Xây dựng một “ngôi nhà xanh” trong đó rác được phân loại và tái chế, những nguồn điện thắp sáng đều thân thiện với môi trường, nước máy lạnh qua xử lý thành nước sinh hoạt… là tham vọng mà những người thực hiện dự án Green House đang từng bước biến thành hiện thực.
Các thành viên trong dự án công bố mô hình nhà xanh do nhóm thực hiện |
Green House là dự án giáo dục STEM về môi trường do thầy Bùi Hoàng Hải (giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) phối hợp với câu lạc bộ STEM và học sinh khối 11 thực hiện, cùng sự hỗ trợ của các giáo viên trong trường. Bằng việc tích hợp kiến thức liên môn trong giảng dạy vào thực tế, Green House không chỉ mang đến cho học sinh những trải nghiệm sáng tạo thú vị mà trên hết là giáo dục các em ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường xanh.
Tiết kiệm khoảng 100 lít nước mỗi ngày từ… máy lạnh
Đây là con số được thầy Hải đưa ra sau khi đã tính toán. Theo thầy Hải, trong trường có khoảng 140 cái máy lạnh. Mỗi máy trung bình một ngày thải ra khoảng hơn 1/2 lít nước. “Như vậy, cả một dàn máy lạnh hoạt động hết công suất, mỗi ngày sẽ thải ra trên dưới 100 lít nước. Tận dụng được số nước này nghĩa là đã tiết kiệm được một lượng nước không hề nhỏ. Số nước thải này sau khi thu gom sẽ được xử lý bằng công nghệ hóa than do học sinh tự sáng chế từ những bộ lọc nước cũ. Nước đã qua xử lý sẽ được mang đi kiểm định, sau đó mới được đưa vào dùng trong sinh hoạt”, thầy Hải cho biết.
Chai lọ được tái chế để trồng cây |
Ngoài ra, Green House còn hướng dẫn học sinh sáng chế xe, máy bơm hay robot hút bụi chạy bằng pin mặt trời. Đặc biệt, vấn đề thắp sáng trong trường luôn khiến thầy và trò trăn trở. Làm sao để có thể vừa sử dụng được những nguồn năng lượng sạch thân thiện với môi trường vừa giải bài toán tiết kiệm điện mà lại không ảnh hưởng đến môi sinh là câu hỏi được Green House đặt ra. “Dựa vào kiến thức liên môn, các em học sinh tận dụng nguồn năng lượng mặt trời để tạo ra nguồn năng lượng sạch, sử dụng trong thư viện và một số phòng học. Cũng chính nguồn năng lượng này sẽ dùng để thắp sáng cho những mô hình nhà xanh được học sinh tạo ra hoàn toàn từ những vật liệu tái chế”, thầy Hải chia sẻ. Tuy nhiên, theo thầy Hải, giải pháp bền vững và dài hơi nhất giúp bảo vệ môi trường là phân loại rác theo giải pháp 3T. Nghĩa là tiết giảm, tái sử dụng và tái chế. Học sinh sẽ nhận diện rác thải, phân loại loại nào không sử dụng được, tái chế chai lọ để trồng cây hay tạo ra những sản phẩm trang trí.
Giáo dục ý thức “xanh”
Điểm sáng của Green House là tất cả các giải pháp môi trường đều do học sinh tự nghĩ ra và thực hiện. “Từ việc lọc nước máy lạnh, robot hút bụi phấn đến tạo nguồn năng lượng sạch hay phân loại rác đều là ý tưởng của các em. Tôi chỉ đặt ra vấn đề, các em sẽ tìm hướng giải quyết bên cạnh sự hướng dẫn, hỗ trợ của thầy cô”, thầy Hải chia sẻ.
Học sinh đang điều khiển xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời |
Tất cả các dự án của Green House đều mang tính tiết kiệm, xử lý ô nhiễm môi trường… Nhưng trên hết là tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, tạo sự hứng thú cho học sinh, đồng thời giáo dục các kỹ năng cho các em. |
Theo thầy Hải, học sinh toàn khối 11 được chia làm 6 nhóm, mỗi nhóm sẽ thực hiện những nhiệm vụ riêng, lên kế hoạch thực hiện trong từng tuần. Vào mỗi chiều thứ 3, thứ 5 hàng tuần, các nhóm sẽ tập trung lại để cùng nhìn về dự án. Theo đó, nhóm nghiên cứu sẽ hình thành ý tưởng, tạo bản vẽ để các nhóm khác thực hiện. Nhóm công nghệ thì làm mô hình nhà tái chế. Còn nhóm hóa sinh môi trường sẽ có nhiệm vụ phân loại rác, tái chế chai lọ để trồng cây tạo khoảng xanh trong lớp học, xử lý nước máy lạnh. Trong khi đó, nhóm kỹ thuật phụ trách tạo nguồn năng lượng sạch. Ngoài ra còn nhóm truyền thông, nhóm đồ họa. Bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 10-2017, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 1 năm 2018, chỉ với khoảng thời gian gần 3 tháng nhưng sức lan tỏa của Green House là không đong đếm được. “Dự án giúp chúng em tăng ý thức bảo vệ môi trường. Quá trình thực hiện, mày mò tạo ra những nguồn năng lương sạch giúp chúng em hiểu hơn về tiết kiệm điện, nước…”, Trương Minh Trí (học lớp 11A3, thuộc nhóm kỹ thuật) cho biết. Còn với Nguyễn Quốc Bảo (học lớp 11B5), ngoài ý thức bảo vệ môi trường thì trải nghiệm của dự án mang đến cho bản thân em và các bạn tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, hiểu hơn về rác tái chế quay vòng phục vụ con người.
Nhận xét về Green House, theo thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường), đây là dự án môi trường mang tính tiết kiệm và xử lý ô nhiễm theo hướng đổi mới phương pháp dạy học. Vừa giáo dục cho các em ý thức “xanh” trong việc bảo vệ môi trường, vừa tạo sự hứng thú và ghi nhớ kiến thức liên môn khi áp dụng vào thực tế. “Trên hết, dự án đã lan tỏa cho học sinh toàn trường tinh thần chung tay vì một môi trường xanh thân thiện”, thầy Phú nói.
Yến Hoa
Bình luận (0)