Sau ngày cưới đúng 9 tháng 10 ngày, con gái đầu lòng của chúng tôi chào đời: 5-10-1971 (chúng tôi thành hôn ngày 26-12-1970). Biết bao khắc khoải, chờ mong; biết bao hồi hộp mong chờ òa vỡ.
Ai cũng mừng rỡ thở phào, cười reo hỷ hả khi nhận ra sức khỏe cháu bình thường; nặng 3,7 kg; đôi tay không có biểu hiện gì “giống bố”. Tôi quyết định đặt tên con là Ngọc Ánh với hy vọng bé sẽ là viên ngọc luôn ánh ngời tỏa rạng sắc màu yêu thương, hạnh phúc, niềm tin. Ngày đầu tiên đón cháu từ trạm xá về nhà, tôi ngây ngất trong niềm hân hoan được bà xã đặt vào “vòng chân” để tôi ru ngủ trên chiếc võng đay. Và cứ thế một bài thơ ngẫu hứng được vang lên thật tự nhiên từ lòng tôi, từ cửa miệng tôi theo nhịp võng nhẹ nhàng à ơi, kẽo kẹt…
Cha nằm trên võng ru con
Tưởng như ru cả nước non quê nhà
Con ơi con ngủ đi mà
Trời xanh gió mát hiền hòa tiếng chim.
Đời cha bảy nổi ba chìm
Đời con cất cánh đi tìm tương lai
Đời cha đã có hôm nay
Đời con sẽ có ngày mai huy hoàng
Con là viên ngọc thời gian
Thiết tha thương mến muôn vàn con ơi!
Bao nhiên ngang trái nỗi đời
Nhìn con cha thấy đất trời đầy hoa
Con là hạnh phúc cả nhà
Con là hy vọng, con là niềm tin.
Ngủ ngoan con nhé cho yên
Mai rồi con sẽ lớn trên đất này
Mở lòng giang cánh con bay
Bốn phương đất nước trời mây núi rừng…
Con đi đi đến tận cùng
Ước mơ ngày tháng cha từng đợi trông.
(Sau này bài thơ đã trở thành bài hát ru của cả nhà. Ba con tôi lại dùng nó ru các con mình bằng việc thay đại từ nhân xưng).
Từ ngày có bé Ngọc Ánh, vợ chồng tôi bận bịu, vất vả, chật vật hơn rất nhiều; song cũng vui hơn bội phần. Tôi luôn tìm cách hỗ trợ bà xã trong việc chăm sóc cháu. Thấy tôi ngày ngày ngồi ở cầu ao giặt tã lót cho con, mẹ tôi liền lên tiếng khá gay gắt:
– Việc này đàn bà phải làm chứ? Bắt chồng dùng chân giặt tã cho con vậy mà coi được à!
Tôi cười trừ, “phản biện”:
– Ấy chết, nhà con có bắt đâu. Con thích làm cho vui và cũng là cách để giải lao đầu óc mà mẹ!
Mẹ không chịu, khăng khăng bắt tôi phải rời xa cái việc mẹ cho là “khó coi” ấy. Phần nể mẹ, phần thương vợ, tôi quyết định “dung hòa”: Cứ sáng sáng, khi cả nhà còn im lìm trong giấc ngủ, tôi “bí mật” nhắc vợ mang tã lót con và quần áo mình xếp vào chậu mang ra cầu ao. Sau khi mớ đồ đó được khẩn trương giặt sạch sẽ, tôi nhanh chóng vào bàn làm việc, thắp đèn xem lại lần cuối trang giáo án chuẩn bị cho ngày lên lớp mới. Vừa lúc mẹ dậy, bà tỏ ra rất hài lòng khi thấy tôi đang say sưa bên bàn làm việc, còn vợ tôi đang lặng lẽ bê chậu đồ đầy tú hụ vào sân vắt lên dây phơi.
Vậy là chỉ một việc nhỏ tôi đã đạt ba mục đích: Vợ vui, mẹ vui và dĩ nhiên, tôi là người vui nhất.
Đến ngày Ngọc Ánh cần ăn dặm, tôi quyết định mua hẳn chiếc cối đá nhỏ về nhà tự xay bột nấu cháo cho con (ngày đó chưa có máy nghiền bột như bây giờ). Khi vận hành, xuất hiện một hiện tượng: lúc thớt trên của cối xoay thì thớt dưới cũng bập bênh xoay theo. Người vận hành phải một tay xoay thớt trên, một tay giữ thớt dưới. Tôi tay đâu làm việc đó. Thế là tôi liền nghĩ cách dùng ba thanh gỗ đóng thành chiếc kiềng nhỏ đặt chiếc cối cố định trên đó. Tôi lại gia công thêm cái núm cầm ôm trọn cái trục tay xoay. Khi vận hành, tôi thoải mái dùng chân phải giữ chặt cái núm xoay, cái lõi tay xay cứ thế xoay thoải mái; chẳng cần giữ, chiếc cối vẫn “ngoan ngoãn” nằm im theo sự điều khiển của tôi. Chân lại không hề bị cọ xát, bỏng rát như trước. Bột xay ra không bị dính bẩn vào đáy cối như bình thường mà được hứng sạch sẽ gọn gàng trong chiếc mẹt nhỏ đặt vừa trọn trong ba chân cối vòng kiềng cách mặt đất chừng năm, bảy phân.
Có bột rồi. Việc nấu cháo và cho Ánh ăn cũng là một việc không dễ dàng với tôi. Nếu nấu bằng bếp rơm rạ, buộc phải một tay tiếp nhiên liệu cho ngọn lửa cháy đều; một tay quấy xoong bột liên tục để cháo không bị khê. Để tiện cho cách dùng đôi chân thực thi công việc này, tôi dùng bếp dầu thay cho bếp đun bằng rơm rạ (cũng tốn kém hơn nhiều đấy. Biết vậy, nhưng đành chấp nhận thôi!). Bếp được đặt ngay ở góc nhà. Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị, nhóm lửa xong, tôi ung dung ngồi trên chiếc ghế dựa một chân điều khiển cho ngọn lửa to nhỏ theo yêu cầu, một chân khuấy bột. Mọi thao tác vừa nhẹ nhàng đơn giản; cháo lại dẻo ngon, không bị tro bụi vương vào như nấu bếp rơm rạ.
Khi cho bé ăn. Dĩ nhiên tôi không thể vừa bế vừa đút cho con được. Những hôm bà xã vắng nhà, việc bế cháu thường do mẹ tôi đảm nhiệm. (Thời điểm này mẹ tôi đã gần 70, bị bệnh phế quản mãn tính nên rất yếu). Khi bé biết ngồi vững, tôi nhờ mẹ đặt bé vào chiếc xe đẩy. Cứ thế tôi vừa bày đủ trò cho Ánh cười vui thích thú vừa nhẹ nhàng dùng chân phải, ngồi ở chiếc ghế đối diện bón từng thìa cháo ngon lành vào miệng con trong niềm vui dâng trào.
Giữa thời bao cấp khó khăn, cả nước dồn sức cho sự nghiệp chống Mỹ, mọi nhu yếu phẩm đều mua bằng tem phiếu theo định lượng rất khiêm nhường. Vợ chồng tôi dù phải ăn mì nắm, mì sợi, bo bo, ăn ngô răng ngựa bung, nhai đến sái quai hàm vẫn luôn có gạo tám xoan, có hạt đậu xanh dành xay bột cho con (phần lớn số gạo, đậu này do bố mẹ tôi dành dụm ưu tiên phần cháu). Tiêu chuẩn thịt hàng tháng, vợ chồng chỉ ăn chút mỡ, chút da; còn bao nhiêu nạc ngon dành chế biến ruốc cho con.
Được chăm sóc chu đáo, bé Ngọc Ánh ngày một dễ thương. Mười tháng tuổi đã nặng tới cả chục ký, trông mũm mĩm trắng trẻo như cục bột, ai nhìn cũng mê, cũng muốn bế nựng.
(Còn tiếp)
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
Bình luận (0)