Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ít nhất 20 trẻ bị té lầu được khám mỗi ngày

Tạp Chí Giáo Dục

Bác sĩ Đặng Xuân Vinh, khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết: mỗi ngày khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện khám khoảng trên 20 ca té cầu thang, té gác, té trên các lầu xuống đất…

Bé N.P.D.Anh (6 tuổi), ngụ tại chung cư Bình Trưng, phường Bình Trưng, quận 2, TP.HCM vừa bị rơi từ lầu 4 xuống đất, bị chấn thương sọ não.

Theo mẹ của bé Anh kể lại, “Cháu bị cận nặng 6 điốp, buổi chiều bố bắc ghế ngồi cạnh ban công để con ngồi hóng mát. Do mải chơi làm rơi kiếng xuống ban công, bé Anh tự trèo vượt qua lan can tìm kiếng, chẳng may trượt chân và rơi xuống lầu 3, lầu 2, sau đó vướng vào lưới dây cáp quang ở gần lầu 1 và rơi xuống đất".
Tại bệnh viện quận 2, bác sĩ chụp CT scan đầu, chưa phát hiện máu tụ và cho bé về nhà theo dõi. Hai ngày sau, thấy con có biểu hiện khác lạ, ba mẹ đã chuyển em đến bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, bé Anh có biểu hiện đau đầu, nôn ói. Các bác sĩ đã nhanh chóng chụp CT scan, kết quả cho thấy máu tụ ngoài vùng cứng hố sau bên trái với số lượng ít. Nằm thêm một ngày nữa, lượng máu tụ xuất hiện ngày một tăng. Do đó, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy hết máu tụ ra ngoài. Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng 2 giờ và thành công. Đến nay, bé Anh đã hoàn toàn khỏe lại.
Bác sĩ Đặng Xuân Vinh, khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết: mỗi ngày khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện khám khoảng trên 20 ca té cầu thang, té gác, té trên các lầu xuống đất và trên 50 trẻ bị tai nạn do ngã tại nhà gây chấn thương đầu. Do đó, gia đình có con trẻ cần phải luôn bên cạnh theo dõi mọi hoạt động của trẻ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Trường hợp trẻ chẳng may ngã chấn thương đầu, cha mẹ phải đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay. Nếu can thiệp kịp thời, giải quyết tốt trẻ sẽ không sao, ngược lại nếu phát hiện bệnh trễ, trẻ sẽ bị di chứng não và có thể tử vong.
Hoàng Nhung / SGTT

 

Bình luận (0)