Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sẽ giám sát về phòng, chống bạo lực đối với trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp cuối buổi sáng 22-4.

Đồng tình với các nguyên tắc (có thể xem như một barem để lựa chọn chuyên đề giám sát – như lời bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp), song nhiều ý kiến tại phiên họp cho rằng chưa cần thiết tiến hành giám sát việc thực hiện Luật Thủ đô như đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội. Trong khi đó, nhiều vấn đề nóng khác đã được kiến nghị bổ sung vào chương trình.

Hình ảnh bạo hành trẻ em khiến xã hội phẫn nộ

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị bổ sung chuyên đề về phòng chống bạo lực đối với trẻ em (nhà trẻ, cơ sở mầm non), bạo lực tình dục với trẻ em. “Cử tri rất bức xúc với tình trạng bạo lực trẻ em gia tăng đáng kể trong thời gian qua”. Bà Lê Thị Nga đồng tình cao, đồng thời nhấn mạnh thêm về sự cần thiết tiến hành giám sát tối cao hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông. “Bản thân tôi phát biểu rất nhiều lần về vấn đề này, khi mà trung bình cứ mỗi năm có 8.000 – 9.000 người chết, đó là chưa tính số vào viện rồi chết, số bị thương tật suốt đời. Tại sao càng kêu gọi tăng cường thì trật tự an toàn giao thông càng bức xúc”, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp trăn trở.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị bổ sung giám sát thực hiện chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp xúc cử tri thấy nhiều vấn đề. Ông Hà Ngọc Chiến đề nghị, thay vì giám sát các dự án kém hiệu quả (trong đó có 12 đại dự án do Bộ Công Thương quản lý đang được xử lý), cần giám sát các dự án công trình trọng điểm do Quốc hội quyết định.

Bổ sung giám sát thực hiện khiếu nại về đất đai là đề nghị của Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, sau đó được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tán thành.

Nêu quan điểm cần có tầm nhìn trong giám sát, cụ thể là bên cạnh những vấn đề đang có bức xúc, cũng cần giám sát việc thực hiện các chủ trương mới, chính sách mới đang và sẽ thực hiện. Chẳng hạn, việc phát triển ngành du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn – một hướng đi mới của đất nước; việc cải cách bộ máy nhà nước, đội ngũ công chức. Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý cần rà soát lại những nội dung thực hiện kiến nghị sau giám sát, trong đó có vấn đề về bạo lực đối với trẻ em, đã từng làm cách đây nhiều năm. “Giải quyết khiếu nại đất đai cũng là vấn đề đang nóng, như các đồng chí thấy gần đây tại xã Mỹ Đức, nếu không giải quyết tốt có xu hướng lây lan sang các địa phương khác. Bên cạnh đó là việc quy hoạch và sử dụng đất. Trên thực tế có nhiều tuyến, khu, cụm CN quy hoạch xong để đó”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ đồng ý bổ sung các chuyên đề về bạo lực đối với trẻ em và chính sách đối với đồng bào dân tộc.

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói rõ, UBTVQH đã thống nhất cao về các chuyên đề được lựa chọn giám sát, bao gồm sắp xếp, cổ phần hóa DNNN; quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vay nợ nước ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế; thi hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ; phòng chống bạo lực trẻ em; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó, Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 nội dung, còn lại UBTVQH và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban sẽ tiến hành giám sát.

ANH PHƯƠNG (SGGP)

 

Bình luận (0)