Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học trường sang chưa chắc hạnh phúc

Tạp Chí Giáo Dục

Học trường sang nhất, vào lớp xịn nhất có phải là cách duy nhất để phụ huynh trang bị cho con bản lĩnh và sự tự tin bước vào đời?

“Như một đứa trẻ bị bỏ rơi”
Dù mang cái mác là con ngoan, trò giỏi, du học Nhật nhưng H.T.M (quê H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lại cảm thấy cuộc sống ngột ngạt, buồn chán, thậm chí đã từng bỏ nhà đi vì cảm thấy quá áp lực.
Con nhà khá giả, được gia đình yêu thương và quan tâm nhiều đến việc học, M. được gửi xuống nhà chú ở Hà Nội học từ nhỏ. Từ đây cô luôn theo một định hướng có sẵn là học trường tốt và mục tiêu là phải đạt kết quả học tập cao. Bên cạnh thời gian học ở trường, ngay từ lớp 1, M. phải học với gia sư ít nhất 2 tiếng/ngày nhằm thực hiện mong muốn của gia đình là đi du học.

Phụ huynh đứng bên ngoài đợi con đang dự thi vào một trường chuyên tại TP.HCM /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Phụ huynh đứng bên ngoài đợi con đang dự thi vào một trường chuyên tại TP.HCM. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

M. tâm sự: “Tôi là đứa trẻ không có tuổi thơ vì từ nhỏ ngoài việc học, tôi không có niềm vui nào khác. Thậm chí thời gian chuyển từ THCS lên THPT tôi đã từng bỏ học lang thang và nghĩ mình sẽ trốn đi đâu đó để không còn phải chịu gánh nặng học hành. Tuy nhiên, lúc đó tôi nghĩ đến bố mẹ và nghĩ tới nỗi thất vọng của họ khi biết tôi bỏ đi nên đã quay về. Hơn 15 năm sống xa nhà tôi thấy mình như đứa trẻ bị bỏ rơi, mặc dù mọi người luôn cho rằng tôi may mắn và được học hành một cách bài bản, nhưng không ai hiểu điều mà một đứa trẻ cần không chỉ có thế”.
Chính sự kỳ vọng quá mức của ba mẹ đôi khi lại trở thành áp lực khiến nhiều học sinh (HS) mệt mỏi, thậm chí là tìm cách giải thoát.
 
 
Học sinh giỏi… tự tử

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ HS tự tử khiến những phụ huynh có con đang trong độ tuổi tới trường không khỏi lo lắng. Điển hình là vụ việc Đ.T.T.T, lớp 11B, Trường THPT Đồng Xoài, Bình Phước nhảy xuống đập nước tự tử để lại 5 lá thư tuyệt mệnh với nội dung thể hiện sự buồn chán, thất vọng vì kết quả học tập không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ. T.H.H, lớp 11D1 Trường THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn nhảy sông Kỳ Cùng tự tử chỉ vì bị điểm kém. Mới đây, V.N.T.T (HS giỏi lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Quy Nhơn, Bình Định) treo cổ tự tử khiến gia đình, người thân không khỏi đau xót.

 

L.X.N là HS một trường THPT chuyên của TP.HCM. Từ năm lớp 1 tới lớp 11, N. đều là HS giỏi, được nhận phần thưởng và giấy khen của địa phương. Nhưng gần đây hàng xóm thấy nhà N. luôn đóng cửa. Hỏi ra thì được biết ba mẹ N. đang cố gắng chạy chữa cho con ở bệnh viện vì N. bị trầm cảm nặng, dẫn đến ảnh hưởng về thần kinh. Mẹ N. buồn rầu kể: “Trước nay vợ chồng tôi luôn nghĩ làm sao kiếm tiền để đầu tư cho con học mọi thứ tốt nhất. Từ cờ vua, cờ tướng, đến các cuộc thi HS giỏi, thi Olympic tôi đều tạo điều kiện cho con mình tham gia. Thậm chí thầy cô giỏi nhất cũng mời về để luyện thi cho con, nên khi phát hiện cháu uống thuốc ngủ trong phòng tôi suy sụp lắm. May mà đưa cháu tới bệnh viện kịp lúc. Tôi hoang mang và nghĩ rằng không biết mình đã làm điều gì sai mà khiến con phải chịu hậu quả như bây giờ?”.

Mẹ N. lật ra tờ phiếu báo điểm, nghẹn ngào nói: “Trước nay tôi chưa từng nghĩ mình là người mẹ tồi và luôn nghĩ là con ổn, cho tới hôm trước thấy phiếu báo có 2 môn điểm trung bình kèm với mấy dòng chữ của con viết là: “Ước gì mình là đứa trẻ mồ côi. Mình sẽ không đi học ở Trường T.Đ.N, sẽ không cần phải là đứa con luôn đứng đầu, cũng không cần sợ hãi khi nhìn mẹ và đưa ra phiếu điểm”.
“Cần một không gian để thở”
Ngoài sức ép từ gia đình, nhiều HS còn cảm thấy mệt mỏi vì chương trình học quá sức.
N.V.A (Trường THPT N.K, TP.HCM) nói: “Từ nhỏ em được ba mẹ chăm chút việc học chu đáo nhưng học lực cũng chỉ đạt khá hoặc trung bình khá. Khi lên lớp 10, dù đầu vào của Trường N.K rất cao nhưng mẹ vẫn tìm cách xin cho em vào học bằng được. Lúc đầu em thấy rất mệt mỏi vì luôn bị các bạn trong lớp bỏ xa về kết quả học tập. Thấy ba mẹ động viên nên em cố học nhưng gần 3 năm học ở đây em thấy rất áp lực. Thậm chí em không có khái niệm về ngày thứ bảy vì phải dành thời gian học đuổi bạn cùng lớp. Nhiều khi em thấy mình như một cái máy”. V.A cho biết đã nhiều lần xin chuyển trường nhưng ba mẹ không đồng ý với lý do “học ở đây mới có một tương lai tốt nhất!”.
Đ.H.Đ, hiện đang là sinh viên một trường ĐH quốc tế tại TP.HCM, từ nhỏ đến lớp 12 chưa từng bị nợ môn. Tuy nhiên, ngay ở kỳ đầu tiên khi vào ĐH, Đ. khốn đốn vì không theo kịp một số môn học. “Trước đây em tập trung quá nhiều thời gian để học văn hóa. Mục tiêu là để đậu ĐH bằng mọi giá. Tuy nhiên, sau khi đậu ĐH em bị khớp vì cách học quá khác biệt. Đã có lúc em nghĩ mình không theo được, mệt mỏi và muốn xin gia đình thi lại vào một khoa bình thường tại một trường công bình thường nào đó. Tuy nhiên, nhà em lại cho rằng học ở đó thì tương lai sẽ không sáng bằng học ở trường quốc tế. Em thật sự không muốn làm ba mẹ thất vọng nhưng cũng rất muốn một lần được chọn đại một trường mình yêu thích”.
Nhiều HS nói với chúng tôi rằng học ở đâu không quan trọng bằng học được cái gì? “Theo em, nếu gia đình có điều kiện hỗ trợ việc học được đầy đủ thì rất tốt. Nhưng việc cứ phải học ở trường sang, chuẩn thì không chắc đã là giải pháp hay. Nhiều khi chỉ cần không gian bình thường để thở có lẽ chúng em sẽ học tốt hơn”, V.A chia sẻ.
Một số người chúng tôi gặp từng dẫn đầu trong các trường ĐH hàng đầu cũng cho rằng việc học ở trường sang không quyết định tương lai. Thậm chí với cường độ học cao tại một số trường chuyên còn làm cho HS trở nên tụt hậu so với những người học trường bình thường nhưng được trang bị đủ các kỹ năng.

Lam Ngọc (TNO)

 

Bình luận (0)