Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ nôn dịch xanh coi chừng bị xoắn ruột

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đau bụng, nôn ra dịch xanh nhiều lần trong ngày, uống thuốc trị rối loạn tiêu hóa không khỏi, cậu học sinh lớp 8 mê man và được bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) xác định ruột bị xoắn.
"Gần một mét ruột xoắn khiến máu không lưu thông nên đã bị hoại tử. Đây là trường hợp xoắn do di chứng từ vết mổ ruột thừa, thuộc ca hiếm gặp", một bác sĩ nói.
Việc mổ cấp cứu lập tức được tiến hành cuối tuần qua. Do nhập viện khi bệnh đã quá nặng, nên dù phần ruột xoắn đã được cắt bỏ, bệnh nhân vẫn nguy kịch với nhiều lần ngưng tim. 
Xoắn ruột ở trẻ khiến mạch máu bị tắc gây hoại tử phần ruột không nhận được máu. Đây là nguyên nhân dẫn đến tử vong do biến chứng.
"Phải đến khi chúng tôi cho sốc điện, truyền thuốc chống loạn nhịp và lọc máu liên tục, bệnh nhân mới dần hồi phục", một bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu nói. 
Cùng triệu chứng ói mửa, bụng phình to, bé gái 2 ngày tuổi nhà ở huyện Củ Chi cũng được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 chẩn đoán ruột non xoắn 2 vòng. May mắn, việc tháo xoắn được tiến hành thành công.
Cũng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, một bệnh nhi khác, 27 tháng tuổi, đau bụng từng cơn kèm nôn ói suốt hai ngày trước khi nhập viện, số lần nôn ra dịch xanh ngày càng tăng. Tại bệnh viện, sau chụp phim ổ bụng các bác sĩ khoa ngoại đã phát hiện một đoạn ruột xoắn.
Tương tự, một bé gái 2 tuổi ở Lâm Đồng bị nôn và đau bụng dữ dội. Sau nhiều ngày uống thuốc, truyền dịch tại địa phương không khỏi, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé được xác định toàn bộ ruột non xoắn một vòng theo chiều kim đồng hồ.
Các bác sĩ chuyên khoa Ngoại, có nhiều nguyên nhân dẫn đến xoắn ruột. Hầu hết xoắn ruột do bẩm sinh. Hiện tượng này thường xảy ra cho trẻ sơ sinh hoặc trở nặng ở bé dưới 2 tuổi. Một số trường hợp khác, ruột có thể bị xoắn do có khối u trong ruột hoặc các phẫu thuật trong ổ bụng trước đó. Bệnh thường biểu hiện lâm sàng với đau bụng dữ dội, ói dịch xanh, bụng chướng, tiêu máu đỏ.
"Ruột xoắn dẫn đến động mạch bị xoắn, phần ruột sẽ không được tưới máu và nhanh chóng hoại tử trong khoảng 6 giờ đồng hồ. Nếu bệnh nhân vào viện với sốc nhiễm trùng nhiễm độc thì khả năng tử vong là rất cao", bác sĩ Vũ Trường Nhân, khoa Ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 2 nói.
Để tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, các bác sĩ khuyên phụ huynh nếu thấy trẻ có than đau bụng, nôn nhiều lần, nôn ra dịch xanh, bụng trương, thì cần đưa ngay đến bệnh viện để được chẩn đoán. 
Theo VnExpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)