giác như gần 40oC là vì hiện tượng đảo nhiệt đô thị.
Đây là hiện tượng mà nhiệt độ của một khu vực đô thị (vùng nội thành) cao hơn so với khu vực xung quanh (vùng ngoại thành). Do vậy, người sống ở nội thành sẽ phải tiếp xúc với nhiệt độ dư ra do đảo nhiệt đô thị. Hiện tượng này cũng làm tăng nguy cơ tử vong và bệnh tật do nhiệt độ. 

Giới hạn quy chuẩn ô nhiễm của Việt Nam lại cao hơn WHO

Để đánh giá về sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã đưa ra các mức quy chuẩn giới hạn với từng loại bụi, khí. Theo đó, chỉ số đang được quan tâm hiện nay là bụi PM2,5 vì đây là những hạt bụi mịn, khi hít phải sẽ vào thẳng đường thở và gây ra các bệnh về hô hấp.
Theo WHO, giới hạn cho phép của bụi này là 10µg/m3. Tuy nhiên, theo quy chuẩn Việt Nam, giới hạn này là 50µg/m3 (gấp 5 lần so với quy chuẩn của WHO). Do vậy, nếu tính theo quy chuẩn WHO thì bụi PM2,5 tại tất cả các điểm TP.HCM có quan trắc đều vượt quy chuẩn giới hạn từ 3-5 lần, nhưng tính theo quy chuẩn Việt Nam thì tất cả đều nằm trong chuẩn giới hạn (?!).

Ai nấy đều bịt khẩu trang để tránh hít phải khói bụi khi tham gia giao thông. Ảnh: Nguyễn Nam (Do Change Cung Cấp)

Theo Thạc sĩ, BS Dương Minh Ngọc, những hạt bụi nhỏ kích cỡ < 2.5µm có thể vào sâu trong phổi, vượt qua các hàng rào bảo vệ thông thường của đường thở.
"Hít phải bụi này, trước mắt gây ra các triệu chứng như ho, khó thở, nặng ngực. Về lâu dài gây ra các bệnh lí đường hô hấp ở trẻ em, gây giảm chức năng phổi, gây ra các đợt kịch phát của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay hen; một số nghiên cứu cho thấy khả năng sinh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”, BS Ngọc cho biết .
Trao đổi bên lề hội nghị, một chuyên gia về môi trường cho biết, sở dĩ quy chuẩn của Việt Nam cao hơn vì Việt Nam là nước đang phát triển, nếu lấy đúng như quy chuẩn của WHO thì tất cả các chỉ số về bụi này đo được đều vượt chuẩn. Trong bối cảnh này, ngoài việc bảo đảm sức khỏe, chúng ta cũng cần duy trì các hoạt động công nghiệp để phát triển kinh tế, xã hội nên quy chuẩn được nâng lên.
Giải thích về chỉ số NO2 giảm từ 2014, vị chuyên gia này nhận định, điều này cũng không thể hiện được điều gì, vì chúng ta đang đo thủ công, có điểm còn thuê một công ty độc lập đo. Với thiết bị đo sơ sài như vậy, không thể đánh giá được chất lượng không khí, và không thể khẳng định được rằng NO2 trong không khí đã giảm.

Quan trắc 2 giờ mỗi ngày chưa đủ đánh giá ô nhiễm

PGS.TS Hồ Quốc Bằng cho biết, để đánh giá chất lượng không khí ở một TP thì cần phải có kết quả quan trắc ở đầy đủ các trạm. TP.HCM với điều kiện tự nhiên như thế này, cần phải có ít nhất 16 trạm đủ tiêu chuẩn quốc tế, hoạt động liên tục thì mới đánh giá chính xác được chất lượng không khí.Quan trắc mỗi ngày 2 giờ chưa đủ đánh giá ô nhiễm

“Hiện nay chúng ta chủ yếu là trạm qua trắc thủ công, mỗi ngày chỉ đo 1 tiếng buổi sáng và 1 tiếng buổi chiều. Vậy lỡ số liệu vượt ngưỡng vào giờ không đo thì làm sao xác định? Thực tế cho thấy, chỉ số CO trong không khí chúng tôi đo được trong 8 giờ liên tục vượt 1,5 lần nhưng các kết quả được trung tâm quan trắc đo thì chưa vượt, vì hiện họ chỉ đo vào thời điểm nhất định trong ngày”, PGS.TS Bằng nêu ý kiến.

Theo Vũ Phượng/TNO

 

Bình luận (0)