Mới đây, tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vừa tiếp nhận thêm 2 trường hợp bị chó cắn khiến đứt rời môi, lóc da bàn tay. Trước đó, một bé gái cũng nhập viện này cấp cứu vì bị chó cắn nhưng không qua khỏi. Tại TP.HCM, cũng đã từng có nhiều trường hợp trẻ phải cấp cứu vì bị chó cắn, sau điều trị các tổn thương vẫn không thể xóa hết.
Chó thả rông bủa vây lấy các quán ăn vỉa hè |
Trong khi đó hiện nay, đội săn bắt chó thả rông không còn hoạt động hiệu quả khiến nhiều người dân lo sợ bởi tình trạng chó thả rông đang tái diễn trở lại.
Dè chừng khi đi dạo công viên, đường phố
Chiều 7-8, tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP.HCM) chúng tôi ghi nhận nhiều con chó với đủ chủng loại như chó cảnh Phú Quốc, phóc, chó cỏ, thậm chí các loại chó có kích thước to lớn như becgie, Alaska… chạy tự do trong khuôn viên, và xen lẫn vào những người dân đang đi bộ tập thể dục. Trong số những con chó này hầu hết đều có chủ nhân đi cùng, tuy nhiên không một con chó nào được trang bị rọ mõm, hay xích. Chị Lê Trà My (37 tuổi, người dân ngụ tại quận 1) cho biết, tình trạng chó thả rông tự do chạy trong công viên, phóng uế bừa bãi tại đây đã tồn tại từ rất lâu khiến nhiều người dân đều bất bình. “Khoảng 1 năm trước, khi đội bắt chó thả rông thuộc Trạm phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật (Chi cục Thú y TP.HCM) ra quân bắt chó thả rông một cách rầm rộ, nhiều người chủ vì lo sợ chó của mình bị bắt nên đã chủ động đeo rọ mõm, xích khi đi dạo hoặc xích lại ở nhà. Tuy nhiên, đến nay tình hình lại trở lại như trước. Mỗi sáng, nhà nào có nuôi chó đều mở cửa thả cho chó tự do chạy ra bên ngoài. Nhà tôi có con nhỏ, nhiều khi muốn đưa con cùng đi tập thể dục nhưng đành thôi vì sợ không may sẽ bị chó “tấn công”” – chị My chia sẻ.
Dạo quanh một vòng các tuyến đường, công viên trên địa bàn quận Bình Thạnh, Thủ Đức chúng tôi đều bắt gặp những cảnh tương tự. Bên cạnh đó, ở các quán ăn vỉa hè đều có từ một đến vài con chó bủa vây xung quanh các bàn ăn, quanh chỗ ngồi của thực khách để chờ thức ăn thừa. Chủ một xe đẩy cá viên chiên cho biết, “Mỗi chiều đều có rất nhiều chó thả rông tìm đến chỗ tôi bán hàng. Mấy hôm trước, có một con chó lông lá xơ xác, có vẻ rất đói đến tìm thức ăn. Lúc đó một thanh niên gắp cho nó một miếng cá viên, nhưng chưa kịp thả xuống đất thì con chó táp mạnh, may mắn người thanh niên kia phản ứng nhanh giật tay lại nên không bị thương. Sau vụ đó, thanh niên kia cũng hoảng hồn xanh mặt. Dù rất bực bội với lũ chó nhưng tôi không có cách nào để đuổi chúng đi…”.
Đội săn bắt chó thả rông không còn hiệu quả
Bà Hoài (54 tuổi, người đi bộ tại công viên này) cho biết: “Nhà tôi sống ngay bên kia đường, mỗi chiều cả 3 bà cháu tôi đều dắt nhau ra đây tập thể dục. Ở công viên này khá sạch sẽ, tuy nhiên chỉ có một vấn đề là chó thả rông rất nhiều”. Bà Hoài lo lắng nói thêm: “Năm trước, tôi đọc được thông tin nhiều cháu nhỏ bị chó cắn dẫn đến rách mặt, rách mũi phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, tôi rất lo sợ nên cả tháng liền không dám cho các cháu ra khỏi nhà. Nhưng ở nhà riết cũng rất bức bối, tôi đành cho các cháu ra công viên chơi, nhưng phải trông coi không để các cháu nô đùa với chó, vì sợ chẳng may sẽ bị chó cắn bị thương…”.
Đối với các trường hợp không rọ mõm, không xích, không tiêm phòng vắc-xin cho chó còn bị xử phạt hành chính từ 600 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng. |
Theo ông Lê Việt Bảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết, việc bắt chó thả rông đã được Chi cục Thú y TP thực hiện từ lâu, từ những năm đầu thành lập để phòng ngừa bệnh dại, đồng thời nhằm giải quyết tình trạng phóng uế bừa bãi, hạn chế tai nạn giao thông. Trước đây, đội bắt chó thả rông (trước đây thuộc Trạm phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật, Chi cục Thú y TP.HCM) được phép tổ chức bắt chó thả rông, tuy nhiên, hiện nay theo quy định mới, Chi cục Thú y TP tổ chức các đội có chuyên môn để phối hợp với các địa phương tổ chức bắt chó lang thang ở cộng đồng. Kế hoạch bắt chó phụ thuộc vào đề nghị của từng địa phương nên có sự bị động hơn so với trước.
Ông Bảo cho biết thêm, hiện nay thống kê trên toàn địa bàn TP có khoảng hơn 220 ngàn con chó, với khoảng 122 ngàn 500 hộ nuôi. Theo quy định hiện hành, chó khi ra đường cần có rọ mõm hoặc xích, được tiêm phòng đầy đủ. Do đó khuyến cáo người dân nên sử dụng rọ mõm, xích chó theo đúng quy định, nếu không tuân thủ lực lượng chuyên môn sẽ tổ chức bắt. Sau khi chó bị bắt, trong vòng 72 giờ nếu không có chủ đến nhận lại thì chó này sẽ thuộc vào trường hợp vô chủ, buộc phải tiêm thuốc, xịt hóa chất và tiêu hủy tại bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM), hoặc cung cấp chó cho các trường đại học có ngành thú y phục vụ cho việc học và khám nghiệm nghiên cứu. Đối với các trường hợp không rọ mõm, không xích, không tiêm phòng vắc-xin cho chó còn bị xử phạt hành chính từ 600 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng.
Bài, ảnh: Nhã Nam
Bình luận (0)