Cùng một tiết học văn, nhưng gần đây các em học sinh khối 8 Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) cảm thấy rất thích thú khi trong tiết học được tự tay làm ra chiếc lồng đèn trung thu tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận.
Các em chăm chút trang trí đèn |
Những chiếc lồng đèn sáng tạo
Tiết học văn sáng thứ 5 tuần qua diễn ra rất sôi nổi ở sân trường khi có sự tham gia của học sinh khối lớp 8. Ở một góc sân, nhóm học sinh lớp 8A3 đang làm lồng đèn kéo quân 12 con giáp. Phía đối diện, nhóm học sinh lớp 8A4 lại làm chiếc lồng đèn từ những…ống hút. Ở một góc khác, nhóm học sinh lớp 8A5 tỉ mỉ uốn những chiếc nan để cho ra hình thù chiếc đèn ông sao truyền thống… Thoạt nhìn, không ai nghĩ đó là không khí của một tiết học môn văn vốn chỉ bó hẹp trong không gian lớp học với phấn trắng, bảng đen. Ở đây, các em học sinh được thoải mái trao đổi, hỏi thăm về tiến độ thực hiện công việc của mỗi nhóm. Chỉ vào chiếc đèn đang thực hiện, em Trương Mỹ Hoa (lớp 8A2) cho biết: “Nhóm em đang làm chiếc lồng đèn hoa sen từ những vật liệu tái chế như muỗng nhựa, chai nhựa…Chúng em được sáng tạo tùy theo ý thích, miễn là nắm được kỹ thuật làm lồng đèn. Chiếc lồng đèn của nhóm em sử dụng các vật liệu tái chế nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống trước nguy cơ ô nhiễm như hiện nay”. Quả thực, với các vật liệu có sẵn, những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống, hiện đại đã ra đời. Mỗi chiếc đều mang màu sắc và sự sáng tạo, khéo kéo riêng của từng nhóm. Chiếc thì gắn các họa tiết thiên văn, chú Cuội, chị Hằng; chiếc thì khi xoay sẽ lần lượt hiện lên 12 con giáp hay chiếc đèn ông sao được gắn thiết bị điện với giai điệu “tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh” nghe thật vui tai… Những chiếc đèn sau khi được nghiệm thu sẽ treo gần cổng trường, nơi phụ huynh có thể nhìn thấy khi đưa đón con mỗi ngày.
Tiết học tạo sự hứng khởi
Để có tiết học văn này, nhà trường phải lên kế hoạch chi tiết, cụ thể. Cô Nguyễn Thúy (nhóm trưởng môn văn khối 8) cho biết dự án này sẽ được lấy điểm 1 tiết môn văn thể loại chứng minh. Theo đó, học sinh có 1 tuần để chia nhóm, chuẩn bị nguyên vật liệu và 2 tiết học để thực hiện chiếc lồng đèn. Sau khi làm xong, các em có 1 tuần để làm PowerPoint, trình chiếu các thuyết minh về sản phẩm của mình. “Dự án này được tích hợp với nhiều môn học khác như toán (khi các em tính toán, chia tỷ lệ các khung), lý (kỹ thuật lắp ráp), mỹ thuật (trang trí). Ngoài ra, các bản thuyết trình sẽ được dịch sang tiếng Anh và đưa lên website giáo dục liên kết với nước ngoài nên sẽ tích hợp thêm môn tiếng Anh và công nghệ thông tin”, cô Thúy phân tích.
“Điều quan trọng mà dự án làm được là tạo niềm vui cho học sinh, khiến các em tự tin với thành quả mình đã làm. Phụ huynh lại càng vui hơn khi thấy con mình học nhẹ nhàng, thoải mái mà vẫn đạt được những yêu cầu của môn học”, cô Nguyễn Thúy (nhóm trưởng môn văn khối 8 Trường THCS Trần Văn Ơn) nói. |
Tuy nhiên, theo cô Thúy, điều quan trọng mà dự án làm được là tạo niềm vui cho học sinh, khiến các em tự tin với thành quả mình đã làm. Phụ huynh lại càng vui hơn khi thấy con mình học nhẹ nhàng, thoải mái mà vẫn đạt được những yêu cầu của môn học. “Nhiều phụ huynh còn tự nguyện tài trợ những khoản kinh phí nhỏ hoặc giúp con chuẩn bị vật liệu để thực hiện. Tất cả những sản phẩm do các em thực hiện sau khi nghiệm thu, trưng bày sẽ được trao tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Đa Kao, Q.1”, cô Thúy cho biết.
Không chỉ tạo cho học sinh có những giờ học thú vị, cách chấm điểm của giáo viên theo phương thức này cũng khiến các em thích thú bởi tính khách quan và sự công bằng. Theo đó, nhóm trưởng mỗi nhóm ngoài việc phân công công việc còn có trách nhiệm quan sát, căn cứ theo sự nhiệt tình và mức độ hoàn thành để xếp loại từng thành viên trong nhóm. Mỗi mức xếp loại sẽ tương ứng với một số điểm đưa ra theo quy định trước đó (ví dụ, khá: 7 điểm; khá+: 8 điểm; trung bình: 5 điểm; trung bình+: 6 điểm…). Điểm này sẽ được cộng với điểm chung của nhóm do một nhóm khác chấm trong tiết thu hoạch, trình chiếu sản phẩm (có thể là phóng sự, PowerPoint hoặc bài viết thuyết minh), chia đôi, cộng với điểm giáo viên bộ môn chấm cho nhóm (đã nhân hệ số 2) chia ba thì sẽ ra số điểm cuối cùng của bài kiểm tra 1 tiết cho từng cá nhân.
Ngọc Anh
Bình luận (0)