Với đặc thù kiến thức môn học xuyên suốt chương trình THPT dưới dạng hình xoắn ốc, lời khuyên được các giáo viên bộ môn đưa ra cho học sinh khi ôn tập môn hóa là ôn theo phương pháp sơ đồ, biểu bảng. Trong đó tập trung chủ yếu vào kiến thức lớp 12, có liên hệ với các kiến thức liên quan trong chương trình lớp 10, 11.
Học sinh lớp 12A5 Trường THPT Long Trường trong giờ học môn hóa
Cô Lê Khánh Việt Hà (Tổ trưởng Tổ hóa Trường THPT Long Trường, Q.9, TP.HCM): Nắm chắc các định luật để giải toán nhanh
Đối với môn hóa, đề không lắt léo ở các câu từ để đánh đố học sinh mà thường ra những câu hỏi rất thẳng, nhiệm vụ của các em là nắm vững kiến thức là sẽ hiểu được đề.
Với chương trình lớp 12, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức lý thuyết bằng phương pháp hệ thống các câu hỏi nhỏ dưới dạng tự luận. Trong đó phải đảm bảo về kiến thức tính chất vật lý, tính chất hóa học, những ứng dụng và điều chế cơ bản cùng các phương trình phản ứng của các hợp chất hữu cơ, vô cơ, những công thức cơ bản về số mol, nồng độ mol, nồng độ %. Đối với phần bài tập, điều quan trọng nhất là nắm được định luật thường sử dụng trong làm toán nhanh như: Định luật bảo toàn khối lượng, Định luật bảo toàn Electron. Ở mức xét tốt nghiệp, học sinh chỉ cần làm được các bài toán ở mức vận dụng thấp thường được ra dưới dạng đơn phương trình hoặc hỗn hợp công thức đơn giản có sử dụng kiến thức Định luật bảo toàn khối lượng, Định luật bảo toàn Electron, toán hiệu suất. Ở mức xét tuyển ĐH, học sinh cần phải chú ý thêm những bài tập vận dụng cao. Những bài tập này thường có sự phối hợp của nhiều khối lượng kiến thức, nhiều bước giải, sử dụng nhiều Định luật bảo toàn. Bên cạnh đó phải nắm thêm các phương pháp lạ như phương pháp quy đổi trong hóa hữu cơ, hóa vô cơ ở dạng phức tạp. Đặc biệt, những bài toán mang tính phân loại học sinh cao thường tập trung vào các dạng toán khó của Peptit Amino Axit, điện phân, vô cơ tổng hợp của kim loại hoặc phần Axit và Ancol của kiến thức lớp 11. Ở phần này, học sinh xét tuyển ĐH cũng nên chú ý. Đôi khi các bài toán hóa học còn sử dụng kiến thức toán về phương trình đồ thị. Với dạng toán này, học sinh sử dụng các kiến thức hóa học chuyên sâu, kết hợp với đồ thị để giải.
Riêng chương trình lớp 11, học sinh cần nắm các công thức, cấu tạo, tính chất hóa học cơ bản của một số chất hữu cơ và vô cơ ở mức độ cơ bản. Trong khi đó, chương trình lớp 10 tập trung bảng hệ thống tuần hoàn nguyên tố hóa học và các nguyên tố phi kim.
Một điều lưu ý là kiến thức môn học xuyên suốt cả chương trình THPT, có liên hệ với nhau theo hình xoắn ốc; vì vậy khi ôn tập, học sinh nên hệ thống các kiến thức chung của lớp 10, 11, 12 để không bị cồng kềnh. Với học sinh xét tốt nghiệp, các em chỉ nên tập trung chủ yếu vào kiến thức lớp 12.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (Tổ trưởng Tổ hóa Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM): Chú ý các thí nghiệm trong quá trình ôn tập
Với chương trình lớp 12, các em phải nắm thật chắc lý thuyết. Trong đó lưu ý những câu hỏi tổng hợp về lý thuyết giữa các chương, các câu hỏi phòng thí nghiệm, những câu hỏi nằm trong chương VI về kim loại, kiềm, kiềm thổ và nion vì kiến thức khá nhiều.
“Nếu muốn sử dụng những công thức lạ, các em cần phải chứng minh bằng lý thuyết để ghi nhớ và biết cách áp dụng trong quá trình làm”, cô Nguyễn Thị Thu Hiền nói. |
Phần bài tập, những dạng bài ở mức vận dụng thấp thường là các bài tập chỉ xoay quanh 1-2 phản ứng. Mẹo để giải nhanh những bài tập đơn giản là các em nên giải theo các định luật: Định luật bảo toàn nguyên tố, Định luật bảo toàn khối lượng, Định luật bảo toàn Electron, Định luật bảo toàn điện tích. Trong khi đó, những bài tập vận dụng cao câu hỏi thường dài, tổng hợp nhiều nội dung kiến thức, đòi hỏi người học phải có tư duy cao. Trong đó có thể đề cập cả kiến thức lớp 11 (chương Hợp chất hữu cơ có nhóm chức, chương Hiđrocacbon no hoặc không no). Các câu hỏi bài tập có sử dụng kiến thức toán ở dạng đồ thị không quá khó, chỉ là những bài toán hóa giải trên nền kiến thức toán. Do vậy, học sinh không nên quá nặng nề về kiến thức toán mà trước tiên cần khảo sát về lý thuyết hóa và chuyển giao qua đồ thị, hoặc ngược lại. Đối với các câu hỏi thực tế là những câu hỏi nằm chủ yếu trong phần lý thuyết dạng câu hỏi phòng thí nghiệm, ở mức vận dụng thấp. Học sinh nên chú ý các thí nghiệm trong quá trình học.
Với học sinh xét tốt nghiệp, các em chỉ cần nắm chắc kiến thức lý thuyết và bài tập ở 3 cấp độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp. Còn với học sinh xét tuyển ĐH, các em cần chú ý thêm kiến thức của chương trình lớp 10, 11 – đối với các phần kiến thức riêng biệt, không được nhắc lại trong chương trình lớp 12, đó là: Ở lớp 10 là chương Tốc độ phản ứng, chương Halogen; ở lớp 11 là chương Hiđrocacbon no, không no hoặc thơm, chương Anđehit, Axit phenol…
Khi làm bài tập, học sinh cần chú ý về hóa trị của kim loại trong các phương trình, nắm chắc các định luật cùng các phương thức giải nhanh sử dụng chính các định luật để giải. Đặc biệt, học sinh lưu ý: Nếu muốn sử dụng những công thức lạ, các em cần phải chứng minh bằng lý thuyết để ghi nhớ và biết cách áp dụng trong quá trình làm.
Đối với đề thi môn hóa, 40 câu hỏi làm trong thời gian 50 phút, các em phải cố gắng hoàn thành thật tốt 25-30 câu đầu là những câu dễ ăn điểm nhất. Và tránh mất thời gian quá nhiều vào những câu khó.
Đỗ Yến
Bình luận (0)