Bố tôi phát hiện bị đái tháo đường týp 2, vữa xơ động mạch, do thể trạng béo nên bố tôi rất tích cực tập luyện hằng ngày. Nhưng có người nói rằng bệnh đái tháo đường như bố tôi không nên tập luyện vì nhiều nguy cơ khi tập luyện. Xin bác sĩ tư vấn giúp.
Đỗ Thị Hồng Yến (Hòa Bình)
Ảnh minh họa – Internet. |
Tập luyện là yêu cầu quan trọng đối với bệnh đái tháo đường, duy trì tập luyện thường xuyên sẽ cải thiện đáng kể tình trạng tăng đường huyết, xơ vữa động mạch, ổn định huyết áp. Tuy nhiên nếu tập luyện quá mức và không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ có thể dẫn đến những hiện tượng sau: hạ đường huyết xảy ra ở bệnh nhân đang điều trị insulin hoặc đang dùng thuốc hạ đường huyết.
Cơn hạ đường huyết có thể xuất hiện ngay trong lúc tập hoặc sau khi kết thúc bài tập. Thậm chí ở một số bệnh nhân đái tháo đường týp 1 nguy cơ này có thể xảy ra muộn, sau thời điểm tập là 6 – 14 giờ, thậm chí là 24 giờ nếu cường độ tập nặng và lâu.
Ngược lại một số bệnh nhân lại bị tăng đường huyết sau khi tập vài giờ, bệnh nhân đái tháo đường týp 1 có hiện tượng này sẽ bị rơi vào tình trạng nhiễm toan ceton. Các cơn đau thắt ngực, loạn nhịp tim thậm chí là nhồi máu cơ tim cũng có thể xuất hiện. Bên cạnh đó các biến chứng khác cũng có thể trầm trọng thêm như gây xuất huyết đáy mắt hoặc làm bong võng mạc ở những người đa có biến chứng đáy mắt giai đoạn 3.
Sự tiêu hao năng lượng trong luyện tập làm mất thêm chất đạm qua nước tiểu và làm trầm trọng bệnh lý thận do đái tháo đường gây ra. Đối với những người bị thoái hóa khớp, việc tập luyện quá mức có thể làm tổn thương khớp.
Để tránh những nguy cơ trên, dù thể lực tốt nhưng bố chị nên chuyển sang hình thức đi bộ hằng ngày. Việc giảm cân không chỉ bằng tập luyện mà còn kết hợp với dinh dưỡng. Bố chị nên tham khảo bác sĩ điều trị để có hiệu quả tập luyện tốt nhất.
Theo BS. Trần Quốc Minh
Sức khỏe & Đời sống
Sức khỏe & Đời sống
Bình luận (0)