Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chương trình mới: Lớp 1 sẽ học thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu đề xuất của GS Nguyễn Minh Thuyết (tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới) và ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được chấp thuận, thì chỉ còn hơn một năm nữa 100% học sinh vào lớp 1 năm học 2018-2019 sẽ học chương trình mới.

Chương trình mới: Lớp 1 sẽ học thế nào?
So với chương trình hiện hành, số môn học lớp 1 của chương trình mới không điều chỉnh nhiều. Trong ảnh: một tiết học tiếng Việt của học sinh lớp 1/6 Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, Q.5, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

“Các địa phương sẽ phải đồng hành cùng ngành GD-ĐT trong việc chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình mới. Cụ thể, ở đây cần có sự can thiệp để phân luồng học sinh giữa các trường trong cùng địa bàn, nhằm giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng diện tích để có thể bố trí tăng số buổi học/tuần"

GS Nguyễn Minh Thuyết

Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được công bố ngày 12-4, thì học sinh lớp 1 học chương trình mới với các môn toán, tiếng Việt, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, thế giới công nghệ (môn bắt buộc), giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo (môn bắt buộc có phân hóa), tiếng dân tộc thiểu số, nội dung giáo dục địa phương và hoạt động tự học có hướng dẫn của giáo viên (môn tự chọn).

Chủ yếu là thay đổi phương pháp dạy học

So với chương trình hiện hành, số môn học của chương trình mới không điều chỉnh nhiều. Một số môn học có tên mới hoặc có cả nội hàm mới được thay thế cho các môn cũ.

Ví dụ, môn cuộc sống quanh ta thay thế cho môn tự nhiên & xã hội, môn giáo dục lối sống thay cho môn đạo đức, thế giới công nghệ là tích hợp từ môn kỹ thuật, thủ công; môn nghệ thuật tích hợp từ âm nhạc, mỹ thuật.

 

Ngoài ra, có thêm hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thời lượng, nội dung học tập, kiểm tra như một môn học.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Thuyết cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý, ông đang đề xuất bỏ bớt môn thế giới công nghệ ở lớp 1, 2. Nếu việc này được quyết định, thì lớp 1 chỉ còn 4 môn học bắt buộc, 3 môn học bắt buộc có phân hóa và các môn học tự chọn.

“Nội dung môn học lớp 1 ở dự thảo chương trình mới không khác nhiều so với chương trình hiện hành, và được thiết kế theo hướng giảm bớt những kiến thức khó, điều chỉnh để nhẹ nhàng hơn, gần gũi với đối tượng học sinh.

Bởi vậy, quan trọng nhất ở đây là phải thay đổi phương pháp dạy học. Sau khi hoàn chỉnh chương trình thì sẽ phải biên soạn sách giáo khoa và tập huấn giáo viên. Đó là những công việc cần làm ngay để kịp triển khai đại trà chương trình mới trong năm học 2018-2019” – ông Thuyết chia sẻ.

Diễn giải về nội dung môn học của lớp 1, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết thêm: môn giáo dục lối sống sẽ không chỉ đưa các bài học đạo đức khô cứng, mà chú trọng vào việc đưa học sinh vào các tình huống để các em hình thành nhận thức, kỹ năng ứng xử.

Tương tự, môn cuộc sống quanh ta không cung cấp kiến thức, số liệu phải ghi nhớ, mà giới thiệu cho học sinh về thế giới xung quanh qua những câu chuyện nhẹ nhàng… Bởi vậy, vai trò của giáo viên trong việc tiếp cận các phương pháp dạy học phù hợp rất quan trọng.

“Trước mắt, giáo viên môn giáo dục thể chất, nghệ thuật có thể sử dụng nguồn hiện có, nhưng được bồi dưỡng tập huấn thêm. Với các môn bắt buộc có phân hóa lệ thuộc vào đặc điểm, sở trường của học sinh nhưng cũng lệ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên, sẽ triển khai theo mức độ khác nhau” – ông Thuyết giải thích.

Thượng sách: học 2 buổi/ngày

GS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục, cho rằng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể – đặc biệt ở bậc tiểu học cần phải linh hoạt, để nơi có điều kiện thực hiện dạy theo 2 buổi/ngày, nơi không có điều kiện có thể áp dụng dạy 1 buổi/ngày; vì hiện nay không phải nơi nào cũng có thể áp dụng một chương trình thiết kế cho học 2 buổi/ngày.

Tại một số diễn đàn phản biện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng nêu vấn đề này. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng khó có thể áp dụng chương trình này chung cho toàn quốc, vì điều kiện giữa các vùng miền quá khác biệt. Nhất là khi phải thực hiện ngay lớp 1 trong khoảng hơn một năm nữa.

Nhưng trao đổi ngày 3-5, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định dự thảo chương trình vừa công bố áp dụng cho dạy học 2 buổi/ngày. “Ở các nước phát triển, học sinh tiểu học đều học 2 buổi/ngày. Vì thế, nếu chúng ta chỉ học 1 buổi/ngày thì sẽ khó giải quyết được tình trạng quá tải, và khó nâng chất lượng giáo dục” – GS Thuyết bày tỏ quan điểm.

Với dự kiến năm học 2018-2019 sẽ triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết các địa phương cần phối hợp với ngành GD-ĐT, để năm học này ưu tiên học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Theo lộ trình tiếp theo, năm thứ 2 thực hiện chương trình mới sẽ giải quyết vấn đề cơ sở vật chất cho học sinh lớp 1, 2 được học 2 buổi/ngày. Như vậy việc chuẩn bị sẽ không bị cập rập.

Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, hiện nay khá nhiều tỉnh, thành đã đảm bảo điều kiện cho trên 90% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Nhưng cũng có những địa phương tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày quá ít, chỉ đạt 10-30% như An Giang, Gia Lai, Cà Mau, Đồng Nai…

GS Thuyết cho rằng nếu học sinh được học chương trình mới với 2 buổi/ngày là thượng sách. Nhưng khi chưa thực hiện được thì có phương án “trung sách”, là cho học sinh học 6 buổi/tuần.

“Trường hợp học sinh học 6 buổi/tuần, lớp 1 sẽ học 4 tiết/buổi, tổng cộng 24 tiết/tuần. Theo thiết kế chương trình mới (31 tiết/tuần) thì lớp 1 sẽ bị hụt khoảng 7 tiết/tuần. Giải quyết vấn đề này bằng cách không học các môn tự chọn. Lớp 2, 3 phải điều chỉnh để học 4,5 tiết/buổi, và theo dự thảo chương trình mới vẫn hụt 4 tiết/tuần, rơi vào các tiết tự chọn. Tuy không phải là phương án tốt nhất, nhưng cơ bản vẫn đảm bảo được yêu cầu” – GS Thuyết giải thích.

Chương trình mới: Lớp 1 sẽ học thế nào?

Tại Hà Nội cũng không đủ cơ sở vật chất học 2 buổi/ngày

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng thừa nhận ở một số nơi, như ngay tại Hà Nội cũng có tình trạng không đủ cơ sở vật chất học 2 buổi/ngày. Có nghĩa học sinh chỉ có thể học 5 buổi/tuần. Để đảm bảo yêu cầu của chương trình mới, học sinh sẽ phải học 5 tiết/buổi. Như vậy học sinh sẽ học 25 tiết/tuần, số tiết bị hụt cũng chỉ nằm trong thời lượng học tự chọn.

Trường hợp này, GS Thuyết cho là “hạ sách”, nhưng với điều kiện dạy học chưa khắc phục được thì vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu cơ bản để triển khai chương trình đại trà vào năm tới.

 

VĨNH HÀ/TTO

 

Bình luận (0)