Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chống nhiễm xạ bằng ăn, uống

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ cần biết chế biến, những thực phẩm rất quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày như mộc nhĩ, thịt vịt, nấm linh chi… có thể giúp bạn ngăn ngừa nhiễm xạ, thậm chí đẩy phóng xạ ra ngoài cơ thể.

Ngăn ngừa qua đường ruột
Một số bài thuốc đơn giản trong Đông y có tác dụng ngăn ngừa, đào thải chất phóng xạ gồm:
– Đan sâm 300g, tam thất 100g sấy khô, sao qua, tán bột, trộn đều. Mỗi ngày uống 10g chia 2 lần.
– Nhân sâm 100g, hoàng kỳ 100g, đương quy 100g, sấy khô, sao qua, tán bột mịn, trộn đều, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g.
– Mộc nhĩ đen 60g một nửa sao cháy, một nửa sao khô. Vừng đen 15g (sao thơm). Tất cả tán vụn, trộn đều, mỗi ngày lấy 6g hãm với 120ml nước sôi, uống thay trà. 

Nấm linh chi là một trong những thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa nhiễm xạ.
– Lô hội 100g, rửa sạch, nghiền nhỏ, vắt lấy nước cốt uống hàng ngày (người tỳ vị hư hàn, hay bị đi lỏng và rối loạn tiêu hóa thì không nên dùng).
– Hải tảo 20g, cam thảo 4g, côn bố 20g thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín 20 phút, uống thay trà.
– Nấm linh chi 200g, sấy khô tán vụn bỏ vào lọ kín. Mỗi ngày hãm 5g với nước sôi 15 phút uống cả nước và cái.
– Thịt vịt 200g, hầm với 3g đông trùng hạ thảo ăn vài lần mỗi tuần.
– Hoa hòe 20g, trà 10g hãm với nước sôi, uống trong ngày.
– Kỷ tử 30g hãm nước sôi uống thay trà.
– Hoàng kỳ 300g, kê huyết đằng 300g, phá cố chỉ 200g, thỏ ty tử 200g, đương quy 200g, kỷ tử 200g, trần bì 150g. Các vị thuốc sấy khô, tán vụn, bỏ lọ kín. Mỗi ngày lấy 30g hãm với nước sôi 15 – 20 phút, uống thay trà.
– Sinh hoàng kỳ 250g, đằng sâm 250g, bạch truật 250g, bạch linh 250g, phá cố chỉ 300g sấy khô, tán vụn, đựng trong lọ kín. Mỗi ngày hãm 50g với nước sôi 20 phút, uống thay trà.
– Nữ trinh từ 100g, kỷ tử 100g, thái tử sâm 100g, kê huyết đằng 150g sấy khô, tán vụn, đựng trong lọ kín, mỗi ngày lấy 45g hãm 15 phút, uống thay trà.
Ngoài những món ăn bài thuốc trên, nên tăng cường các thực phẩm có chứa nhiều lycopene như cà chua, dưa hấu và rau quả chứa nhiều vitamin C và E như các loại đậu, dầu thực vật, cà rốt, cam, quýt, bưởi… để tăng cường khả năng chống ôxy hóa và chống nhiễm phóng xạ cho cơ thể.
 Không tự ý dùng thuốc chống nhiễm xạ
Kết quả kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm nhập từ Nhật Bản do Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tiến hành cho thấy, mẫu phân tích không bị nhiễm các nhân phóng xạ.
Tới 31/3/2011, Việt Nam chưa phát hiện nhiễm xạ trong thực phẩm. Vì vậy, người tiêu dùng không nên quá lo lắng.
Không chỉ người dân ở Mỹ, Nga, Hàn Quốc… mà một số người dân ở Việt Nam đã lùng sục tìm mua thuốc Potassium Iodide trên thị trường và mạng trực tuyến để dự phòng nhiễm phóng xạ. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới đang cảnh báo việc người dân tự ý mua thuốc Potassium Iodide vì  thuốc này không phải thuốc giải độc phóng xạ như lầm tưởng.
Potassium Iodide không thể phòng ngừa phóng xạ bên ngoài, không bảo vệ được các cơ quan khác trong cơ thể, chẳng hạn bệnh máu trắng do bị ung thư xương, bệnh ung thư gan. Cũng không thể bảo đảm 100% cho tuyến giáp trạng không bị nhiễm chất phóng xạ Iodine, vì còn phụ thuộc vào độ các yếu tố: Thời gian tuyến giáp trạng bị nhiễm chất phóng xạ và thời điểm bắt đầu uống thuốc Potassium Iodide, thuốc hấp thụ vào máu nhanh hay chậm. Chỉ nên dùng Potassium Iodide khi có lời khuyên rõ ràng của cơ quan y tế.
Người dân không nên dùng thuốc này nếu bị dị ứng hoặc nhạy cảm với nó, hoặc nếu có các bệnh liên quan tuyến giáp, như bướu cổ, bệnh tuyến giáp tự miễn… Tùy tiện dùng có thể gặp tác dụng phụ như sưng hạch nước miếng, buồn nôn, ngứa ngáy, đau ruột và các dạng dị ứng nghiêm trọng khác. Thuốc cũng có thể xung khắc với các loại thuốc khác, nhất là thuốc về tim mạch.
Cho đến thời điểm hiện nay, mức độ phóng xạ ở Việt Nam rất thấp và không gây nguy hiểm tới sức khỏe con người nên người dân không cần uống thuốc Potassium Iodide. Mọi người cũng nên tỉnh táo tiếp nhận thông tin chính thống, không nên nghe tin đồn phát tán phóng xạ đang lan truyền. Đừng hoang mang mà tự ý dùng thuốc vì sẽ gây nguy hiểm cho bản thân. Nếu đã trót dùng Potassium Iodide cũng nên báo với bác sĩ biết các rối loạn về da, bệnh về mạch máu (nếu có). Đặc biệt phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em càng cần được giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa khi sử dụng thuốc phòng chống nhiễm xạ.
BS Hoàng Xuân Đại
Nguyên bác sỹ Khoa Sinh hóa, Bệnh viện 103
Theo Gia Đình

Bình luận (0)