Hiểu không rõ về tự kỷ khiến nhiều phụ huynh hoang mang khi vừa thấy vài biểu hiện “là lạ” ở con em mình.
Cô Nguyễn Thị Tường Vân, Phó khoa Giáo dục đặc biệt, trường CĐSP Mẫu giáo T.Ư 3 TP.HCM cho hay, nhiều phụ huynh đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý và giáo dục thăm khám khi cho rằng con mình bị tự kỷ, nhưng thật ra trẻ không bị hội chứng này vì chỉ có một số dấu hiệu như: không giao tiếp mặt đối mặt, chưa có ngôn ngữ hay có những hành vi ngang bướng. Sau một thời gian, ba mẹ dành nhiều thời gian cho con, quan tâm đến những trò chơi của con, giao tiếp với con nhiều hơn…, trẻ đã không còn những biểu hiện hay dấu hiệu của hội chứng tự kỷ.
Trẻ ít nói, không chịu tiếp xúc, hay tỏ ra ngang bướng… chưa hẳn mắc hội chứng tự kỷ
|
Hội chứng hay bệnh lý?
Khái niệm về tự kỷ được giáo sư chuyên khoa tâm thần người Mỹ Leo Kanner đưa ra lần đầu tiên vào năm 1943, sau một thời gian theo dõi 11 trẻ em gặp những rối loạn về giao tiếp và hành vi. Trong thập niên 1950, nhiều nhà phân tâm học cho rằng trẻ bị tự kỷ là hậu quả từ những trục trặc của quan hệ cha mẹ – con cái, nhưng những nghiên cứu sau đó đã bác bỏ lập luận này. Hiện nay, các nhà khoa học mô tả tự kỷ là một dạng khiếm khuyết phát triển lan tỏa kéo dài suốt đời, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của trẻ: quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp, khả năng tưởng tượng… Đây là dạng rối loạn hoạt động chức năng của não bộ với rất nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, có nguyên nhân từ di truyền, từ tác động của môi trường lên người mẹ trong giai đoạn mang thai.
Cô Tường Vân cho biết, một số nhà tâm lý có xu hướng chẩn đoán quá mức nhiều chứng bệnh khác của trẻ nhỏ là hội chứng tự kỷ, do không thống nhất về quan niệm cũng như không hiểu biết đầy đủ về tâm thần trẻ em. Tự kỷ, hay gọi đầy đủ hơn là “Các dạng rối loạn trong hiện tượng tự kỷ” bao gồm 5 loại khác nhau: Rối loạn tự kỷ sớm; Hội chứng Aperger; Rối loạn phát triển lan tỏa không đặc hiệu; Hội chứng Rett và Rối loạn nhân cách tuổi ấu nhi. Xem đây là một “hội chứng” thì chính xác hơn là “bệnh lý” vì 5 dạng của tự kỷ có biểu hiện và phương pháp trị liệu khác nhau.
Trên thực tế, đến nay vẫn chưa có một loại thuốc đặc trị hay một kỹ thuật trị liệu chuyên biệt nào cho hội chứng này. Thay vào đó các chuyên gia tâm lý, tâm thần sẽ tập trung cải thiện về hành vi, giao tiếp và quan hệ cộng đồng của trẻ bị tự kỷ qua một chương trình đặc biệt kết hợp giữa giáo dục đặc biệt, tâm lý trị liệu, sự quan tâm của phụ huynh (có kiến thức về tự kỷ, sắp xếp điều kiện môi trường thích hợp với trẻ…).
Đừng tự “chẩn bệnh”
Trong trường bị gán ghép oan là mắc chứng tự kỷ, cô Tường Vân cảnh báo nguy cơ sau này trẻ sẽ sống ích kỷ, không biết sẻ chia, không chịu hợp tác, kỹ năng giao tiếp rất hạn chế. Khi đi học, trẻ có thể bị giáo viên và các bạn tách biệt dẫn đến mặc cảm, tự ti. Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu bất thường, phụ huynh không nên tự định bệnh cho con mình mà nên đưa đến khám tại các chuyên khoa thích hợp.
Theo tài liệu mới nhất của Ủy ban châu Âu, việc hội chẩn hội chứng tự kỷ nên có sự tham gia của chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau: tâm lý, tâm thần, giáo dục, âm ngữ trị liệu, vật lý trị liệu. Yếu tố đầu tiên của quá trình chẩn đoán là tìm hiểu chung về quá trình phát triển của trẻ (ghi nhận mọi dấu hiệu phụ huynh cho là “đáng ngại”, khám lâm sàng về thể chất và trí tuệ). Các chuyên gia sẽ đưa ra câu hỏi để đánh giá theo các tiêu chí: khiếm khuyết trong tương tác xã hội (không có bạn bè, ít bày tỏ cảm xúc); khiếm khuyết trong giao tiếp (chậm hoặc không thể nói, nói mà không duy trì được đối thoại, dùng ngôn ngữ lập dị); hành vi bất thường và mang tính trùng lặp… Những biểu hiện này thường được phát hiện khá sớm, tuy nhiên phải được xem xét một cách kết hợp và tổng quát. Không thể kết luận là hội chứng tự kỷ nếu trẻ chỉ có một trong những dấu hiệu bất thường kể trên.
Theo Lan Chi
Thanh Nien
Bình luận (0)