Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lớp học tại… Thảo Cầm Viên

Tạp Chí Giáo Dục

Thay vì phải học tại lớp, các em học sinh THCS và THPT trên địa bàn TP.HCM sẽ có những tiết học thú vị tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn theo từng chủ đề ở môn sinh học.

Nhiều nữ sinh thích thú “khám phá” lớp da voi

Sáng 26-10, hơn 400 học sinh khối lớp 7 của Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) đã có những trải nghiệm thú vị khi được quan sát các loài thú thuộc bộ móng guốc, bộ thú dữ, bộ voi và bộ linh trưởng. Ở mỗi bộ, các em quan sát từ 3-4 loài thú, ghi lại đặc điểm nhận dạng, kích thước, chế độ ăn, cấp độ nguy cấp cần bảo vệ… Tiếp đó, các em được đưa tới phòng tiêu bản động thực vật, quan sát và so sánh bộ xương của các lớp cá, lưỡng cư, bò sát, chim để rút ra đặc điểm tiến hóa của lớp thú; quan sát bộ răng của các loài động vật thuộc lớp thú để tìm ra mối tương quan giữa cấu trúc của bộ răng với chế độ ăn của loài này. Từ những gì quan sát và ghi nhận được, các em sẽ làm bài thu hoạch để giáo viên đánh giá.

Học sinh tìm hiểu về rùa

Nội dung của buổi học trên là một trong 5 chủ đề thuộc môn sinh học mà học sinh khối lớp 7 (và các khối lớp khác ở bậc THCS và THPT) được học ngoài trời trong năm nay. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện sở đã xây dựng 18 chủ đề của bộ môn sinh học, được hội đồng bộ môn sinh thành phố và Trung tâm Giáo dục vườn thú (thuộc Thảo Cầm Viên Sài Gòn) thẩm định trên cơ sở khoa học chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng hiện hành ở một số nội dung kiến thức sinh học bậc THCS và THPT.

Chăm chú theo dõi “chú” báo

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết chương trình tiết học ngoài nhà trường ở bộ môn sinh học năm học 2016-2017 là một trong những nội dung đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá được sở chỉ đạo trong thời gian qua. Trong các chủ đề học, có rất nhiều nội dung liên quan đến việc bảo tồn hệ thống sinh vật, giáo dục ý thức về giữ gìn môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái. “Chúng tôi muốn học sinh quan sát trực tiếp bằng giác quan của mình để cảm nhận được môi trường và các loài vật sinh sống như thế nào để giúp các em có nhận thức sâu sắc về việc bảo tồn các loài động thực vật trên địa bàn mình sinh sống. Nhằm đổi mới triệt để quá trình kiểm tra đánh giá, bài thu hoạch của học sinh sẽ có phần ghi nhận những suy nghĩ, cảm nhận của mình về nội dung được học nhằm khuyến khích các em quan sát và có những trao đổi với hướng dẫn viên trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn để tìm hiểu sâu sắc hơn về các mảng nội dung chương trình sách giáo khoa không đề cập đến.

Để phục vụ tốt cho việc học tập và khám phá của học sinh, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã đầu tư nhiều hạng mục mới, trong đó có 20 kính hiển vi quang học, 1 kính hiển vi có gắn camera kết nối với projector để chỉ cụ thể cho các em ở một số bài học về động vật nguyên sinh, quan sát sự co giãn ở tế bào thực vật. Bên cạnh đó, một lượng lớn mẫu tiêu bản thực vật cũng được trang bị thêm như mẫu hoa quả, hạt lá của nhóm hạt kín, hạt trần; rễ cọc, rễ chùm, rễ giả và các vòng thân để các em đếm tuổi đời của cây…

Đánh giá về sự đổi mới trong phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, ông Hiếu nhấn mạnh: “Hiện nay rất nhiều trường đã thực hiện các dự án dạy học thực tế nhằm “thoát ly” khỏi 4 bức tường của phòng học như môn văn, sử, mỹ thuật. Sinh học là môn đầu tiên ngành GD-ĐT TP tổ chức biên soạn các chủ đề gắn với nội dung trong chương trình sách giáo khoa. Đối với các môn học khác, sở cũng đang chỉ đạo các bộ môn xây dựng kế hoạch đổi mới theo từng chủ đề, chủ điểm sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và nội dung chương trình học bậc THCS và THPT…”.

Ngọc Anh

 

Bình luận (0)