Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM nỗ lực lập chợ thực phẩm sạch

Tạp Chí Giáo Dục

UBND TP.HCM vừa phê duyệt dự án mô hình thí điểm 2 chợ bảo đảm an toàn thực phẩm đầu tiên.

TP.HCM nỗ lực lập chợ thực phẩm sạch - Ảnh 1.

Công nhân rửa sạch khu thí điểm thịt heo theo đề án chợ đảm bảo an toàn tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn – Ảnh: XUÂN ĐÀO

Theo đó, sẽ chọn thí điểm 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành, tiến tới nhân rộng ra tất cả các chợ sau năm 2020.

Sẽ yên tâm với thực phẩm sạch?

Đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cho biết hiện ban đã bố trí 8 đội quản lý ATTP liên quận, huyện và 2 đội quản lý ATTP ở 2 chợ đầu mối của TP là Hóc Môn và Bình Điền. Có 3 tiêu chí cơ bản mà tiểu thương buôn bán ở chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn TP phải đáp ứng là có giấy phép đăng ký kinh doanh, có giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa vào chợ phải có nguồn gốc.

Về việc thí điểm 2 chợ ATTP, vị này cho biết cũng dựa trên 3 tiêu chí cơ bản trên. Ban quản lý ATTP phối hợp với cơ quan chức năng sẽ tăng cường hướng dẫn cho tiểu thương, đồng thời tăng giám sát, xử phạt tiểu thương, đơn vị kinh doanh vi phạm.

Cụ thể, tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (cung cấp lượng lớn thịt heo và rau củ quả cho TP) sẽ có đội quản lý ATTP gồm 14 cán bộ. Với thịt heo, Sở Công thương đã xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc. Cán bộ của đội sẽ phối hợp với ban quản lý chợ giám sát nguồn gốc thịt thông qua mã truy xuất nguồn gốc. Nguồn thịt được giám sát an toàn sẽ được cung cấp đến các chợ truyền thống và tiểu thương bán lẻ khác. Ngoài thịt heo, cán bộ của đội cũng hướng dẫn tiểu thương mở sổ ghi chép nguồn gốc nhập, xuất các mặt hàng khác như rau, củ, quả…

Chợ Bến Thành không bố trí đội quản lý ATTP, mà trách nhiệm quản lý ở ban quản lý chợ. Đội quản lý của Ban ATTP TP sẽ phối hợp với ban quản lý chợ và phòng y tế quận thường xuyên hướng dẫn tiểu thương mở sổ truy xuất nguồn gốc, ghi chép nguồn hàng, số lượng bán hằng ngày để theo dõi. Ban quản lý chợ sẽ được tập huấn về công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và nghiệp vụ kiểm tra ATTP. Đội quản lý ATTP phụ trách địa bàn sẽ phối hợp để thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm.

Quá trình kiểm tra, giám sát, Đội quản lý ATTP phát hiện thực phẩm, hàng hóa tại 2 chợ này có dấu hiệu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ lấy mẫu giám định. Nếu kết quả có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Tiểu thương lo nhiều thứ

Chị Lan Huệ, tiểu thương tại khu ăn uống chợ Bến Thành, cho biết rất hào hứng với thông tin thí điểm chợ bảo đảm ATTP vì hàng hóa của chị đã được quản lý sát sao. "Nhưng ban quản lý chợ cần đưa ra các tiêu chí đạt chuẩn để biết cách thực hiện sớm" – chị Huệ nói.

Một số tiểu thương buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn thẳng thắn nói rất băn khoăn việc thực hiện chợ đảm bảo ATTP đối với tất cả các mặt hàng liệu có khó khả thi? Vì buôn bán nhỏ lẻ không có vị trí ngồi cố định. Các mặt hàng cũng lấy từ nhiều nơi khác chứ không cố định, miễn sao bán có lời.

Chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương bán thịt heo tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết chị buôn bán nhỏ. Nếu tham gia thí điểm trong khu ATTP có thể gặp nhiều bất lợi vì không có vốn để trang bị cơ sở vật chất như bàn đặt thực phẩm, các dụng cụ đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn…

Một tiểu thương khác tại chợ Bến Thành cũng cho rằng muốn đảm bảo thí điểm cần quan tâm việc bố trí, quy hoạch và hỗ trợ tất cả tiểu thương, kể cả hộ buôn bán nhỏ lẻ không có vốn để tham gia khu thí điểm. Vì nếu còn các hộ buôn bán xung quanh chợ không đảm bảo sẽ khó kiểm soát được chất lượng thực phẩm.

Ông Lê Văn Tiển, phó giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết chợ có thành lập ban quản lý về ATTP chuyên trách để kiểm tra chất lượng thực phẩm ra vào chợ. Hiện tại, chợ đang tập trung thí điểm đối với mặt hàng thịt heo. Khi thí điểm thành công sẽ tiếp tục thực hiện với các mặt hàng khác.

Ông Phạm Thái Bình (giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Cần Thơ):

Đừng để thật – giả lẫn lộn

ht_toadam_5 1(read-only)

Ông Phạm Thái Bình – Ảnh: H.THUẬN

Để đẩy lùi thực phẩm bẩn, các cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát chặt thị trường, không để thật – giả lẫn lộn như hiện nay. Không có những chính sách khuyến khích được người làm thực phẩm sạch và trừng phạt những người làm thực phẩm bẩn, người tiêu dùng sẽ thiệt thòi.

Người tiêu dùng mất niềm tin vào thực phẩm thì người làm sạch cũng khó bán, nếu làm sạch mà bán bằng với giá của người làm bẩn thì sau một vài vụ, người làm sạch cũng mất động lực để làm tốt, thậm chí có người quay lại cách làm bẩn vì dễ hơn mà lợi nhuận nhiều hơn.

Theo TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)