Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hai bệnh nguy hiểm từ mạch máu lớn nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Với triệu chứng đau ngực, mọi người thường e ngại và cảnh giác khi nghi ngờ do bệnh mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, có một căn bệnh khác chưa được mọi người quan tâm đúng mức, cũng gây đau ngực và nguy hiểm không kém, đó là bệnh lý của động mạch chủ ngực: phình động mạch chủ ngực, bóc tách động mạch chủ ngực.

Gây biến chứng nguy hiểm
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất cơ thể, xuất phát từ tim, đi trong ngực (động mạch chủ ngực) và bụng (động mạch chủ bụng), cho các nhánh dẫn máu đến các cơ quan trong cơ thể. Động mạch chủ có ba lớp từ trong ra ngoài là lớp áo trong, lớp áo giữa và lớp áo ngoài.
 Phình động mạch chủ: là tình trạng thoái hoá lớp áo giữa, làm thành động mạch chủ yếu đi và phình to. Khối phình có thể lệch về một hướng hoặc phình đều ra mọi hướng. Khối phình tăng dần kích thước theo thời gian, lớn quá có thể chèn ép và làm tổn thương mạch máu, thần kinh lân cận, gây tình trạng rối loạn tưới máu khu vực. Cục huyết khối dễ hình thành trong túi phình, khi rời ra trôi theo dòng máu, có thể gây tắc mạch làm tổn thương cơ quan hoặc đột quỵ. Khi khối phình nứt hoặc vỡ, sẽ gây xuất huyết, giảm cung cấp máu cho các mô. Vỡ phình động mạch chủ ngực thường gây mất máu nhanh, nhiều, truỵ tim mạch, tụt huyết áp và tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Bóc tách động mạch chủ: là tình trạng động mạch chủ bị rách lớp áo trong, làm máu len vào giữa lớp áo trong và lớp áo giữa, lóc các lớp của thành động mạch chủ. Tình trạng này có thể mãn tính hoặc cấp tính. Bóc tách động mạch chủ ngực có thể gây biến chứng: tổn thương van động mạch chủ, tắc nghẽn động mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ nếu bóc tách đến động mạch cảnh, tổn hại các cơ quan (thận, ruột, tuỷ sống…), do thiếu máu nuôi đưa đến suy thận, hoại tử ruột, yếu liệt… Cũng như phình động mạch chủ ngực, bóc tách động mạch chủ ngực có thể làm vỡ động mạch chủ, đưa đến tử vong.
Cần phẫu thuật kịp thời
Dựa trên tiền sử, triệu chứng của bệnh nhân, dấu hiệu thăm khám, nếu có nghi ngờ bệnh lý động mạch chủ, bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm cần thiết như: X-quang ngực thẳng, siêu âm tim, chụp CT-Scan ngực – bụng có cản quang,… để chẩn đoán và đánh giá tổn thương.
Điều trị bệnh lý động mạch chủ tuỳ vào tổn thương. Có những trường hợp chỉ cần theo dõi và điều trị nội khoa, chẳng hạn như phình động mạch chủ kích thước nhỏ… Kết hợp với điều trị nội khoa, bệnh nhân cần áp dụng lối sống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh nặng thêm; tránh vận động mạnh, không chơi các môn thể thao cần nhiều thể lực, tính đối kháng cao, dễ va chạm; đánh giá tổn thương mỗi sáu tháng hoặc một năm để can thiệp phẫu thuật kịp thời, nếu cần.
Nếu khối phình động mạch chủ quá lớn hoặc phát triển quá nhanh, doạ vỡ thì cần điều trị phẫu thuật. Vỡ động mạch chủ (do phình hay bóc tách) hoặc xảy ra biến chứng khác, có thể phải phẫu thuật cấp cứu. Nếu không xử trí kịp sẽ nguy hiểm tính mạng. Thông thường, đoạn động mạch chủ bị bệnh được cắt bỏ và thay bằng ống ghép nhân tạo. Phẫu thuật động mạch chủ ngực là loại phẫu thuật phức tạp, nguy cơ cao, cần sử dụng máy tim, phổi nhân tạo.
Quan trọng là phải phát hiện sớm
Có những yếu tố nguy cơ gây bệnh động mạch chủ ngực như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp (trên 70% trường hợp bóc tách động mạch chủ có tăng huyết áp), bệnh lý van động mạch chủ, chấn thương mạnh vùng ngực… Để phòng ngừa bệnh lý động mạch chủ, lưu ý: kiểm soát huyết áp tốt nếu bị tăng; điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ máu; không hút thuốc lá; áp dụng chế độ ăn lạt, ít chất béo có hại; người béo phì phải giảm cân; tập thể dục đều đặn… Nếu mắc bệnh mô liên kết, hội chứng Marfan, hoặc tiền căn gia đình có người mắc bệnh động mạch chủ, cần kiểm tra tim và động mạch chủ bằng siêu âm tim.
Phình động mạch chủ ngực thường ít biểu hiện triệu chứng. Một số người sẽ cảm thấy đè nặng hoặc đau ở ngực, bụng, lưng. Bóc tách động mạch chủ ngực cấp có thể gây triệu chứng tương tự nhồi máu cơ tim, điển hình là đau ngực (chiếm hơn 85% trường hợp), đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội, đau như xé ở sau xương ức lan ra sau lưng, tay. Ngoài ra, bệnh lý động mạch chủ gây biến chứng cấp tính và nặng nề, có thể khiến bệnh nhân đau ngực dữ dội, khó thở, cảm giác yếu, vã mồ hôi, bất tỉnh… Cần cảnh giác với triệu chứng đau ngực và nên đến bệnh viện ngay khi có nghi ngờ. Phát hiện bệnh sớm giúp ngăn chặn diễn tiến, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Phù thuỷ của trái tim
BS Michael Ellis DeBakey (7.9.1908 – 11.7.2008) là một tượng đài có nhiều đóng góp cho ngành phẫu thuật tim mạch thế giới. Ông đã phẫu thuật cho hơn 60.000 bệnh nhân, từ người nghèo cho tới người nổi tiếng như: Tổng thống Nga Boris Yeltsin; các tổng thống Mỹ John Kennedy, Lyndon Johnson, Richard Nixon; Vua Hussein của nước Jordan; Vua Shah của nước Iran; tỉ phú Hy Lạp Aristotle Onassis;… Ông được trao nhiều giải thưởng, trong đó có huân chương vàng, phần thưởng chương cao quý nhất mà Quốc hội Mỹ dành cho một thường dân. Tổng thống Boris Yeltsin ca ngợi ông là “phù thuỷ của trái tim” (Magician of the heart).
Những năm 1950, BS DeBakey phát minh ra ống ghép nhân tạo để thay thế mạch máu bị bệnh, giúp điều trị bệnh lý mạch máu và động mạch chủ. Loại ống ghép này đã dùng rộng rãi trên thế giới. Như định mệnh, chính ông lại mắc phải bệnh lý động mạch chủ và được điều trị bằng phương pháp ông đề ra. Ngày 10.2.2006, ở tuổi 97, BS DeBakey trở thành người lớn tuổi nhất thế giới được phẫu thuật động mạch chủ. Đến 9.2006, ông hồi phục và trở lại với công việc hàng ngày.
BS.CK1 Ngô Bảo Khoa / SGTT

Bình luận (0)