Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nấm độc: Dễ nhầm, khó cứu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tùy theo loại nấm, biểu hiện ngộ độc nhiều khi xuất hiện rất nhanh sau khi ăn.

Nấm lành là nguồn thực phẩm bổ dưỡng và con người đã biết nó một cách chắc chắn như nấm rơm, nấm mỡ, nấm hương, nấm kim chi, nấm bào ngư… Nấm độc thì gây hại, thậm chí gây chết người vì chúng có những độc tố nguy hiểm.
Nhiều người cho rằng chỉ các loại nấm có màu sắc sặc sỡ hoặc có mùi thơm đặc biệt mới là nấm độc. Thực tế không hoàn toàn như vậy vì ngay những loại nấm có hình thức rất giản dị, không có mùi, thậm chí có loại trông rất thân thiện nhưng lại cực độc đối với cơ thể.

Với hình thức như thế này, chắc chắn đây là một loại nấm độc
Vậy, để tránh ăn phải nấm độc, chúng ta cần lưu ý những kinh nghiệm sau đây:
– Không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, mùi thơm hấp dẫn.
– Không ăn nấm hoang dại lúc còn non vì nấm còn non rất giống nhau (giống cúc áo, khó phân biệt).
– Không ăn nấm quá già hoặc nấm có nghi ngờ, không rõ nguồn gốc.
– Loại bỏ nấm khi cắt mà từ vết cắt rỉ ra chất trắng như sữa.
– Tuyệt đối không ăn thử nấm vì có thể gây chết người nếu thử phải nấm độc.
Sơ cứu người ngộ độc nấm
Khi người bị nạn nôn ói nhiều, chúng ta không cần rửa ruột nữa. Nếu nạn nhân chưa nôn thì sơ cứu bằng gây nôn hoặc rửa dạ dày. Không rửa dạ dày khi bệnh nhân đã có các triệu chứng lơ mơ hay mê man. Không cho nạn nhân uống các loại thuốc có rượu, vì chất độc của nấm dễ tan trong rượu và ngấm rất nhanh vào máu.
Sau khi sơ cứu, chuyển ngay nạn nhân lên y tế tuyến trên để tiếp tục cứu chữa. Cần tiến hành sơ cứu cho cả những người đã cùng ăn nấm, dù chưa có biểu hiện triệu chứng.

Cũng có những loại nấm độc giống với nấm ăn (nấm trồng), rất khó phát hiện nhưng nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy gốc có bao và có vòng cổ. Cấu tạo của nấm bao gồm phần thể quả mọc ở trên mặt đất mà ta thường nhìn thấy và thể sợi ăn xuống dưới đất. Phần thể quả bao gồm mũ nấm và cuống nấm. Dưới mũ nấm có phiến nấm.

Cuống nấm hay chân nấm, ở phần trên có vòng mỏng dạng màng gọi là vòng nấm, phần dưới cuống có bộ phận bao quanh gốc gọi là bao gốc. Bộ phận độc của nấm nằm ở thể quả nấm. Những nấm có đủ mũ, phiến, cuống, vòng và bao gốc thường là nấm độc. Đây là điều chúng ta cần lưu ý.
Tùy theo loại nấm, biểu hiện ngộ độc nhiều khi xuất hiện rất nhanh sau khi ăn, sớm nhất là 20 – 30 phút nhưng thường thì sau 2 – 4 giờ, có khi sau 20 giờ. Biểu hiện ngộ độc càng chậm thì chất độc càng ngấm sâu vào cơ thể, càng khó chữa.
Những biểu hiện chung thường thấy khi ngộ độc nấm là buồn nôn và nôn, có khi nôn ra thức ăn lẫn máu; đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài ra nước tanh thối, dính máu; toàn thân mệt mỏi, lạnh toát, bí tiểu, khát nước, đôi khi nổi mẩn; trụy tim mạch rõ rệt, huyết áp thấp, mạch chậm, co mạch, người tái xanh; tức thở, có triệu chứng co thắt phế quản, ứ máu ở phổi. Trong nhiều trường hợp có thể có các biểu hiện như: toát mồ hôi, tứa nước bọt, đau bụng, tiêu chảy, thở gấp, da tái xanh, điên cuồng, hoa mắt, co giật, bất tỉnh…
Bài và ảnh: Lương y HOÀI VŨ
(Hội Đông y Hà Nội)
Theo NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)